Đnl 18,15-20; 1 Cr
7,32-35; Mc 1,21-28
Ngày nay có nhiều người không còn tin vào hiện tượng
quỷ ám và trừ quỷ. Tuy nhiên, nhờ phát triển của y học giúp người ta khám phá
nhiều trường hợp được cho là bị quỷ ám nhưng thực tế là do bệnh tâm lý hay tâm thần.
Thẩm quyền để chữa trị những bệnh này thuộc khoa phân tâm và y khoa. Nhưng có
những trường hợp vượt khỏi thẩm quyền của y khoa và tâm lý, người ta phải nhìn
nhận do quỷ ám và cần có sự can thiệp của nhà trừ quỷ.
Ngày hôm nay, chúng ta còn tin vào sức mạnh và sự
thống trị của ma quỷ nữa không? Ma quỷ có hiện hữu không? Trong thánh lễ này,
chúng ta cần tìm hiểu về vấn đề này dưới ánh sáng của Lời Chúa soi sáng.
1. Ma quỷ có hiện hữu không?
Gần đây, khi trả lời phỏng vấn cho báo El Mundo, cha
Juan José Gallego, một chuyên gia trừ quỷ thuộc tổng giáo phận Barcelona ở Tây
Ban Nha, cho biết: “Khi người ta bị quỷ ám, họ mất hết ý thức, họ nói những thứ
tiếng lạ, họ mạnh mẽ lạ thường, họ cảm thấy thực sự rất tệ, bạn có thể thấy họ
nôn mửa và phỉ báng người ta.” Ký giả hỏi cha: “Thưa cha, thế cha có bao giờ sợ
hãi không?” Cha Gallego trả lời: “Lúc đầu tôi sợ lắm chứ. Khi tôi đang thực
hành việc trừ quỷ, tôi đang nói: “Ta ra lệnh cho ngươi! Ta yêu cầu ngươi!”… và
tên quỷ hét lớn phản lại tôi rằng: ‘Galleeeego, mày đang làm quá đấy.’ Điều ấy
làm tôi bị sốc.” Tuy nhiên, cha biết rằng, ma quỷ không thể mạnh hơn Thiên
Chúa, vì ma quỷ cũng chỉ là một thụ tạo mà thôi. Điều đó làm cho ngài không còn
sợ nữa.
Kinh Thánh nói nhiều đến quyền lực của chúng thống trị
trên con người và thế giới. Tin Mừng hôm nay là một chứng tá trong số đó. Thánh
Máccô cho biết: khi Đức Giêsu giảng dạy ở Caphácnaum:
“Lập tức, trong
hội đường của họ, có một người bị thần ô uế nhập, la lên rằng: ‘Ông Giêsu
Nadarét, chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi ? Tôi
biết ông là ai rồi: ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa!’ Nhưng Đức Giêsu quát
mắng nó: ‘Câm đi, hãy xuất khỏi người này!’ Thần ô uế lay mạnh người ấy, thét
lên một tiếng, và xuất khỏi anh ta. Mọi người đều kinh ngạc đến nỗi họ bàn tán
với nhau: ‘Thế nghĩa là gì ? Giáo lý thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền...’”
(Mc 1,23-27).
2. Chúa Giêsu, Đấng chiến thắng ma quỷ
Đây là phép lạ đầu tiên mà Chúa Giêsu thực hiện sau
khi Người giảng dạy. Với phép lạ này, Máccô có dụng ý trình bày với độc giả của
mình vốn là những người Kitô hữu gốc dân ngoại biết rằng: Chúa Giêsu chính là
Con Thiên Chúa, là Đấng Mêsia, Người nắm giữ quyền năng thần linh. Đến nỗi ai
nghe lời Người và chứng kiến việc Người làm đều phải thán phục, ngạc nhiên.
Chúa Giêsu thể hiện quyền năng trổi vượt hơn hẳn các kinh sư.
Trong sứ vụ của mình, Chúa Giêsu còn nhiều lần làm
phép lạ trừ quỷ, chẳng hạn như trong trình thuật Mc 9,14-29, Máccô kể lại câu
chuyện một người có đứa con trai bị quỷ câm ám, quỷ hành hạ đứa bé. Chúa Giêsu
chạnh lòng thương và trừ quỷ cho đứa bé. Các môn đệ không có khả năng trừ được
loại quỷ này. Các ông hỏi Chúa làm sao để trừ được nó, Chúa trả lời: “Giống quỷ
ấy, chỉ có cầu nguyện mới trừ được thôi” (Mc 9,29).
Như thế, thánh Máccô muốn lưu ý rằng: con người luôn
bị quyền lực ma quỷ thống trị và quấy phá. Đức Giêsu đến để cứu độ và giải
phóng con người khỏi mọi sự thống trị và quấy phá của ma quỷ bằng lời nói, phép
lạ và hành động của Người. Theo đó, trừ quỷ là một phần sứ vụ cứu độ của Đức
Giêsu. Đồng thời, Người cũng trao quyền trừ quỷ cho các Tông Đồ và Giáo Hội. Về
điểm này, thánh Máccô cho biết:
“Người lập Nhóm
Mười Hai, để các ông ở với Người và để Người sai các ông đi rao giảng, với
quyền trừ quỷ” (Mc 3,14-15).
Thánh Mátthêu triển khai nội dung sai đi:
“Rồi Đức Giêsu gọi
mười hai môn đệ lại, để ban cho các ông quyền trên các thần ô uế, để các ông
trừ chúng và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền” (Mt 10,1; x. Mc 16,9-18).
Thánh Phaolô trong thư Êphêsô diễn tả việc trừ quỷ
mang tính đặc thù của Kitô giáo:
“Chúng ta chiến
đấu không phải với phàm nhân, nhưng với những quyền lực thần thiêng, với những
bậc thống trị thế giới tối tăm này, với những thần linh quái ác chống trời cao”
(Ep 6,10-12).
Liên quan đến sứ vụ này, Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI
trong cuốn sách Đức Giêsu thành Nadarét viết:
“Vì thế giới đang bị quyền lực sự xấu thống trị, nên
việc rao giảng cũng đồng thời là một cuộc đấu tranh với các quyền lực này. Điểm
chính yếu cho các sứ giả Đức Giêsu là phải bước theo Người để trừ quỷ ra khỏi
thế giới nhờ đó thiết lập một hình thức sống mới trong Chúa Thánh Thần, hình
thức này được giải phóng mọi thứ thống trị ám ảnh. Như Henri de Lubac cho thấy,
trong thực tế, thế giới cổ cảm nghiệm việc phổ biến niềm tin Kitô giáo được xem
như sự giải phóng khỏi nỗi sợ ma quỷ, sự sợ hãi này thống trị tất cả mặc dù có
thuyết hoài nghi và thuyết thiên cảm” (tr.
240).
Ở phương diện này, Kitô Giáo tự bản chất là giải
phóng, chữa lành con người khỏi những thế lực của ma quỷ và sự ác thống trị.
Ngày xưa, thiên chức linh mục có bảy chức nhỏ, trong đó có chức trừ quỷ. Từ
Công Đồng Vaticanô II, Giáo Hội đã bỏ chức trừ quỷ cùng với một số chức nhỏ
khác, nhưng đặc sủng trừ quỷ thì vẫn còn. Giáo Hội nhìn nhận rằng Chúa vẫn tiếp
tục ban cho một số người đặc ân của Chúa Thánh Thần để trừ quỷ. Vì thế, Giáo
Luật điều 1172 nói rằng không phải ai cũng được trừ quỷ. Bản Quyền sở tại chỉ
ban quyền trừ quỷ cho những linh mục đạo đức, có học thức và khôn ngoan.
3. Tỉnh thức trước mưu ma chước quỷ
Để chiến đấu với những thế lực này, Chúa Giêsu dạy
phải cầu nguyện, còn thánh Phaolô mời gọi chúng ta:
“Anh em hãy tìm
sức mạnh trong Chúa và trong uy lực toàn năng của Người. Hãy mang toàn bộ binh
giáp vũ khí của Thiên Chúa để có thể đứng vững trước những mưu chước ma quỷ”
(Ep 6,10-12).
Ma quỷ luôn hoạt động và chúng không bao giờ ngủ.
Thành công nhất của ma quỷ là làm cho con người hôm nay không còn tin, ý thức
về sự hiện diện và hoạt động của chúng nữa. Như thế, ma quỷ tha hồ ru ngủ, lừa
dối và cám dỗ mà chúng ta không hề biết. Ma quỷ vẫn tiếp tục hoạt động một cách
tinh vi và xảo quyệt trong đời sống hằng ngày. Quyền lực của chúng vẫn chiếm
giữ và thống trị nhiều tâm hồn; chúng dìm chúng ta vào bóng tối sự dữ và điều
xấu. Vì thế, thánh Phêrô mời gọi ta phải tỉnh thức:
“Anh em hãy sống
tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỷ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo
quanh tìm mồi cắn xé. Anh em hãy đứng vững trong đức tin mà chống
cự” (1 Pr 5,8-9).
Làm sao để chống cự chúng? Chỉ có một cách thức tốt
nhất để chiến thắng ma quỷ là hãy tin vào Chúa Giêsu Kitô, hãy tiến lại với
Người, hãy để cho Người chiếm giữ và bảo vệ chúng ta. Vì chỉ có Người mới có
quyền lực chiến thắng ma quỷ và mọi thế lực của chúng. Amen!
Bài 2 – Ngạc nhiên, một thái độ của Đức Tin
Cuộc sống luôn có những điều bất ngờ xảy ra
làm chúng ta phải ngạc nhiên. Có những ngạc
nhiên làm chúng ta bối
rối thắc mắc. Có những ngạc nhiên làm chúng ta thất vọng. Nhưng cũng có những ngạc
nhiên làm chúng ta thú vị, vì nó đưa chúng ta tới những chân trời mới để khám phá những điều mới mẻ và kỳ diệu của cuộc sống. Chính vì thế, triết gia Platôn cho rằng trong cuộc sống
hằng ngày, chúng ta cần biết ngạc nhiên và ông gọi đó là sự “ngạc nhiên triết
học,” sự ngạc nhiên giúp nhận ra chân lý.
Một cách tương tự, trong đời sống đức tin, chúng ta
cũng cần phải biết ngạc nhiên trước mầu nhiệm và tình yêu Thiên Chúa để có thể
hiểu biết và yêu mến Người hơn. Tôi gọi đó là sự “ngạc nhiên của đức tin.”
Thánh Máccô trong bài Tin Mừng hôm nay nói nhiều đến
thái độ ngạc nhiên của dân chúng trước Con Người, lời giảng dạy và giáo lý của
Chúa Giêsu. Máccô kể:
“Tại thành
Caphácnaum, ngày Sabát, Đức Giêsu vào hội đường và giảng dạy. Thiên hạ sửng sốt
về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Đấng có uy quyền, chứ
không như các kinh sư” (Mc 1,22).
Sau đó Chúa Giêsu thấy một người bị thần ô uế ám,
Người truyền lệnh cho nó phải xuất ra khỏi người này. Thần ô uế phải tuân phục
Chúa. Thấy thế, mọi người đều sững sờ đến nỗi họ bàn tán với nhau:
“‘Thế nghĩa là gì?
Giáo lý thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền. Ông ấy ra lệnh cho cả các thần ô
uế và chúng phải tuân lệnh.’ Lập tức danh tiếng Người đồn ra mọi nơi” (Mc
1,27-28).
Quả thế, dân chúng ngạc nhiên về Chúa Giêsu bởi vì họ
nhận ra Đức Giêsu chính là vị ngôn sứ đã được Môsê tiên báo mà họ chờ đợi.
Người là sự thành toàn của các lời hứa. Người là vị Môsê mới, có uy quyền và
trỗi vượt hơn các ngôn sứ. Người là Đấng Thiên Sai, Người là Tin Mừng cần tin,
tiếp nhận và thông truyền cho mọi người biết để họ cũng được Người cứu độ. Họ
nhìn thấy nơi Chúa Giêsu “một niềm hy vọng mới,” bởi vì cách ứng xử và giảng
dạy của Người chạm đến con tim của họ, đến tâm hồn họ. Giáo huấn của Người mới
mẻ vì là giáo lý đến từ Thiên Chúa, đó là Tin Mừng giải thoát và có sức mạnh
của Thánh Thần. Khi mọi người nhìn thấy Chúa Giêsu và nghe giáo huấn của Người,
họ cảm thấy một cái gì đó khuấy động bên trong - chính là Chúa Thánh Thần đang
khuấy động tâm hồn họ. Họ đi đến gặp Đức Giêsu và tin vào Người.
Để hiểu biết, bước theo và yêu mến Thiên Chúa của Đức
Giêsu, chúng ta cần có thái độ ngạc nhiên của đức tin như thái độ của Dân Chúa
trong Tin Mừng hôm nay. Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI cho rằng: “Trước huyền
nhiệm tình yêu của Thiên Chúa, có lẽ là nỗi ngạc nhiên sững sờ là hình thức và
lời tuyên xưng đúng nhất về Thiên Chúa.”
Bởi vì, Thiên Chúa của Đức Giêsu là Thiên Chúa của
ngạc nhiên. Người luôn có những cách thế, đường lối và ân sủng làm chúng ta
phải ngạc nhiên. Vì Người là tình yêu và luôn yêu ta trước nhất. Người chờ đợi
chúng ta với một sự ngạc nhiên. Thiên Chúa làm chúng ta ngạc nhiên. Chúng ta
hãy để cho mình được Thiên Chúa làm cho ngạc nhiên. Chúng ta cần tránh một thứ
“tâm lý tự cho mình là đầy đủ” khi nghĩ rằng chúng ta đã biết hết. Đông thời,
chúng ta cũng được mời gọi đừng sống đức tin như một thứ máy móc mà mọi thứ đã
được cài đặt sẵn. Theo ý nghĩa đó, Đức Giáo Hoàng Phanxicô gần đây dạy:
“Nếu chúng ta không biết ngạc nhiên, không linh hoạt
hồng ân này của Thiên Chúa là đức tin, nhưng cứ để đức tin chúng ta suy yếu,
tan loãng, thì kết cục đức tin chỉ còn là một thứ văn hóa. ‘Vâng, tôi là một
Kitô hữu, đúng lắm’ – nhưng chỉ là một thứ văn hóa – một kiến thức ngộ đạo
thuyết, hay một dạng chuyên biệt của kiến thức. ‘Vâng, tôi biết rõ tất cả các
khía cạnh của đức tin, tôi rành rẽ giáo lý.’”
Vì thế, Đức Giáo Hoàng mời gọi chúng ta hãy biết ngạc
nhiên. Ngài cho rằng: điều trọng yếu là phải linh hoạt hồng ân này mỗi ngày:
phải đưa nó vào cuộc sống.
Xin Chúa Thánh Thần hướng dẫn chúng ta vào những đường
lối mới mẽ của Thiên Chúa để chúng ta cũng ngạc nhiên, khiêm tốn, chúc tụng và
chiêm ngắm huyền nhiệm tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta mỗi ngày.
Amen!
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương
No comments:
Post a Comment