Lời Chúa : Is 40,1-5.9-11; 2 Pr 3,8-14; Mc 1,1-8
Với Chúa Nhật II Mùa Vọng, phụng vụ lời Chúa
mời gọi chúng ta suy niệm về chủ đề: “Hãy dọn đường cho Chúa đến.” Cả ba bài đọc là sự kết hợp thật tuyệt vời về
chủ đề này, cung cấp cho chúng ta những ý tưởng khác nhau về toàn bộ linh đạo để
chuẩn bị đường cho Chúa đến.
Trong bài đọc I, trích sách tiên tri Isaia (Is 40,1-5.9-11), chúng ta lắng nghe:
“Có tiếng kêu vang lên trong hoang địa,” nhưng với hai thông điệp khác nhau:
Trước tiên, “hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng. Như mục tử
hướng dẫn đàn chiên trở về, Thiên Chúa sẽ hướng dẫn dân Người để giải thoát họ
khỏi cảnh nô lệ và tội lỗi, đồng thời giúp họ xây dựng cuộc sống mới. Nhưng
chúng ta phải chuẩn bị đường thế nào cho Chúa đến? Câu trả lời là: “Các núi đồi
phải bạt xuống cho bằng, những hố sâu phải lấp cho đầy.” Đây là những hình ảnh
cụ thể muốn nói đến những thái quá, những chểnh mảng và những trụy lạc trong
đời sống chúng ta, chúng cần phải được uốn nắn cho ngay thẳng. Chúng ta không
chỉ phải chỉnh đốn chính mình nhưng còn phải mời gọi người khác cũng phải chỉnh
đốn đời sống mình. Tuy nhiên, có một cách thế hoàn toàn khác là tập trung vào
Chúa, Đấng đang đến với chúng ta. Đây là tiếng kêu rất quan trọng cho thời đại
chúng ta: Mùa Giáng Sinh đã bị đồng hóa với rất nhiều điều và các sự kiện, mà
người ta thường lãng quên chính Chúa, Đấng đang đến, nhân vật chính của lễ
Giáng Sinh. Vậy thì, theo Isaia, có tiếng kêu trong sa mạc, Chúa đang đến và
đây là cách thế tốt để chuẩn bị đón Chúa đến là hãy tập trung vào chính
Chúa.
Trong bài đọc II, trích từ Thư thứ hai của
thánh Phêrô (2 Pr 3,8-14) một
lần nữa, chúng ta thấy ở đây hai phương diện khác mà thánh nhân trình bày để
chuẩn bị đón Chúa đến. Trước hết, hãy để cho Chúa đến vào thời gian của Chúa và
theo cách thế của Chúa. Chúng ta chuẩn bị cho Chúa đến bằng cách là hãy đi ra
khỏi những quan niệm, những định kiến và những chờ đợi của chúng ta. Nhiều lúc
chúng ta áp đặt lên Thiên Chúa ý tưởng của chúng ta và muốn khi nào và cách nào
Người phải đến với chúng ta. Không! Dọn đường cho Chúa đến có nghĩa là hãy để
cho Chúa tự do đến theo cách thế mà Người thấy là phù hợp. Thứ đến, thời gian
Thiên Chúa ban cho chúng ta là thời gian chuẩn bị cho Chúa đến, thời gian để
hoán cải.
2- Gioan Tẩy Giả, người
dọn đường cho Chúa đến
Những điểm mà chúng ta vừa đề cập trên đây được
liên kết với bài Tin Mừng khi tập trung vào nhân vật Gioan Tẩy Giả như là sự
tổng hợp hoàn hảo của việc dọn đường cho Chúa đến.
Khi khởi đầu Tin Mừng theo thánh Máccô, chúng
ta thấy rằng: Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô bắt đầu với việc tuyên bố của Gioan Tẩy
Giả như là sự hoàn tất điều được nói trong bài đọc I từ Isaia: “Có tiếng kêu
trong hoang địa: hãy chuẩn bị con đường ngay thẳng cho Chúa đến.” Như thế, lời
Isaia được ứng nghiệm nơi nhân vật Gioan Tẩy Giả. Gioan Tẩy Giả như tôi được
biết, nếu tôi không sai về điều này, là một nhân vật Kinh Thánh duy nhất được gọi
là Tẩy Giả. Bởi thế, sẽ thiếu sót nếu chỉ gọi ngài là Gioan. Ngài phải luôn
được gọi là Gioan Tẩy Giả và tôi nghĩ trong Giáo Hội sơ khai và cả trong những
bản văn cổ về lịch sử Kitô giáo, ngài được trình bày như là người dọn đường cho
Chúa đến; một tiên trị nổi bật, được biết đến vì đã làm phép rửa cho dân chúng.
Ngài sống trong sa mạc và kêu gọi mọi người đến đón nhận phép rửa để được ơn
tha thứ và kêu gọi sám hối các tội lỗi mình. Điều này thật phù hợp với điều mà
trong Thư thứ hai, thánh Phêrô mời gọi phải chuẩn bị con đường cho Chúa và đồng
thời phải sám hối vì Chúa là Đấng sẽ đến.
Nhưng chúng ta hãy chuyển sang điểm thứ hai
trong bài Tin Mừng. Đó là phép rửa mà Gioan Tẩy Giả thực hiện tại sông Giordan.
Ông dìm dân chúng trong nước sông Giordan. Dân chúng đến với Gioan và được ông
rửa tội. Đây là điều thật ý nghĩa đối với việc chuẩn bị cho Chúa đến. Bởi lẽ, không
ai tự rửa tội cho chính mình. Bạn không thể nói tôi tự rửa tội cho mình. Cả
việc chuẩn bị cho việc Chúa đến cũng thế. Gioan là người được Thiên Chúa sai
đến, đã rửa tội cho người khác để có được ơn tha thứ các tội lỗi. Như thế, nhờ
Gioan mà họ được dìm trong nước của sông Giordan, họ xưng thú các tội lỗi mình.
Tất cả điều này nói lên điều gì? Sự kiện này nói với chúng ta rằng sự sám hối
tựu trung lại chính là quà tặng của Thiên Chúa, được ban cho chúng ta qua các
trung gian những con người được tuyển chọn. Chúng ta không thể tự hào rằng việc
hoán cải của mình là nhờ những cố gắng của bản thân. Chúng ta không thể khoe
khoang với thế giới rằng chúng ta hoán cải đời sống, hoàn toàn từ bỏ các tội
lỗi chỉ nhờ vào những năng lực của bản thân. Không! Sám hối trước tiên và hầu
như là hành động của Thiên Chúa trong chúng ta. Lời mời gọi của Thiên Chúa đến
với chúng ta qua rất nhiều người và những biến cố, qua những Gioan Tẩy Giả trong
cuộc đời chúng ta. Một yếu tố của sám hối là khiêm tốn nhìn nhận rằng chúng ta
cần Chúa, Đấng mời gọi chúng ta sám hối. Chúng ta hãy từ bỏ chính mình, trở nên
khiêm tốn, trung thành để có được điều này. Hãy từ bỏ chính mình và không cậy
dựa vào chính mình nhưng là cậy dựa vào Thiên Chúa, bởi lẽ, chỉ nhờ hồng ân của
Thiên Chúa mà chúng ta có can đảm và khiêm tốn để nhìn nhận rằng tôi đã phạm
tội và một lần nữa tôi cần được dìm mình trong ân sủng, trong lòng thương xót
của Thiên Chúa để được tha thứ và thanh tẩy. Sự sám hối đích thực đến với lòng
khiêm tốn. Tôi cần được hướng dẫn theo cái nhìn này như trong bài đọc I, dân
Ítraen không thể trở về nếu không có Thiên Chúa giúp. Chính Thiên Chúa đã hướng
dẫn họ trở về quê cha đất tổ. Theo một cách thức tương tự, Gioan Tẩy Giả phải
dìm dân chúng trong nước khi họ đến xưng thú tội lỗi của mình. Chúng ta hãy xin
Chúa ban cho chúng ta ân sủng này để biết sám hối thực sự.
3- Đấng cao trọng hơn tôi
Sau nữa, Gioan Tẩy Giả không kêu gọi mọi người hãy
chú ý đến ông, nhưng hãy chú ý đến Đấng đến sau ông. Gioan là tiếng kêu trong
hoang địa. Tiếng kêu mà Gioan kêu gọi không chỉ để sám hối, nhưng còn là tiếng
kêu mời dân chúng hãy tập trung vào Đấng sẽ đến sau ông. Ông nói: “Tôi làm phép
rửa bằng nước, nhưng có Đấng cao trọng hơn tôi, sẽ làm phép rửa cho anh em bằng
Thánh Thần.” Ồ, đây có một sự phân biệt về phép rửa thật rõ ràng. Phép rửa bằng
nước và phép rửa bằng Thánh Thần, Đấng là sự sống và sức mạnh của Thiên Chúa,
trong khi phép rửa của Gioan là cần thiết, nhưng nó chỉ là dấu chỉ sám hối bên
ngoài. Phép rửa của Chúa Giêsu mang lại sự tẩy rửa bên trong các tâm hồn và
lương tâm con người nhờ Thánh Thần, Đấng được đổ vào lòng chúng ta như là sự
sống mới của Thiên Chúa. Đức Giêsu ban Thánh Thần cho chúng ta qua phép rửa,
nhờ đó, chúng ta được làm con cái Thiên Chúa, được ơn giải thoát khỏi tội lỗi,
được ơn cứu độ và được thuộc về trời mới đất mới. Đó là đời sống mới trong
Thánh Thần. Đó là cách thế tuyệt vời để chuẩn bị cho Chúa đến! Chúng ta hãy đến
gần với Chúa và hãy để cho Chúa đến gần với chúng ta, bằng việc diệt trừ những tính
mê tật xấu, sám hối và sống theo Thánh Thần hướng dẫn để cùng với Người, chúng ta
mở ra con đường cho Chúa đến với mình và cho Chúa đến với tha nhân. Amen!
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương
No comments:
Post a Comment