Friday, 16 February 2024

Sống tiết độ

SỐNG TIẾT ĐỘ

Thứ Tư Lễ Tro

Hôm nay, chúng ta bước vào Mùa Chay với việc cử hành nghi thức xức tro và ăn chay. Trong khi đang vui Xuân mới, bỗng nhiên Mùa Chay về mời gọi chúng ta phải sống chừng mực và chay tịnh. Theo Thánh Phaolô, đây là thời gian thuận tiện, thời gian cứu độ để tập luyện nhân đức bằng cách chiến đấu chống lại các cám dỗ và tính hư tật xấu. 

Trong bối cảnh ấy, tôi muốn chia sẻ với anh chị em về nhân đức tiết độ. Đó là một trong bốn nhân đức luân lý, nhân đức trụ (đức khôn ngoan, đức công bình, đức can đảm và đức tiết độ). Vì nhân đức này ở cuối nên ta thường quên, hay ít để ý đến.

Vậy thì đức tiết độ có nghĩa là gì? Đức tiết độ là nhân đức luân lý chế ngự sự hấp dẫn của các vui thú và mang lại sự quân bình cho ta trong việc sử dụng của cải trần gian (GLCG số 1809). Sống tiết độ giúp ta làm chủ đức ý chí, làm chủ được bản năng và cầm hãm các dục vọng cũng như đam mê của mình.

Ví dụ, chiếc xe ôtô có bốn bánh, nếu các bánh xe bị lệch, sẽ rất khó lái và có nguy cơ tai nạn. Đó là hiện tượng lệch tâm, cần phải điều chỉnh các bánh cho ngay thẳng, xe mới chạy tốt và an toàn.

Cũng thế, trong chúng ta, có những khuynh hướng, nhu cầu, đam mê, bản năng… tự bản chất, chúng không tốt cũng không xấu. Nhưng nếu không có sự chừng mực, chúng đi quá, hay phình to ra, như thế sẽ trở nên xấu, vì: “Mọi cái quá đều không tốt.” Cần phải chừng mực, cần phải tiết chế để có sự vừa phải và quân bình trong cuộc sống. Đó là đức tiết độ.

Chúng ta phải sống tiết độ nhiều lĩnh vực khác nhau. Trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu nói đến việc phải sống tiết chế như thế nào ngay cả trong những việc lành mà chúng ta làm trong Mùa Chay, đó là việc bố thí, cầu nguyện và ăn chay. Chúa Giêsu dạy chúng ta làm ba việc đạo đức này không phải để phô trương cho mọi người thấy, để tìm kiếm sự vỗ tay hay phần thưởng của người đời, nhưng ta làm tất cả những việc ấy cách kín đáo và âm thầm vì vinh danh Chúa và mưu ích phần rỗi cho anh chị em. Như các nhà khôn ngoan dạy: “Điều thiện không tạo tiếng ồn.” Làm việc đạo đức, bác ái không phải để phô trương, khoe khoang, tỏ ra hơn người, nhưng làm vì lòng yêu mến. Thánh Giuse Benedetto Cottolengo còn đi xa hơn khi nhắn nhủ: “Anh chị em đừng bao giờ đếm những đồng tiền mà anh chị em cho đi, vì tôi luôn nói thế này: nếu làm phúc, tay trái không biết việc tay phải làm, thì cả tay phải cũng không được biết điều mà chính nó làm.” Như vậy, theo Chúa Giêsu, chúng ta cần điều chỉnh cho chuẩn, cho ngay thái độ và mục đích của chúng ta khi bố thí, cầu nguyện và ăn chay. Như thế, chúng ta sẽ đạt tới sự tiết độ khi làm những việc lành phúc đức này.

Thứ đến, chúng ta còn phải tiết độ miệng lưỡi và lời ăn tiếng nói của mình. Chay tịnh đích thực là biết giữ mồn, giữ miệng, biết khi nào nói, khi nào cần phải im lặng. Chúng ta thường có khuynh hướng nói nhiều, nói mà không làm. Nhiều đổ vỡ trong đời sống vợ chồng, gia đình, và bạn bè là do những miệng lưỡi không biết kiềm chế. Nhiều người suốt ngồi lê đôi mách, nói những chuyện xấu gây chia rẽ, bất hoà, hận thù, khích bác lẫn nhau qua điện thoại, tin nhắn, facebook, mạng internet… Cần phải tiết chế và điều chỉnh miệng lưỡi chúng ta. Cần học im lặng để cuộc sống bình an và hoà thuận hơn. Chúng ta cần phải tiết độ trong việc sử dụng mạng xã hội. 

Rồi chúng ta còn phải tiết chế cả trong đời sống tính dục trong hôn nhân gia đình. Các linh mục và tu sĩ đi tu là để nên thánh nhờ sống độc thân khiết tịnh. Các đôi vợ chồng cũng phải sống tiết độ hay tiết dục trong đời sống hôn nhân. Đời sống tính dục trong vợ chồng là được phép và tốt đẹp, nhưng thái quá sẽ không tốt, sẽ sinh ra bệnh tật và ích kỷ. Cần có sự tiết độ, chừng mực về tính dục để có sự khỏe mạnh và lành mạnh trong đời sống vợ chồng.

Chúng ta còn phải tiết chế cả trong việc ăn uống, giải trí và vui chơi. Ăn uống là cần thiết để sống khỏe mạnh. Nhưng ăn uống quá nhiều, sẽ sinh bệnh tật. Con người ngày nay có nhiều bệnh tật không phải vì thiếu ăn, nhưng vì ăn uống quá nhiều. Cái miệng làm khổ cái thân. Ăn nhiều sinh ra đủ thứ chứng bệnh như cao mỡ, cao đường, cao huyết áp… Bia rượu nhiều làm nát hết gan thận. Nên cần phải tiết chết trong ăn uống để sống lành mạnh và khoẻ mạnh. Vui chơi giải trí cũng phải chừng mực và vừa phải. Nhờ đó, chúng ta bớt sống ích kỷ, biết nghĩ đến người khác và có điều kiện để giúp đỡ người nghèo. 

Tiếp đến, chúng ta còn phải sống tiết độ trong việc làm ăn. Có nhiều người quanh năm suốt tháng dúi mặt kiếm tiền mà không có giờ cho vợ con, gia đình và người thân, nhất là không có giờ dành cho Chúa, không có giờ để đi nhà thờ xem lễ và cầu nguyện. Cần sống quân bình lại, chăm lo làm ăn thì tốt, nhưng cũng phải vừa phải, cần để dành của cải cho người khác với. 

Chúng ta còn phải sống tiết chế trong việc sử dụng vật chất, môi trường. Đức Giáo hoàng Phanxicô nói rằng: “Môi trường thiên nhiên đang bị bóc lột vì con người.” Bởi vì, do lòng tham mà nhiều người đã khai thác quá mức thiên nhiên. Đó là sự bóc lột tài nguyên môi trường, làm ô nhiễm nguồn nước, không khí, rừng và trái đất… Tội chống lại thiên nhiên là tội chống lại con người và Thiên Chúa. Cần phải có sự hoán cải sinh thái. Cần phải xưng tội phá môi trường. Cần tiết chế trong việc sử dụng tài nguyên và môi trường.

Như vậy, Mùa Chay mời gọi chúng ta phải sống tiết chế rất nhiều phương diện trong đời sống. Nhờ sống tiết chế, chúng ta không bị lệch tâm, lệch chuẩn, nhưng trưởng thành hơn, biết làm chủ hơn là nô lệ những đam mê, tính hư, tật xấu trong con người; chúng ta sống quảng đại hơn với tha nhân và môi trường; đặc biệt chúng ta biết gắn bó và yêu mến Chúa nhiều hơn. 

Nhờ lời bầu cử của Đức Maria và ơn Chúa Thánh Thần, xin cho mỗi người chúng ta có những quyết tâm cụ thể để tập sống tiết độ hơn trong đời sống của mình. Amen!

No comments:

Post a Comment