Friday, 27 September 2024

Thánh Vinh Sơn Phaolô, vị tông đồ của người nghèo

LỄ THÁNH VINH SƠN PHAOLÔ

27/9

Khi đưa một vị thánh nào đó vào trong phụng vụ để cử hành, Hội thánh có ba mục đích: 1) Tôn vinh Thiên Chúa Ba Ngôi nơi thánh nhân; 2) Nêu gương cho chúng ta noi theo; và 3) xin vị thánh ấy cầu thay nguyện giúp cho chúng ta trước toà Chúa. 

Hôm nay, mừng lễ thánh Vinh Sơn Phaolô, quan thầy lớp B, chúng ta cũng được mời gọi thực hành ba mục đích ấy trong thánh lễ này.

Trước hết là để tôn vinh Thiên Chúa

Thật vậy, Vinh Sơn sinh ra ở làng Pouy nước Pháp, trong một gia đình nông dân nghèo, bị bắt cóc và bán làm nô lệ ở Tunis, Bắc Phi. Cuộc đời ngài trải qua nhiều truân chuyên, khi lớn lên, Vinh Sơn có những tham vọng thoát nghèo, làm giàu và tìm kiếm địa vị trong xã hội, nhưng dần dần, ơn Chúa biến đổi, ngài được ơn làm linh mục, trở về Paris coi sóc một giáo xứ. Cha Vinh Sơn luôn hăng say rao giảng lòng thương xót Chúa và sống chứng tá tình yêu trong mọi hoàn cảnh. Đặc biệt, ngài được ơn nhìn thấy Chúa Kitô trong những người nghèo, nên Cha Vinh Sơn ưu tiên phục vụ những người nghèo khó, người đau khổ và người lao động vất vả. Ngài cũng đặc biệt quan tâm đến việc đào tạo các giáo sĩ và việc giáo dục các thiếu nữ. Nên ngài đã thiết lập Tu hội Nữ tử Bác ái và Tu hội Linh mục Thừa sai, hay còn gọi là Tu hội Lazarist. Cụ thể, ngài còn lập các bệnh viện và trại trẻ mồ côi, đồng thời tiếp nhận các tù nhân và nô lệ chiến tranh.    

Thánh Vinh Sơn qua đời ngày 27 tháng 9 năm 1660 tại Paris, thọ 80 tuổi. Ngày 16 tháng 6 năm 1737 ngài được Đức Giáo hoàng Clêmentê XII phong lên hàng hiển thánh. 

Nhìn lại cuộc đời thánh nhân, chúng ta tạ ơn và tôn vinh Thiên Chúa, vì Người đã thực hiện những điều kỳ diệu qua cuộc đời thánh nhân. Thánh Vinh Sơn thực sự là một phép lạ của ân sủng.

Thứ đến, chúng ta noi gương thánh nhân

Có rất nhiều nhân đức sáng ngời của ngài đáng chúng ta noi theo, nhưng điểm nhấn nổi bật là lòng thương người, hay đúng hơn là đức ái mục tử: Phát xuất từ lòng yêu mến Chúa nồng nàn, ngài được ơn nhìn thấy người nghèo là hiện thân Chúa Kitô, ngài chia sẻ: “Đức Kitô đã chọn sinh ra trong cảnh nghèo khó và kêu gọi các môn đệ của Người từ hàng ngũ những người nghèo, vì vậy, chia sẻ với người nghèo là được Chúa coi như là làm cho chính Chúa.” Từ đó, ngài hiến mình ưu tiên phục vụ người nghèo, với khẩu hiệu để sống: “Let all things be done with charity” (Hãy làm mọi sự với đức ái). Đường hướng này phát xuất từ Tin Mừng và mang tính táo bạo của ngài. Trong bài đọc Kinh Sách, ngài hướng dẫn các nữ tu: “Phải ưu tiên phục vụ người nghèo, không được trì hoãn… Vậy cả khi chị em bỏ đọc kinh nguyện để giúp đỡ người nghèo thì hãy nhớ rằng, đó là chị em phục vụ Thiên Chúa. Ngài giải thích: “Đức ái cao trọng hơn bất cứ hề luật nào.” Điều này chất vấn quan niệm đạo đức của chúng ta: cần tránh thái độ duy tu đức trong mục vụ và ngược lại cũng tránh khuynh hướng duy hoạt động. Cả hai đều thái quá và bất cập.

Đức ái mục tử khiến ngài chấp nhận những hy sinh và sỉ nhục vì người nghèo: Có lần, ngài đi gõ cửa gia đình trong thành phố giúp đỡ cho người nghèo. Ngài đến gõ cửa nhà một gã nhà giàu, ông này cảm thấy bị phiền toái, nên ra mở cửa, vừa chửi và nhổ nước bọt vào mặt ngài. Nhưng ngài vuốt nước miếng điềm đạm nói: “Đây là phần quà của ông cho tôi. Còn phần của người nghèo ở đâu?” Thấy thế, ông nhà giàu cũng phải giúp đỡ. Đức Cha Đaminh Hoàng Minh Tiến, trong bài chia sẻ về sứ vụ truyền giáo tại ĐCV. Xuân Lộc gần đây, nói rằng đôi khi vì sứ vụ, giám mục, linh mục phải trở thành người ăn mày cho Chúa. Cám dỗ lớn nhất xưa nay vẫn thường thấy là nhiều người nhân danh người nghèo để trục lợi cho mình, kiểu “hợp tác nuôi cá, cá nuôi xã mình.” Thánh Vinh Sơn là mẫu gương phục vụ người nghèo vì chính họ và vì Chúa Kitô.

 đức ái mục tử có tầm quan trọng rất lớn và là tâm điểm của mọi chương trình huấn luyện mục vụ. Pastore Dabo vobis quả quyết: Toàn bộ công cuộc đào tạo chủng sinh phải nhắm đến mục tiêu là giúp họ trở thành những mục tử đích thực của các linh hồn, theo mẫu gương của Đức Kitô” (PDV, số 57). Về điểm này, thánh Vinh Sơn Phaolô là mẫu gương tuyệt hảo cho chúng ta noi theo.

Cuối cùng, chúng ta xin thánh Quan Thầy bầu cử cho mỗi người chúng ta được ơn Chúa biến đổi, trở thành những mục tử như lòng Chúa mong ước, theo mẫu gương thánh nhân để lại. Amen!

 

No comments:

Post a Comment