LỄ THÁNH GIOAN XXIII – 11/10/2020
Có rất nhiều điều để nói về Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII, nhưng chúng ta chỉ dừng lại chiêm ngắm chân dung của thánh nhân qua ba nét đặc trưng làm nên sự vĩ đại của ngài, đó là: Gioan XXIII là một con người rất nhân bản, rất nhạy bén với Thánh Thần và có tâm hồn mục tử tuyệt vời.
Trước hết, thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII là một con người rất nhân bản. Sinh ra ngày 25/11/1881 trong một gia đình nông dân nghèo ở Bargamo, miền bắc nước Ý, là con thứ tư trong có 14 người con. Từ nhỏ, lớn lên đi tu, làm linh mục, rồi làm Tổng Giám mục và cả khi làm Giáo Hoàng, ngài luôn thể hiện một cung cách sống rất nhân bản: đó là cung cách sống khiêm tốn, đơn sơ, giản dị, chăm chỉ chu toàn bổn phận hằng ngày, sống hiền hòa và rất hài hước. Chỉ cần đọc cuốn nhật ký của Ngài là chúng ta thấy rõ những điều này. Cả lúc đối diện với khó khăn trong cương vị Giáo Hoàng, Ngài vẫn có thể hài hước: “Lạy Chúa, Giáo Hội là của Chúa, con chỉ là tôi tớ. Con đi ngủ đây.” Tính nhân bản này là nền tảng cho toàn bộ đời sống và sứ vụ linh mục, giám mục và giáo hoàng của Ngài. Nơi Gioan XXIII, chúng ta tìm thấy bằng chứng cho sự thật này: Càng trở nên nhân bản, càng rất người thì càng thánh thiện, càng là mục tử. Hay nói như Đức Giáo Hoàng Phanxicô, sự hiền hòa, đơn sơ, hài hước là dấu chỉ của sự thánh thiện. Như thế, nhân bản và tu đức gặp gỡ nhau, cái này xác thực cho cái kia.
Nên chúng ta được mời gọi để học nơi ngài về những đức tính nhân bản này để sống và thi hành sứ vụ linh mục. Đó là lý do tại sao trong các tài liệu đào tạo linh mục, chiều kích nhân bản đóng vai trò nền tảng cho toàn bộ tòa nhà đào tạo linh mục. Nếu thiếu nó là mất đi nền tảng.
Thứ đến, Thánh Giáo Hoàng XXIII là một con người rất nhạy bén với sự mới mẻ của Chúa Thánh Thần. Trước khi làm Giáo Hoàng, Ngài đã có thời gian làm đại diện Tòa Thánh tại Bulgaria, Hy Lạp, và Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt trong thời gian làm sứ thần Tòa Thánh ở Paris, ngài đã tiếp xúc với nhiều luồng tư tưởng mới mẻ về thần học, đây là thời gian được gọi là “Mùa xuân thần học.” Ngài đã đọc và tiếp xúc với những nhà thần học lớn của Pháp như Yves Congar, Henry de Lubac... Trong một bầu khí ngột ngạt, khép kín và bảo thủ của Vatican sau chiến tranh thế giới II, Ngài được chọn làm Giáo Hoàng. Nhiều người rất ngạc nhiên và thắc mắc: Sao các Hồng Y lại bầu một ông già 77 tuổi, lụ khụ, lom khom lên kế vị thánh Phêrô. Nên người ta đoán già đoán non rằng đây chỉ là một triều đại giáo hoàng chuyển tiếp. Nhưng quả là việc Chúa làm rất kỳ diệu, Ngài chính là nhân tố làm thay đổi lịch sử Giáo Hội. Ngài triệu tập Công Đồng Vaticanô II và đã làm một cử chỉ như biểu tượng canh tân, Ngài nói: “Hãy mở cửa Giáo Hội cho Chúa Thánh Thần vào.” Kết quả Công Đồng Vaticanô II là Lễ Hiện Xuống mới cho Giáo Hội.
Trong lễ phong thánh ngày 17/4/2014, Đức Phanxicô nói rằng: “Đức Gioan XXIII đã cho thấy một sự cởi mở tinh tế với Chúa Thánh Thần. Ngài đã cộng tác với Chúa Thánh Thần trong việc đổi mới và cập nhật Giáo Hội phù hợp với đặc tính nguyên thuỷ của Giáo Hội. Ngài đã để cho Chúa Thánh Thần dẫn dắt bản thân của Ngài - trong tư cách là mục tử, đầy tớ và thủ lãnh.” Đây là cách phục vụ Giáo Hội thật tuyệt vời; Ngài là vị giáo hoàng có tầm nhìn, cởi mở tâm hồn cho Chúa Thánh Thần và can đảm để canh tân. Đây cũng là điểm son mà chúng ta được mời gọi học hỏi nơi thánh nhân.
Cuối cùng, Thánh Gioan XXIII được mệnh danh là “vị Giáo Hoàng nhân hậu và hòa bình.” Chỉ cần nêu một vài nét chấm phá. Ngài chịu ảnh hưởng từ mẹ về lòng thương người như có lần ngài tâm sự: “Nhà nghèo lắm, nhưng mỗi khi có người hành khất đến trước cửa bếp, dù trong bếp đã có đến 20 đứa trẻ háu ăn đang chờ đĩa xúp, bao giờ mẹ tôi cũng tìm được chỗ cho ông hành khất và mau mắn mời người lại đến ngồi gần.”
Khi Roncalli làm linh mục, sau đó làm tổng giám mục ở Venezia, lòng nhân hậu là linh hồn của sứ vụ mục tử. Ngài ngỏ lời với dân chúng: “Bất luận tôi đi đâu, nếu ban đêm có người nào lỡ đường trước cửa nhà tôi, sẽ thấy cửa sổ tôi luôn có ngọn đèn sáng. Xin đừng ngại, hãy gõ cửa đi. Tôi sẽ không hỏi anh em là Công Giáo hay không? Chỉ xin người anh em cứ vào, sẽ có đôi tay thân ái đón tiếp và tấm lòng bạn hữu ngồn hậu chào mời.”
Khi làm Giáo Hoàng, Ngài đưa Giáo Hội trở lại với trung tâm điểm của mình là tình yêu, là thương xót như là câu trả lời cho Chúa Giêsu khi Người chất vấn Phêrô: “Simon, con có yêu mến Thầy không?” (Ga 21,17). Ngài chọn lòng nhân hậu làm định hướng mục vụ cho Giáo Hội. Ngài nói: “Giáo Hội luôn chống lại những sai lầm qua các thời đại. Giáo Hội thường lên án chúng với thái độ rất nghiêm khắc. Tuy nhiên bây giờ, Hiền Thê của Chúa Kitô ưu thích sử dụng liều thuốc của lòng thương xót hơn là sự nghiêm khắc.” Đây chính là sự đột phá và là sự độc đáo của Ngài. Nhờ đó, Giáo Hội được canh tân phù hợp với thời đại. Ngài còn là người mở đường cho phong trào đại kết và hợp nhất các Kitô hữu.
Như thế, anh em muốn làm linh mục, hãy học nơi Ngài về đức ái mục tử này, nó là linh hồn của đời sống và sứ vụ linh mục.
Để kết thúc, xin trích đoạn từ báo La Croix đã đánh giá về Đức Giáo hoàng Gioan XXIII khi Ngài qua đời ngày 3/6/1963: “Nhiệm kỳ Giáo hoàng ngắn ngủi năm năm này đã được bù lại bằng sự cô đọng sâu sắc. Trong thời kỳ đó, Giáo Hội được hình dung bằng một hình ảnh mới, ít là với người ngoài Giáo Hội. Giáo Hội không còn là một pháo đài kiên cố, sừng sững trên nền đá, hãnh diện về thành lũy bất khả xâm phạm, chằng chịt những lệnh cấm và hàng rào phòng thủ, chỉ thích che chở cho những ai yên thân sống ở trong đó... Ngày nay Giáo Hội xuất hiện như một con tàu, mà quê hương chân thật là sự thân thương với gió khơi, sóng nước và sao trời, để nối liền tình huynh đệ giữa những bến gần bờ xa... Nhờ Đức Gioan XXIII, người đời biết được rằng, sự thật mà ở bên ngoài lòng yêu mến thì không phải từ Thiên Chúa.” Amen!
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương
No comments:
Post a Comment