Chúa Nhật III Mùa Vọng Năm B
Is 61,1-2a.10-11 ; 1
Tx 5,16-24; Ga 1,6-8.19-28
Với Chúa Nhật III Mùa Vọng, chúng
ta đang tiến gần tới đại lễ Giáng Sinh. Khắp nơi đã bừng lên bầu khí Giáng
Sinh: hang đá, cây thông, đèn điện đã được trang hoàng nơi các nhà thờ, các
gia đình, bên các con đường, ở phố xá cũng như nơi thôn quê. Tất cả là rất tốt.
Tất cả đều diễn tả niềm vui Giáng Sinh.
Cùng với bầu khí bên ngoài đó, theo truyền thống phụng vụ, Chúa Nhật III được gọi là Chúa Nhật của niềm vui: ‘Gaudate in Domino Semper – Anh em hãy vui luôn trong Chúa.’ Trong bối cảnh đó, Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta suy tư về chủ đề như sợi chỉ đỏ xuyên suốt các bài đọc: “Chứng nhân cho niềm vui Tin Mừng.” Đây cách thế tốt nhất để cử hành lễ Chúa Giáng Sinh.
Cùng với bầu khí bên ngoài đó, theo truyền thống phụng vụ, Chúa Nhật III được gọi là Chúa Nhật của niềm vui: ‘Gaudate in Domino Semper – Anh em hãy vui luôn trong Chúa.’ Trong bối cảnh đó, Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta suy tư về chủ đề như sợi chỉ đỏ xuyên suốt các bài đọc: “Chứng nhân cho niềm vui Tin Mừng.” Đây cách thế tốt nhất để cử hành lễ Chúa Giáng Sinh.
1- Tiên báo và để đón nhận niềm vui
Trong bài đọc I, trích sách tiên
tri Isaia, Đấng Messia được miêu tả như là một người được xức dầu bởi Chúa
Thánh Thần và được sai đi để làm chứng nhân cho niềm vui cứu độ. Nhờ việc xức dầu
và sai đi này, Đấng Messia thực sự trở thành chứng nhân cho niềm vui, cho ơn
cứu độ của Thiên Chúa. Người đến để “loan báo tin mừng cho kẻ nghèo hèn, băng bó
những tấm lòng tan nát, công bố lệnh ân xác cho kẻ bị giam cầm, ngày phóng thích
cho những tù nhân, công bố một năm hồng ân của đức Chúa” (Is 61,1-2). Như thế,
theo lời ngôn sứ, Đấng Messia là người mang niềm vui của Thiên Chúa cho nhân loại.
Trong bài đọc II, qua lời nhắn nhủ
các tín hữu Thesalônica, thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta rằng trong khi đón
chờ Chúa đến, chúng ta phải làm chứng cho Chúa là niềm vui, nhờ đời sống thánh
thiện và tinh tuyền của mình. Nhưng làm sao thực hiện được điều đó? Thánh Tông
Đồ đưa ra ba việc quan trọng cần làm: Trước hết, anh em hãy vui luôn trong
Chúa, nghĩa là hãy trải nghiệm niềm vui, rồi mới có thể chia sẻ niềm vui; Thứ đến,
hãy cầu nguyện không ngừng: nghĩa là để có niềm vui thực sự, phải luôn kết hợp và
sống thân tình với Chúa trong cầu nguyện; Thứ ba là hãy luôn kiên nhẫn, bền tâm
vững chí như người nông phu chờ mùa gặt, đừng có kêu trách, thất vọng, nhưng luôn
tin tưởng và hy vọng vào quyền năng của Chúa, vào ân sủng và hoạt động của Người
trong đời sống; đến thời Chúa sẽ ra tay, đến lúc ơn Chúa sẽ trổ sinh hoa trái. Quả
là giáo huấn mà chúng ta luôn khắc cốt ghi tâm.
2- Chúa Giêsu, người mang niềm vui và là niềm vui đích thực
Bài Tin Mừng diễn tả sứ vụ đặc
biệt của Gioan Tẩy Giả là sứ vụ của chứng nhân cho ánh sáng và niềm vui. Ánh sáng
và niềm vui đó chính là Chúa Giêsu. Bởi thế, mặc dầu đang bị ngồi tù, Gioan
nghe biết những việc Đức Giêsu làm, liền sai môn đệ đến hỏi Người rằng: “Thầy
có thật là Đấng phải đến không, hay chúng tôi còn phải đợi ai khác?” Chúa Giêsu
trả lời: “Các anh cứ về thuật lại cho ông Gioan những điều tai thấy mắt nghe:
Người mù xem thấy, kẻ què bước đi, người cùi được sạch, kẻ điếc nghe được,
người chết trỗi dậy, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng.” Như thế, những lời tiên báo
của Isaia nay đã được ứng nghiệm. Đấng Messia mà dân chúng đang mong đợi chính
là Chúa Giêsu, Người mang niềm vui và Người chính là niềm vui của Thiên Chúa. Thật
vậy, Con Thiên Chúa làm người là tin mừng cứu độ lớn nhất cho nhân loại. Người
đến để giải thoát nhân loại khỏi cảnh nô lệ và mọi hậu quả của tội lỗi, đồng thời
mang đến cho chúng ta ơn cứu độ và ơn làm con cái Thiên Chúa. Đó là niềm vui lớn
lao nhất! Bởi thế, Origene quả quyết: Chúa Giêsu vừa là nội dung Tin Mừng, vừa
là Tin Mừng.
Từ đó, chúng ta đi xa hơn trong
suy tư: Niềm vui đích thực mà chúng ta có không phải nhờ vào những thành tựu
khoa học, kỷ thuật, cũng không phải do sự giàu có của cải vật chất, hay ý thức
hệ mang lại và như thế gian ban tặng, nhưng một cách chính yếu, niềm vui đó đến
từ chính Thiên Chúa, từ ân sủng mà Chúa Kitô mang lại. Nó phát xuất từ trong
sâu thẳm nhất của con người, không có gì và không ai có thể lấy đi được.
Kitô giáo một cách chính yếu là
“tin mừng” hay “tin vui,” dẫu một số người nghĩ rằng Kitô giáo là sự cản trở
niềm vui, bởi vì họ thấy trong đó một loạt những điều cấm chế và luật lệ. Trong
thực tế, Kitô giáo là lời loan báo về chiến thắng của ân sủng trên tội lỗi, về
sự sống trên sự chết. Và nếu Kitô giáo đòi hỏi sự hy sinh và kỷ luật của lý
trí, con tim và cách hành xử, điều đó là chính đáng, bởi vì trong con người luôn
có những gốc rễ độc tố ích kỷ và tội lỗi, vốn nó làm cho chúng ta phải buồn phiền
và đánh mất niềm vui đích thực.
Chúa Giêsu là niềm vui của nhân
loại, là niềm vui của Hội Thánh và của mỗi người chúng ta. Chúng ta được mời gọi
chia sẻ niềm vui này với mọi người.
3- Làm
sao để làm chứng cho niềm vui
Tuy nhiên, làm sao chúng ta có thể
làm chứng cho niềm vui Tin Mừng? Phụng vụ Lời Chúa giới thiệu với chúng ta dung
mạo Gioan Tẩy Giả, như là tượng đài của Mùa Vọng. Qua mẫu gương trổi vượt này,
chúng ta học nơi Gioan Tẩy Giả những bài học quý báu để có thể làm chứng cho Chúa
là niềm vui: Trước hết, nơi con người cao trọng này, chúng ta có mẫu gương về đời
sống: Ông không chọn đời sống gấm vóc lụa là trong cung điện, không chạy theo hình
thức hoành tráng bên ngoài, nhưng ông chọn lựa đời sống đơn giản, khó nghèo và khổ
chế ở trong hoang địa, chỉ ăn châu chấu uống mật ong rừng, ông dám lội ngược dòng
với trào lưu xã hội lúc bấy giờ đang có nguy cơ chạy theo sự xa hoa trần thế và
tục hóa cả những gì thánh thiêng nhất.
Thứ đến, chúng ta cần học nơi
Gioan Tẩy Giả về những đức tính quý báu như tính chân thật, thành thật và khiêm
tốn để trở thành chứng nhân đích thực: ông quả quyết: Tôi không phải là Đấng
phải đến, tôi chỉ là tôi tớ của Người, tôi chỉ là người dọn đường cho Người. Với
tư cách ngôn sứ, ông dám lên án bất công và chấp nhận trả giá vì sứ vụ ngôn sứ.
Cám dỗ của chứng nhân là thay vì đưa người khác về với Chúa, lại kéo họ về với
mình. Nhiều lúc cái mình, cái tôi che khuất chính Chúa. Cũng không thiếu những
trường hợp vì sợ, nên đã không dám nói sự thật hoặc nhìn nhận sự thật.
Sống trong thế giới mà tất cả mọi
người đều bị cám dỗ muốn khẳng định mình bằng sức mạnh của cải, quyền lực,
địa vị và lòng tự cao tự đại được coi như là chuẩn mực của đời sống, tất cả chúng
ta được mời gọi dám lội ngược dòng cuộc sống bằng việc sống đơn giản, khó nghèo
và bao gồm cả đời sống khổ chế, khi sống cách âm thầm, khiêm tốn phục vụ.
Cuối cùng, Gioan là tiếng kêu mời
gọi sám hối. Chúng ta có thể trở thành chứng nhân đích thực cho mọi người nhờ việc nhắc nhở mỗi người ý thức rằng mình là
tội nhân. Tất cả chúng ta cần phải trở về với Chúa. Bởi chỉ có Chúa mới mang lại
niềm vui đích thực cho con người. Đó là cách thế mà Gioan Tẩy Giả đã làm.
Vì thế, trong Mùa Vọng này, chúng
ta được mời gọi hãy đến với Chúa để đón nhận niềm vui và hãy mang niềm vui đó cho
tha nhân, nhất là cho những người nghèo khổ, bằng những việc làm cụ thể, như an ủi những người bệnh tật, thăm viếng những kẻ cô đơn không nơi nương tựa, giúp đỡ
những ai đói rách, chào hỏi những ai chúng ta gặp gỡ hằng ngày với nét mặc vui
tươi. Đó là cách thế tốt nhất để chúng ta mừng Giáng Sinh và chia sẻ
niềm vui Giáng Sinh. Amen!
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương
No comments:
Post a Comment