Tuesday 26 January 2021

Tứ hải giai huynh đệ

Thứ Ba Chúa Nhật III
Mc 3,31-35
Con người là tổng hoà các mối quan hệ xã hội. Vì tự bản chất, con người sống cần có những tương quan và tương tác nhau. Có những tương quan tuỳ phụ, có cũng được, không có cũng không sao, nhưng có những tương quan nền tảng và cần thiết, đến mức nếu không có nó, chúng ta không tồn tại, đó là những tương quan thuộc bản chất. Chẳng hạn như tương quan cha mẹ với con cái, nếu không có cha mẹ, chúng ta không thể hiện hữu.
Chính vì thế, người Việt Nam chúng ta đưa tương quan gia đình vào trong tương quan xã hội, chúng ta gọi những người trên đường mình gặp là: anh, chị, em, bác, chú, cháu v.v. Nên khi gặp ai đó, ta phải định vị mình và người đối diện mình là ai để xưng hô cho phù hợp. Đáng ông chào ông, đáng bà chào bà, đáng bác chào bác… mình nhỏ hơn, thì tự xưng mình là em, là con, là cháu…
Chỉ vì mối tương quan chằng chịt này mà làm cho nhiều người nước ngoài rất lúng túng và khó hiểu khi tiếp xúc với các xưng hô của người Việt.
Đối với người Tây Phương, họ thường gọi nhau bằng ba đại từ số ít học hay số nhiều như: I, you, she or he… cách đơn giản.
Văn hoá Việt Nam nhìn mọi người như một đại gia đình nên gọi nhau như thế. Đây là nét đẹp của văn hoá Việt. Tuy nhiên, nó chưa đủ và nhiều lúc nó thiếu nền tảng để quy chiếu.
Để định vị mình như thế nào, cần có những điểm quy chiếu căn bản. Chẳng hạn nhờ khoa học, ngày nay Mỹ, Nga và cả Trung Quốc đã đặt những máy định vị trong không khung để quan sát và định vị hoạt động của con người trên mặt đất. Để biết rõ ai đó, người ta cần tối thiểu ba điểm quy chiếu để định vị họ: lúc nào? ở đâu? Và đang làm gì? Nhờ những điểu quy chiếu này, người ta định vị được ai đó. Tìm đường để đi cùng nhờ máy định vị này.
Kitô giáo cung cấp cho chúng ta nền tảng vững chắc và rõ ràng để quy chiếu trong Kinh Lạy Cha được Chúa Giêsu dạy chúng ta cầu nguyện và sống, trong đó, chúng ta có Thiên Chúa là Cha chúng ta, có Chúa Thánh Thần là Mẹ, có Đức Giêsu Kitô là Anh Cả và mỗi người là anh chị em với nhau. Mọi người đều là anh chị em của nhau, cả các thánh lớn như thánh Giuse hay thánh nhỏ như thánh Maria Goretti. Tất cả đều là anh chị em.
Bài Tin Mừng theo thánh Máccô cung cấp cho chúng ta một điểm quy chiếu quan trọng để định vị bản thân, đó là: Chúa Giêsu là Trung Gian giữa Thiên Chúa và loài người, Người nối kết chúng ta với Thiên Chúa, nhờ Người chúng ta được trở thành dưỡng tử và có thể gọi Thiên Chúa là Cha nhờ mầu nhiệm nhập thể, chết và phục sinh của Người. Đức Giêsu đã thiết lập Giáo Hội như một đại gia đình rộng lớn, trong đó không còn phân biệt chủng tộc, màu da, sắc tộc, văn hoá và vùng miền nữa, nhưng tứ hải giai huynh đệ, bốn bể đều là anh chị em trong Đức Kitô. Nhờ Người, mỗi người là chi thể trong Nhiệm Thể Chúa Kitô, mỗi người liên kết với nhau cách mật thiết và bản thể.
Có một điểm quy chiếu thứ hai mà Chúa Giêsu mạc khải, đó là: “Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi” (Mc 3,34-35). Như thế, ở đây, việc trở thành anh chị em của Chúa Giêsu không hệ tại ở địa lý, chủng tộc, trình độ văn hoá, nghề nghiệp, quen biết, nhưng hệ tái việc thi hành thánh ý của Thiên Chúa. Sống theo thánh ý Thiên Chúa làm cho chúng ta nên anh chị em với Chúa và với nhau.
Như thế, Chúa Giêsu là người khai mở cho chúng ta một đại gia đình rộng lớn và phổ quát. Nhờ mối tương quan này chúng ta mới được cứu độ. Tuy nhiên, mỗi người có thể tự do sống hay không sống mối tương quan là con cái với Thiên Chúa và anh chị em với nhau. Nhưng một điều chắc chắn là nếu chúng ta không sống mối tương quan căn bản này, thì chúng ta sẽ không được cứu độ và không thể được hưởng sự sống vĩnh cửu.
Chớ gì mỗi người chúng ta biết trân quý những mối tương quan nền tảng này với Chúa và với nhau để sống cuộc sống này cho có chất hơn và hạnh phúc hơn. Amen!
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương

No comments:

Post a Comment