THỨ NĂM CHÚA NHẬT XXVII THƯỜNG NIÊN (Lc 11,5-13).
“Các con hãy xin thì sẽ được, hãy tìm thì sẽ gặp, hãy gõ thì sẽ mở cho” (Lc 11,10). Chúa Giêsu dạy các môn đệ cầu nguyện và đảm bảo với các ông rằng họ sẽ được Chúa Cha ban ơn qua câu nói trên. Trước đó, Chúa còn đưa ra những lập luận và dẫn chứng để minh chứng điều đó trước đó: “Nếu có ái trong các con có người bạn, giữa đêm khuya đế nói với người ấy rằng: “Anh ơi, xin cho tôi vay ba chiếc bánh, vì tôi có người bạn đi đường ghé nhà thôi, mà tôi không có gì thết đãi anh ấy.” Nếu người ấy không chỗi dậy vì tình bạn, ít ra là vì sự quấy rầy của người cho mà cho anh ta tất cả những gì anh ta cần.
Ở vế sau, Chúa Giêsu lại so sánh Thiên Chúa với người cha nhân loại, người cha đó dù không tốt lành như Thiên Chúa, nhưng khi con cái xin bánh lại cho nó hòn đá ư? Hay nó xin cá lại cho nó con rắn ư? Hoặc nó xin quả trứng, lại cho nó con bọ cạp sao? Con người dù không tốt lành như Thiên Chúa mà còn biết cho con cái mình điều tốt, thế thì, Thiên Chúa chắc chắn là hơn thế, vì Người là Đấng quyền năng vừa giàu lòng thương xót. Người chắc chắn sẽ ban ơn cho chúng ta khi chúng ta xin.
Tuy nhiên, trong thực tế, nhiều lúc chúng ta cầu nguyện, chạy chỗ này, chỗ nọ để xin ơn, nhưng nhiều lần chúng ta không được như chúng ta xin và mong muốn. Nếu chúng ta không có kinh nghiệm nữa, thì ít ra chúng ta cũng thấy có nhiều người thân xin mà không được, tìm mà không gặp, gõ cửa mà không ai mở cho. Như thế, Chúa Giêsu lừa dối chúng ta hay sao? Xin thưa, chắc chắn là không. Bởi vì, câu kết của bài Tin Mừng là chìa khóa giải quyết cho mọi thắc mắc: “Cha các con trên trời sẽ ban Thánh Thần cho những kẻ xin Người” (Lc 11,13). Đây chính là điểm nhấn quan trọng của Tin Mừng Luca. Chúa Cha ban Thánh Thần cho những ai kêu cầu Người. Chúa Thánh Thần là Quà Tặng hay là Ân Huệ lớn nhất mà Thiên Chúa ban cho chúng ta như Người đã ban Con Một là Chúa Con. Chúa Thánh Thần là nguồn mọi ơn lành đến từ Chúa Cha. Ban Thánh Thần là ban tất cả. Ban Thánh Thần là ban chính mình Người. Ban Thánh Thần là ban chính Thiên Chúa. Nên ai có Thánh Thần là có mọi sự. Về điểm này, Thánh Ambrôsiô nói đến hai loại ân huệ, ân huệ bất tạo (Donum increato) là Chúa Thánh Thần và ân huệ thụ tạo là các ân sủng (donum creato). Thế thì, chính Thánh Thần mà Cha cũng ban cho ta, lẽ nào những thứ khác Người không ban sao?
Vậy, điều Chúa Giêsu nói “ai xin sẽ được, ai tìm sẽ gặp, ai gõ cửa sẽ mở cho” là chân lý tuyệt đối vì nó đúng tuyệt đối. Chúa Cha sẵn sàng ban cho chúng ta những ơn lành cần thiết khi chúng ta kêu xin Người. Tuy nhiên, cũng cần nói thêm rằng, nhiều lúc chúng ta xin, nhưng không được, bởi vì, chúng ta xin điều không phù hợp, không đẹp lòng Chúa, như trong Tin Mừng có lần Chúa Giêsu nhắc nhở: “Anh em không biết anh em xin gì” (Mc 10,38). Thánh Giacôbê khuyến cáo: “Anh em không có, là vì anh em không xin; anh em xin mà không được, là vì anh em xin với tà ý” (Gc 4,2-3). Một người cha tốt không phải đứa con xin gì cũng đều cho nó. Ông tốt vì biết từ chối không cho con điều mà ông biết là xấu. Cũng vậy, Thiên Chúa tốt lành, nhưng không có nghĩa là những gì chúng ta xin đều được Người ban cho. Có rất nhiều điều chúng ta xin nhưng không phải là điều tốt cho chúng ta nên Chúa không ban. Đàng khác, có những lúc chúng ta xin ơn này, nhưng Chúa ban cho cho chúng ta ơn nọ, vì nó tốt cho chúng ta, nhiều lúc, chúng ta lại không nhận ra, nên cứ nghĩ là Chúa không ban ơn.
Như thế, sau một loạt giáo huấn về cầu nguyện, chúng ta rút ra ý nghĩa này: cầu nguyện là nâng tâm hồn lên với Chúa. Cầu nguyện là đi vào hiệp thông với Chúa. Cầu nguyện là nâng tầm nhìn mình lên để có tầm nhìn của Chúa. Cầu nguyện là khát khao và chiếm được Thánh Thần để là dấn thân, nhập cuộc vào đời sống hằng ngày của ta. Năm Thánh Lòng Thương Xót 2016 được cử hành với logo một người cõng người khác, hai nhân vật này chỉ có 3 con mắt, thay vì 4 con mắt, ý tác giả logo này rất độc đáo: hãy có ánh mắt thương xót, tầm nhìn của Thiên Chúa. Chúng ta cần nhìn mọi sự theo ánh mắt ấy. Theo đó, ta cần phải ra khỏi lề thói hẹp hòi: cầu nguyện chỉ xin ơn thuộc phạm vi vật chất, chỉ ước mong “củ hành củ tỏi”, chỉ lo lắng, loay hoay với chính mình mà không vươn tầm nhìn của mình lên với Thiên Chúa, để khát khao lớn lơn, để đi vào chương trình lớn lao của Người và để cộng tác với Người.
Tôi thường xuyên nhắc các thầy rằng: vào Chủng viện không phải để tìm kiếm chức linh mục, nhưng là tìm kiếm Chúa. Nếu một người có tầm nhìn của Chúa, sẽ có những hệ luận mới và khác. Vào Chủng viện, tôi tìm Chúa, tôi sẽ sống theo tầm nhìn đó, tôi không sợ hoặc vẫn vui vẻ nếu tôi không được chịu chức linh mục, vì điều đó không quan trọng. Nếu chịu chức sớm hay muộn, điều đó cũng không quan trọng, hoặc sau này khi là linh mục, tôi được sai lên miền núi, hay xuống đồng bằng, tới vùng nông thôn hay ra thành thị, điều đó không quan trọng, tôi không phân bì, vì với tôi, Chúa mới quan trọng. Trái lại, nêu tôi không tìm Chúa, mà chỉ tìm chức linh mục, tôi sợ không được chịu chức. Tôi sợ những anh em khác hay gặp Bề Trên mách chuyện của tôi. Tôi sợ Bề Trên loại tôi. Hay khi là linh mục, tôi sợ đi xứ nghèo, xứ khổ, tôi tìm cách chạy chọt… Đó là một hệ lụy khi không tìm kiếm Chúa mà tìm kiếm những giá trị thế gian.
Tóm lại, Chúa Giêsu hôm nay mạc khải cho chúng ta chân lý quan trọng để chúng ta kiên trì cầu nguyện với sự tin tưởng rằng: Chúa Cha sẽ ban cho chúng ta những gì tốt đẹp nhất. Chúng ta tạ ơn Chúa. Amen!
Lm. Nguyễn Văn Hương
No comments:
Post a Comment