Saturday, 23 January 2021

Ơn gọi là hồng ân và sứ vụ

 CHÚA NHẬT II THƯỜNG NIÊN

1 Sm 3,3b-10.19; 1 Cr 6,13c-15a.17-20; Ga 1,35-42

Bước vào mùa thường niên với Chúa Nhật II, phụng vụ năm B, chúng ta suy niệm về một chủ đề rất ý nghĩa mà Lời Chúa hôm nay gợi lên, đó là: “Ơn gọi, hồng ân và sứ vụ.”

1- Được gọi cho một lý tưởng

Trong bài đọc I, chúng ta nghe lại câu chuyện về ơn gọi của Samuen. Cậu bé ở trong nhà Đức Chúa, trong đền thánh Chúa, cậu sống ở đó với Chúa. Tại môi trường đó, cậu có thể phân định tiếng Chúa kêu gọi nhờ sự đồng hành và giúp đỡ của tư tế Êli. Cậu đã lắng nghe Chúa gọi cậu ba lần trong giấc ngủ. Cậu cứ tưởng là Êli gọi. Nhưng sau đó, nhờ Êli, cậu mới nhận ra tiếng đó là tiếng Chúa gọi cậu. Và cậu đã đáp trả tiếng Chúa gọi: “Xin Ngài phán, vì tôi tớ Ngài đang lắng nghe” (1Sm 3,10). Cậu đã trở thành một tiên tri vĩ đại của Ítraen. Sau thời gian ở lại với Chúa, sống bên Chúa, bây giờ, Samuen trở thành người nói về Thiên Chúa như một tiên tri; và để thi hành sứ vụ của mình như một ngôn sứ, ông phải ở lại trong Chúa nếu không sứ vụ của ông không thể thực hiện tốt (x. 1 Sm 3,3b-10.19).

Trong bài đọc II (1 Cr 6,13-15.17-20), thánh Phaolô nhắc nhở các tín hữu ở Côrintô và cả chúng ta nữa hãy dùng chính thân xác mình để sống cho một lý tưởng cao cả và xa rời những nếp sống tội lỗi: “Thưa anh em, thân xác con người không phải để gian dâm, mà để phụng sự Chúa, vì Chúa làm chủ thân xác… Thân xác chúng ta là đền thờ của Chúa Thánh Thần, Đấng ngự trong lòng chúng ta. Vậy chúng ta hãy tôn vinh Thiên Chúa trong thân xác chúng ta.” Anh em hãy ở lại trong Chúa. Anh em hãy ở lại trong Nhiệm Thể Chúa Kitô, là Giáo Hội. Anh em hãy ở lại trong Thần Khí của Đức Kitô và hãy kết hiệp với Nhiệm Thể Chúa Kitô là Đầu chúng ta, và với Chúa Thánh Thần, Đấng được đổ vào lòng chúng ta, để chúng ta có thể làm chứng cho thế giới về bằng một đời sống công chính, ngay thẳng và thánh thiện. Một cách đặc biệt, chúng ta làm chứng cho thế giới qua thân xác của chúng ta. Bởi vì thân xác của chúng ta là một phần của Nhiệm Thể Chúa Kitô. 

Như thế, sứ mạng làm chứng này chỉ có thể mang lại kết quả tốt đẹp khi chúng ta biết ở lại và kết hiệp với Chúa Giêsu.

2- Được gọi để làm chứng cho Chúa

Bài Tin Mừng trình thuật về sự kiện khi Gioan Tẩy Giả đang đứng với hai người môn đệ trong nhóm môn đệ của ông, họ thấy Đức Giêsu đi ngang qua. Gioan Tẩy Giả lên tiếng nói: “Đây là Chiên Thiên Chúa” (Ga 1,36). Đây là người đến từ Thiên Chúa và Người là Con Chiên giống như con chiên trong Cựu Ước, con chiên đó sẽ hiến mình để tội lỗi thế gian tẩy xóa. Giống như Êli trong bài đọc I, Gioan Tẩy Giả hướng dẫn và giới thiệu các môn đệ của mình đến với Chúa Giêsu. Ông đã giúp họ phân định để biết đường mà tiến tới. Ông không chiếm giữ họ. Ông không nói với họ rằng: Hãy ở lại với tôi, hãy ở bên tôi. Không! Ông không làm như thế. Ông chỉ tay về phía Chúa Giêsu và nói với họ: Đây là Con Chiên đích thật. Đây là Đấng Mêsia mà chúng ta mong đợi. Hãy đến gặp Người. Và họ đã đến gặp Chúa Giêsu. 

Khi thấy họ đến với mình, Chúa Giêsu muốn họ bước theo Người mà không bị một sự áp đặt nào cả. Nên Người đơn giản hỏi họ: “Các anh tìm gì thế?” Họ trả lời: “Thầy ở đâu?” Người trả lời: “Hãy đến mà xem.” Tin Mừng không nói cho chúng ta biết Chúa Giêsu đang ở đâu cả. Có phải Người ở trong nhà? Có phải Người ở trong một cái lều, hay Người ở ngoài trời? Chúng ta không biết Người ở đâu cả. Đây là dụng ý của tác giả Tin Mừng. Nơi Người ở không phải là vấn đề nhà cửa, nơi chốn. Nhưng Người luôn ở trong sứ vụ của mình. Người là Con Thiên Chúa được Chúa Cha sai đến và Người mời gọi các môn đệ Gioan đến mà xem. Họ đã đến và ở lại với Người suốt ngày hôm đó. Khi ở với Người, họ biết Người, nhìn thấy sứ vụ của Người và được mời gọi cộng tác với Người. 

Giờ đây, đến lượt họ, ông Anrê đi gặp người anh mình là ông Simon và nói: “Chúng tôi đã gặp Đấng Mêsia.” Chúng tôi đã đến ở với Người và có kinh nghiệm về sứ vụ của Đấng Cứu Thế. Rồi sau đó, ông Anrê đưa người anh của mình tới Chúa Giêsu và chứng kiến việc Chúa Giêsu đặt cho Simon một tên gọi mới, đó là “Phêrô, nghĩa là đá, trên đá này, Thầy sẽ xây dựng Hội Thánh của Thầy.” Như thế, những ai đã ở với Chúa Giêsu rồi đều được mời gọi chia sẻ chính sứ vụ của Chúa Giêsu. Anrê và Phêrô, cả hai đều trở thành những chứng nhân cho Chúa Giêsu. Nhưng trước hết họ phải ở lại với Chúa và biết Người. 

3- Đến lượt chúng ta

Chúng ta biết rằng Tin Mừng là nguồn mạch gợi hứng lớn lao đối với tất cả mọi người. Đặc biệt, đối với những ai được Chúa kêu gọi hiến mình cho Chúa và tha nhân để sống đời độc thân dâng hiến. Vì thế, chúng ta cần phải khám phá ơn gọi của mỗi người chúng ta:

Tiên vàn, chúng ta được mời gọi hãy ở lại với Chúa. Nếu không có những giây phút kết hợp thân tình với Chúa, chúng ta có thể chia sẻ với người khác điều gì về Chúa? Chúng ta không thể cho điều mình không có. Vì thế, chúng ta cần ở lại với Người, sống kết hợp thân tình với Chúa. 

Thứ đến, ở lại với Chúa không có nghĩa là chúng ta khép kín chính mình chỉ trong tương quan với Chúa, làm chúng ta lãng quên thế giới và tha nhân. Không! Chúng ta kết hợp với Chúa Giêsu, chúng ta ở lại với Người để chúng ta có thể đi ra gặp gỡ người khác và làm chứng cho Chúa. 

Thứ ba, khi làm chứng cho Chúa, chúng ta không có kéo người khác về với mình, chúng ta không thành lập những nhóm cận vệ để phục vụ mình, cũng không chiêu mộ những fans hâm mộ để ca tụng mình. Chúng ta thiết lập Nhiệm Thể Chúa Kitô và cũng giống như Êli, Gioan Tẩy Giả và thánh Phaolô, chúng ta không nói dân chúng hãy ở lại trong tôi, hãy đến với tôi. Không! Nhưng chúng ta mời gọi họ hãy đến với Chúa Giêsu và hãy để cho họ tự do đến với Chúa giống như Anrê và tất cả những Tông Đồ vĩ đại khác đã làm. 

Trong Chúa Nhật này, chúng ta hãy nhớ đến rất nhiều người đã phục vụ như là người hướng dẫn, giống với Gioan Tẩy Giả, đã dẫn dắt chúng ta đến với Chúa Giêsu và ở lại với Người, đó là cha mẹ chúng ta, thầy cô giáo, hay những ai đã gợi hứng cho chúng ta trong việc theo đuổi ơn gọi và thi hành sứ vụ mình. Đồng thời, chúng ta cũng phải trở thành những chứng nhân cho Chúa Giêsu. 

Đồng thời, chúng ta hãy cầu nguyện xin Chúa ban cho Giáo Hội có nhiều ơn gọi thiên triệu. Bởi “lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít.” Vì càng ngày, càng thiếu những người trẻ dám theo đuổi ơn gọi tu trì. Mỗi người chúng ta có bổn phận cổ võ ơn thiên triệu và đóng góp phần mình cho công cuộc đào tạo linh mục và tu sỹ của Giáo Hội. Amen!

Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương

 

No comments:

Post a Comment