Friday, 25 December 2020

Để cứu độ chúng ta

LỄ GIÁNG SINH

LỄ NGÀY

Lời Chúa: Is 52,7-10; Dt 1,1-16; Ga 1:1-18

Trong ngày đại lễ mừng Con Chúa giáng sinh hôm nay, chúng ta lắng nghe thánh Gioan nói về nguồn gốc thần linh của Chúa Giêsu Hài Đồng qua lời mở đầu Tin Mừng của ngài. Giáo Hội cho chọn đọc bài Tin Mừng này với dụng ý giúp chúng ta khám phá nguồn gốc của Con Thiên Chúa nơi hình hài khiêm hạ của một trẻ thơ nằm trong hang lừa.
Thật vậy, trong Kinh Tin Kính, có một đoạn mà trong thánh lễ này khi đọc đến đó chúng ta phải quỳ gối: “Vì loài người chúng tôi và để cứu độ chúng tôi, Người đã từ trời xuống thế.” Đây chính là câu trả lời nền tảng và vững chắc cho câu hỏi: “Tại sao Ngôi Lời đã trở thành nhục thể?” Tuy nhiên, lời tuyên xưng này, cần được hiểu một cách đúng đắn và đầy đủ. Câu hỏi trên được đặt ra theo cách nói khác đó là: “Tại sao Người đã làm người “để cứu độ chúng ta?” Có phải bởi vì chúng ta đã phạm tội và cần được cứu độ không?
Trong quá khứ, các nhà thần học của Giáo Hội đã tranh luận về vấn nạn này. Nhiều người cho rằng, vì con người đã phạm tội, nên Con Chúa mới nhập thể làm người. Có một nhà thần học nổi tiếng tên là Duns Scotus, một tu sĩ dòng Phanxicô, đã nới lỏng sự nối kết quá mức giữa nhập thể với tội lỗi của con người và đề cao vinh quang của Thiên Chúa như là lý do chính yếu của mầu nhiệm nhập thể. “Thiên Chúa đã sai Con Người xuống nhập thể làm người, để có ai đó ngoài Người, yêu Người theo một cách thức cao nhất và xứng đáng với Thiên Chúa.” Ông giả thiết rằng nếu con người không phạm tội, Thiên Chúa vẫn nhập thể làm người.
Câu trả lời này, dẫu rất ý nghĩa, nhưng vẫn chưa phải là câu trả lời dứt khoát và đầy đủ. Chúng ta biết rằng đối với các triết gia Hy Lạp, điều quan trọng nhất đó là Thiên Chúa được yêu; nhưng đối với Kinh Thánh, điều quan trọng nhất không phải là Thiên Chúa được yêu, nhưng là Thiên Chúa yêu và đã yêu chúng ta trước (x. 1 Ga 4,19). Thiên Chúa đã muốn Chúa Con nhập thể không phải vì để có ai ngoài Ba Ngôi có thể yêu Người cách xứng đáng như cách nói của Duns Scotus, nghĩa là có một ai đó yêu Người theo cách thức như Người đáng được yêu, một tình yêu vô biên, không biên giới!
Lúc Giáng Sinh, khi hài nhi Giêsu được sinh ra, Chúa Cha có một người để yêu với tình yêu vô biên, bởi vì Chúa Giêsu vừa là Thiên Chúa vừa là con người. Nhưng không chỉ Chúa Giêsu mà thôi, mà cả chúng ta nữa, cùng với Người để yêu mến Thiên Chúa. Chúng ta được liên kết trong tình yêu này với Chúa Giêsu khi trở thành những chi thể của Nhiệm Thể Chúa Kitô, là “những người con trong Chúa Con.” Trong lời mở đầu, thánh Gioan nhắc nhở chúng ta điều đó: “Còn những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa” (Ga 1,12).
Vì thế, Chúa Kitô đã từ trời xuống thế “vì ơn cứu độ chúng ta,” nhưng điều đã thúc đẩy Người xuống thế vì ơn cứu độ chúng ta là tình yêu, không gì ngoài lý do tình yêu.
Giáng Sinh là bằng chứng hùng hồn nhất về “sự biểu lộ lòng từ bi và nhân ái” (philanthropy) của Thiên Chúa như Kinh Thánh diễn tả (Tt 3,4). Nghĩa là sự biểu lộ “tình yêu” (philea) vì loài người (anthropos). Gioan cũng trả lời câu hỏi tại sao Thiên Chúa nhập thể trong cách thức này: “Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời”(Ga 3,16).
Như thế, chúng ta phải làm gì để trả lời cho sứ điệp Giáng Sinh? Bài hát Giáng Sinh “Adeste Fideles” vang vọng lời này: “Làm sao chúng ta không yêu người đã yêu chúng ta như thế?” Hay trong bài Cao Cung Lên, có lời ca rất đơn sơ mà thâm thúy: “Ôi hỡi trần gian, im tiếng đi mà cung kính. Chúa Con ra đời trong máng cỏ hang lừa.”
Có nhiều điều chúng ta làm để mừng đại lễ Giáng Sinh, nhưng điều ý nghĩa nhất mà chúng ta nên làm, là hãy có một tâm tình đơn sơ tạ ơn, một cảm mến dành cho Đấng đã đến để sống ở giữa chúng ta. Đó là món quà quý nhất, chúng ta có thể dành cho Hài Nhi Giêsu, là đồ trang trí đẹp nhất nơi hang đá.
Tuy nhiên, tình mến đơn sơ cần được thể hiện trong những hành vi cụ thể. Một biểu cảm đơn sơ nhất và khắp mọi nơi đều làm, là đến thờ lạy và hôn kính Hài Nhi.
Chúng ta hãy đến thờ lạy và hôn kính Hài Nhi, như chúng ta muốn hôn những đứa trẻ dễ thương vừa mới sinh. Nhưng chúng ta không chỉ hôn những bức tượng bằng thạch cao, bằng gỗ hay bằng sứ, nhưng là hôn Hài Nhi Giêsu bằng xương bằng thịt. Khi chúng ta gặp gỡ, thăm viếng, ôm hôn những người đang gặp khó khăn và đau khổ, chúng ta đang hôn chính Chúa.
Thăm viếng và ôm hôn một người đau khổ như thế là giúp đỡ họ bằng những việc làm cụ thể; là nói những lời tốt đẹp để khích lệ; thăm viếng họ để ủi an, mỉm cười với họ; và tại sao không dành cho nhau những sự hôn chào thân ái và thánh thiện trong Chúa khi chúng ta gặp gỡ nhau.
Đó là những cây nến đẹp đẽ nhất mà chúng ta có thể thắp lên bên hang đá mỗi độ Giáng Sinh về. Amen!
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương

No comments:

Post a Comment