Cv 2,14a.36-41; 1 Pr 20b-25; Ga 10,1-10
Hôm nay, toàn thể Giáo Hội cử hành Chúa Nhật IV Phục Sinh, được gọi là
Chúa Nhật Chúa Chiên Lành, để cầu nguyện cho ơn thiên triệu. Hình ảnh người mục
tử và đoàn chiên là hình ảnh nổi bật trong thánh lễ này.
Đối với người Việt Nam, hình ảnh mục tử và đoàn chiên thì khá xa lạ,
nhưng đối với người Do Thái, hình ảnh này rất gần gũi, quen thuộc và quan
trọng. Bởi vì, người Do Thái sống bằng nghề chăn nuôi, nuôi chiên cừu. Người
mục tử có một tầm quan trọng trong lịch sử của họ. Vì thế, về mặt xã hội, họ
dùng hình ảnh người mục tử để áp dụng cho những vị vua của mình. Về mặt tôn
giáo, người Do Thái áp dụng hình ảnh để diễn tả tương quan giữa Thiên Chúa và
dân Người. Thiên Chúa là mục tử chăn dắt đoàn chiên dân Người.
Trong Cựu Ước, Thánh Vịnh 23 diễn tả: “Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi
chẳng thiếu thốn gì, trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ. Người đưa
tôi tới dòng nước trong lành và bổ sức cho tôi (Tv 23,1-2).
Trong Tân Ước, hình ảnh lý tưởng về người mục tử tốt lành được thể hiện
một cách đầy đủ và cụ thể nơi Đức Giêsu. Chính Người đã tự giới thiệu mình:
“Tôi chính là mục tử nhân lành. Tôi biết chiên của tôi và chiên của tôi biết
tôi” (Ga 10,14). Đức Giêsu chính là vị mục tử nhân lành và chúng ta là đoàn
chiên của Người.
Tuy nhiên, dựa vào đâu để chúng ta nhận ra Đức Giêsu là mục tử nhân
lành?
Kinh Thánh cung cấp cho chúng ta ít nhất là ba tiêu chuẩn sau đây về
người mục tử nhân lành, phân biệt với người chăn thuê.
Tiêu chuẩn thứ nhất: đó là người mục tử tốt lành là người “biết” đoàn
chiên của mình. Theo Kinh Thánh, cái biết ở đây không phải chỉ là cái biết
thuần lý trí, vô cảm, nhưng là đi vào tương quan gần gũi, mật thiết và hết lòng
yêu mến đoàn chiên. Người mục tử sống gần gũi giữa đoàn chiên, lăn lộn với đoàn
chiên, biết từng con chiên, con béo hay con gầy, con khỏe hay con bệnh tật,
người mục tử đều biết rõ từng hoàn cảnh của mỗi con chiên. Trái lại, người chăn
thuê thì không “biết chiên” của mình, là người chỉ làm việc vì tiền công, không
phải vì yêu mến đoàn chiên.
Tiêu chuẩn thứ hai, người mục tử đích thực là người chăm sóc, đi trước
và bảo vệ đoàn chiên khỏi sự tấn công của lũ sói, dẫu phải đối diện với nguy cơ
phải bỏ mạng; còn người chăn thuê là người chỉ làm việc vì tiền công, không
phải vì lòng yêu mến đoàn chiên, và thường họ chẳng có yêu mến gì đoàn chiên.
Tiêu chuẩn thứ ba, tiêu chuẩn cao nhất của người mục tử tốt lành là dám
hiến dâng mạng sống mình vì đoàn chiên. Còn người chăn thuê chỉ tìm kiếm lợi
tức và trục lợi từ đoàn chiên mà không dám hy sinh gì vì đoàn chiên.
Các bài đọc hôm nay là những lời chứng hùng hồn về người mục tử nhân lành
đó. Trong bài đọc I, trích sách Công Vụ, thánh Phêrô được tràn đầy Thánh Thần,
đã có một bài giảng xuất thần về Người mục tử nhân lành: “Đức Giêsu mà anh em
đã treo trên thập giá, Thiên Chúa đã đặt Người làm Đức Chúa và làm Đấng Kitô”
(Cv 2,36). Bài giảng này đã đánh động và làm cho 3000 người trở lại.
Một cách tuyệt vời trong bài đọc II, thánh Phêrô nói về mẫu gương của vị
mục tử nhân lành: “Thật vậy, Đức Kitô đã chịu đau khổ vì anh em, để lại một
gương mẫu cho anh em dõi bước theo Người. Người không hề phạm tội; chẳng ai
thấy miệng Người nói một lời gian dối. Bị nguyền rủa, Người không nguyền rủa
lại, chịu đau khổ mà chẳng ngăm đe; nhưng một bề phó thác cho Đấng xét xử công
bình” (1 Pr 2,22-23).
Như vậy, Đức Giêsu chính là vị mục tử đã hiến dâng mạng sống mình vì
đoàn chiên, Người đã chấp nhận chết trên thập giá vì tội lỗi chúng ta, và sau
ba ngày Người phục sinh vinh hiển để cứu độ chúng ta. Đấng Phục Sinh là Đức
Chúa và là Đấng Cứu Độ loài người. Bởi lẽ, Người đã chiến thắng sự dữ, đã đập
tan xiềng xích tội lỗi và là người đầu tiên đi vào sự sống mới của Thiên Chúa.
Sự phục sinh của Đức Kitô là nền tảng cho sự sống vĩnh cửu của chúng ta. Đức
Giêsu chính là vị mục tử dẫn con người tới sự sống mới này. Người đến để chiên
được sống và sống dồi dào.
Nhưng khi cử hành Chúa Nhật Chúa Chiên Lành trong Mùa Phục Sinh, Giáo
Hội muốn nói với chúng ta điều gì đó hơn nữa. Đấng Phục Sinh chính là vị mục tử
nhân lành, Người không chỉ hiến mình cho chúng ta một lần mà thôi, nhưng Người
còn tiếp tục hiến mình cho chúng ta nơi bí tích Thánh Thể. Vì Đấng Phục Sinh
chính là Chúa Giêsu Thánh Thể. Nơi Thánh Thể, như là mục tử, Người tiếp tục
hiến mình thành của ăn nuôi sống linh hồn chúng ta.
Như thế, khi cử hành thánh lễ này, Giáo Hội mời gọi chúng ta suy niệm và
sống ba bài học sau đây:
1) Đấng Phục Sinh tiếp tục hiện diện với chúng ta qua bí tích Thánh Thể
để nuôi sống chúng ta là đoàn chiên của Người. Vì thế, chúng ta được mời gọi
hãy đến tham dự thánh lễ, nơi đó Chúa nuôi dưỡng chúng ta qua bàn tiệc Lời Chúa
và bàn tiệc Thánh Thể.
2) Chúa Giêsu chia sẻ sứ vụ mục tử của mình cho Đức Giáo Hoàng, các giám
mục và các linh mục. “Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi” (Ga 10,27). Chúng ta là
đoàn chiên của Chúa, chúng ta được mời gọi lắng nghe tiếng nói của Huấn Quyền,
của Đức Giám mục và các linh mục hướng dẫn, ngõ hầu chúng ta cũng lắng nghe
tiếng Chúa trong Giáo Hội của Người.
3) Ngày hôm nay, các linh mục phải đối diện với nhiều áp lực và thách đố
trong sứ vụ mục tử của mình, chúng ta được mời gọi cầu nguyện cho các linh mục,
cộng tác tích cực với cha xứ để xây dựng giáo xứ của mình phát triển không
ngừng. Cách riêng, hôm nay là ngày cầu nguyện cho ơn thiên triệu, chúng ta sốt
sắng cầu nguyện cho Giáo Hội có nhiều ơn gọi tu trì và nhất là biết cổ võ ơn
thiên triệu bằng sự giúp đỡ của mình cho công cuộc đào tạo ơn gọi linh mục.
Amen!
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương
No comments:
Post a Comment