Bất cứ ai dù ít dù nhiều đều có sứ vụ hướng dẫn người khác. Đây là sứ vụ cao cả nhưng cũng rất khó khăn. Lãnh đạo người khác là nghệ thuật của mọi nghệ thuật. Vì thế, cần có hội đủ những đức tính tốt, kỷ năng và phương pháp, việc lãnh đạo mới thành công. Sau đây là một nghiên cứu về những đức tính và phong cách lãnh đạo mang lại sự thành công cho bạn.
I.
ĐỊNH NGHĨA TỔNG QUÁT
Người lãnh đạo là người đứng đầu, người hướng dẫn, chỉ huy một đơn vị,
một tổ chức, một đoàn thể.
Nói cách khác, người lãnh đạo là người có khả năng điều hành và hướng
dẫn kẻ khác trong phạm vi và trách nhiệm của mình tới những mục đích và thiện
ích chung.
Để hướng dẫn người khác, người lãnh đạo cần phải hội đủ những đức tính
cần thiết và có nghệ thuật lãnh đạo một cách khôn ngoan để thu phục lòng người,
mang lại sự thành công và kết quả tốt đẹp cho tổ chức hay đoàn thể mà mình trực
tiếp chịu trách nhiệm.
II. NHỮNG PHONG CÁCH LÃNH ĐẠO
1. Lối lãnh đạo độc đoán (authoritarian
leadership): lối lãnh đạo áp đặt ý riêng, một chiều, không tôn trọng người khác,
tránh thảo luận và tương tác.
2. Lối lãnh đạo tự do (laissez faire): “mặc kệ
bay” muốn làm gì làm, trốn trách nhiệm, hời hợt.., tránh thảo luận và tương tác
của các thành viên.
3. Lối lãnh đạo dân chủ (democratic leadership): Mời gọi các thành viên tham dự
để đạt mục đích chung, cởi mở và dễ dàng thảo luận, chú ý tới sự tương tác, tôn
trọng ý kiến và góp ý của người khác (ngày nay, lối lãnh này được áp dụng nhiều
trên thế giới).
4. Lối lãnh đạo
phục vụ (servant leadership): Đây là phong cách lãnh đạo mà Chúa Giêsu đã mở ra
cho chúng ta: nghĩa là lãnh đạo như người phục vụ, vì người khác và lợi ích
chung.
Đây là giáo huấn
của Chúa Giêsu: “Những người được coi là thủ lãnh các dân thì áp đặt trên họ
quyền bá chủ, những người làm lớn thì áp đặt trên họ quyền hành của mình. Nhưng
giữa anh em thì không phải như vậy: ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm
người phục vụ anh em; ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người. Vì
Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến
mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mc, 10,43-45).
Bạn có
thể học phong cách lãnh đạo phục vụ này để áp dụng vào tổ chức của mình.
III.
MƯỜI ĐỨC TÍNH CỦA NGƯỜI LÃNH ĐẠO PHỤC VỤ
Phong cách
Lãnh đạo Phục vụ hội đủ 10 đức tính căn bản, được Robert K. Greenleaf
(1904-1990) chủ xướng và giải thích như sau:
1. Lắng
Nghe (Listening)
Người lãnh
đạo phục vụ cần phải lắng nghe cấp dưới một cách tích cực và hỗ trợ cho cấp
dưới trong việc nhận định và quyết định. Người lãnh đạo phục vụ cần phải chú ý
đến những gì cấp dưới nói ra và những điều cấp dưới chưa nói ra. Điều này có
nghĩa là dựa vào tiếng nói nội tâm của người lãnh đạo để lắng nghe và suy diễn
ra những gì mà cấp dưới đang diễn tả bằng lời nói và cử chỉ với cấp trên - qua
truyền thông ngôn ngữ (verbal communication) và phi ngôn ngữ (nonverbal
communication). Chúa Giêsu luôn luôn lắng nghe.
2. Thấu
cảm (Empathy)
Người lãnh
đạo phục vụ đối xử với cấp dưới như là những cộng sự viên bình đẳng và thân
thiện. Cố gắng tìm hiểu họ bằng trí óc, nhưng quan trọng hơn là thấu cảm bằng
trái tim của mình. Không chỉ xem cấp dưới là nhân viên mà còn xem họ là những
người bạn đồng hành cần được tôn trọng và đánh giá cao cho những sở trường và
tư cách cá nhân của họ. Kết quả là người lãnh đạo phục vụ dùng tình cảm để giúp
cộng sự viên của mình phát triển nhân cách, ưu điểm, và sự sáng tạo. Chúa Giêsu
luôn thấu cảm.
3.
Chữa lành (Healing)
Một sức mạnh
lớn lao của người lãnh đạo phục vụ là khả năng chữa lành chính mình và chữa
lành những người khác. Người lãnh đạo phục vụ cố gắng giúp mọi người giải quyết
các vấn đề và giải tỏa các xung đột trong các mối quan hệ. Điều này dẫn đến sự
hình thành một nền văn hóa hoạt động và sống động, trong đó môi trường làm việc
là năng động, vui vẻ, thoải mái và không sợ thất bại. Chúa Giêsu luôn chữa
lành.
4. Hiểu
biết (Awareness)
Người lãnh
đạo phục vụ cần nâng cao tầm nhận thức chung và nhất là tự ý thức mình. Cần có
khả năng xem xét các tình huống và lựa chọn phong cách lãnh đạo thức thời – vừa
thích nghi với tình huống và vừa phù hợp với lòng người. Kết quả là người lãnh
đạo và các cộng sự của mình có một sự hiểu biết tốt hơn về đạo đức và các giá
trị của công việc đang và sẽ thực hiện. Chúa Giêsu luôn hiểu biết.
5. Thuyết
phục (Persuasion)
Người lãnh
đạo phục vụ không lợi dụng quyền lực và quy luật của mình mà cưỡng ép người
khác phải tuân thủ; thay vào đó, người lãnh đạo cố gắng thuyết phục những người
dưới quyền mình như những người bạn đồng hành. Yếu tố này tạo nên sự khác biệt
lãnh đạo so với phong cách lãnh đạo độc tài và độc đoán. Chúa Giêsu luôn thuyết
phục, chứ không áp đặt.
6. Viễn
kiến (Conceptualization)
Người lãnh
đạo phục vụ nghĩ và nhìn xa hơn các thực tại thường ngày. Điều đó có nghĩa là
người nầy có tầm nhìn xa hơn các giới hạn hoạt động của tổ chức và tập trung
vào các mục tiêu hoạt động dài hạn. Người lãnh đạo này xây dựng một tầm nhìn cá
nhân có ý nghĩa và khả thi cho tổ chức của mình và chia sẻ tầm nhìn của mình
với các cộng sự để đi đến sự đồng thuận và đồng hành trong công việc phục vụ
lợi ích chung. Chúa Giêsu luôn có tầm nhìn xa.
7. Tiên
liệu (Foresight)
Tiên liệu là
khả năng thấy trước kết quả có thể xảy ra của một tình hình. Nó cho phép người
lãnh đạo phục vụ học hỏi từ quá khứ và có được một sự hiểu biết tốt hơn về thực
tế hiện tại. Nó cũng cho phép người lãnh đạo phục vụ xác định các hệ quả về
trong tương lai. Đặc tính này liên quan chặt chẽ đến sự khái niệm hóa – như số
6 ở trên. Chúa Giêsu luôn có sự tiên liệu.
8. Quản
lý (Stewardship)
Giám đốc
điều hành, ban chấp hành và ủy viên quản trị của một tổ chức có nhiệm vụ duy
trì tổ chức của họ sao cho hợp với công ích của xã hội. Vì vậy, sự lãnh đạo
phục vụ được xem như là một nghĩa vụ để giúp đỡ và phục vụ người khác. Sự cởi
mở và thuyết phục trong việc quản lý thì quan trọng hơn sự kiểm soát. Chúa
Giêsu là người quản lý giỏi.
9. Phát
triển con người (Commitment to the
Growth of People)
Người lãnh
đạo phục vụ tin rằng mọi người đều có những giá trị nội tại vượt ra ngoài những
đóng góp của họ với tư cách là nhân viên. Vì vậy, nhà lãnh đạo nên nuôi dưỡng
sự tăng trưởng cá nhân, nghề nghiệp và tinh thần của nhân viên bằng cách khuyến
khích cộng sự trau dồi thêm kiến thức và bồi dưỡng thêm kỹ năng, trả học phí
cho nhân viên đi học thêm, tăng lương cho những người tốt nghiệp những kỹ năng
mới. Người lãnh đạo phục vụ đón nhận các ý tưởng của nhân viên và cho phép các
cộng sự tham gia trong các quyết định của tổ chức. Chúa Giêsu luôn hướng tới sự
phát triển và hạnh phúc của con người.
10.
Xây dựng cộng đồng (Building
Community)
Người nhà
lãnh đạo phục vụ xác định các biện pháp để xây dựng một cộng đồng mạnh mẽ và ý
nghĩa trong tổ chức của mình. Hơn thế, người lãnh đạo phục vụ phải nhất tâm hướng
dẫn tổ chức của mình biết liên kết với các tổ chức khác để tiến tới việc xây
dựng một cộng đồng nhân loại và nhân ái. Chúa Giêsu đến để xây dựng công đoàn
nhân loại.
IV. MƯỜI ĐIỀU TÂM NIỆM LÃNH ĐẠO
THÀNH CÔNG
Hướng dẫn người khác là một nghệ thuật hơn mọi nghệ thuật. Cần phải có
sự hiểu biết đầy đủ, đời sống gương mẫu và kỹ năng lãnh đạo tốt mới thành công.
Vì thế, chúng ta cần phải học hỏi và trau dồi liên lỉ mới đạt được kết quả
trong lãnh đạo.
Để đạt được sự thành công trong nghệ thuật lãnh đạo, người Huynh trưởng
cần phải tâm niệm 10 điều sau đây:
Điều
1: Bạn không thể lãnh đạo thành công nếu không có uy tín.
- Thực hành điều mình nói.
- Làm trọn những gì mình hứa.
- Luôn nghĩ đến tập thể.
- Hết lòng vì công việc.
- Coi quyền lời của tổ chức như của chính
mình.
Điều
2: Bạn không thể lãnh đạo thành công nếu không bày tỏ cho mọi người biết lập
trường chính đáng của mình.
Tất cả những nhà lãnh
đạo thành công trên thế giới như Abraham Lincoln, Martin Luther King, Mahatma
Gandhi… đều có một niềm tin mãnh liệt vào một giá trị nào đó và biết cách bày
tỏ những giá trị đó cho người khác cùng thực hiện.
Điều 3: Bạn không thể lãnh đạo thành công nếu không nêu gương tốt.
- Nói và làm đi đôi với nhau. Người hướng dẫn phải có đời sống đạo đức
gương mẫu để người khác noi theo.
Điều 4: Bạn không thể lãnh đạo thành công nếu
không biết động viên mọi người cùng hướng về một viễn tượng chung.
- Có khả năng phác
thảo bức tranh tương lai của dự án mà tập thể hướng tới.
- Giúp mọi người cùng
nhau hướng về mục đích đó. Mỗi người không phải nhìn nhau nhưng cùng nhìn một
hướng, cùng “ở trên một trang” (on the same page).
Điều 5: Bạn không thể lãnh đạo thành công nếu không biết cách thu phục người khác.
- Không độc thoại, áp
đặt và mệnh lệnh một chiều, mà là cùng chia sẻ chung một sứ vụ bằng sự thuyết
phục người khác.
Điều 6: Bạn không thể lãnh đạo thành công nếu
không biết thách thức lề lối làm việc cũ.
“Hãy chấp nhận thách
thức dù có khi phải thất bại” (Dick Nettell).
“Ví phỏng đường đời
cứ bằng phẳng cả, anh hùng hào kiệt có hơn ai?” (Phan Bội Châu)
Người lãnh đạo hiệu
quả là người luôn biết tìm kiếm cơ hội để thay đổi, phát triển, canh tân, và
cải tiến.
Điều 7: Bạn không thể lãnh đạo thành công nếu
không biết phát huy tinh thần hợp tác của người khác.
- Kiến tạo một bầu
không khí tin cậy.
- Khuyến khích tinh
thần giúp đỡ lẫn nhau.
- Thường xuyên duy
trì mối liên hệ trực diện giữa các thành viên.
Điều 8: Bạn không thể lãnh đạo thành công nếu không biết cách làm cho người khác mạnh lên.
- Hiểu biêt và tôn
trọng khả năng, ý kiến của họ.
- Cho họ lựa chọn và
hỗ trợ họ.
- Tạo tinh thần trách
nhiệm.
Điều 9: Bạn không thể lãnh đạo thành công nếu không biết nhìn nhận công lao đóng góp của người khác.
“Là con người ai cũng
mong được người ta ghi nhận và khuyến khích việc mình làm” (Andy Pearson).
“Công khai ghi nhận
công lao của người khác là điều hết sức quan trọng, đừng bao giờ coi thường”
(Joan Nicolo).
Biết đánh giá đúng sự đóng góp của và khích
lệ, khen thưởng xứng đáng.
Điều 10: Bạn không thể lãnh đạo thành công nếu
không biết đào tạo người lãnh đạo kế thừa.
“Tre già măng mọc.”
Người lãnh đạo giỏi là người biết cách đào tạo những người lãnh đạo trẻ kế
thừa.
Tuyển chọn nhân tài,
huấn luyện lãnh đạo, và trao cơ hội thực tập lãnh đạo.
Nếu bạn biết luyện tập cho mình những đức
tính tốt và áp dụng những nguyên tắc trên, bạn sẽ thành công trong sứ vụ lãnh
đạo của mình.
Chúc các bạn thành công!
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương
Tài liệu tham khảo:
Richard L. Daft, The Leadership Experience, Sixth Edition, 2015.
No comments:
Post a Comment