Cn 9,1-6; Ep 5,15-20; Ga 6,51-59
Trong
ba Chúa Nhật liền, Lời Chúa tập trung một chủ đề duy nhất, đó là Thánh Thể. Điều
này cho thấy bí tích Thánh Thể quan trọng như thế nào đối với người Kitô hữu. Giáo
Hội dành nhiều thời gian tìm hiểu ý nghĩa bí tích Thánh Thể, là bí tích được cử
hành mỗi ngày. Theo ý định đó, hôm nay, chúng ta tìm hiểu về ba điều quan trọng
nhất nơi bí tích Thánh Thể bằng việc trả lời ba câu hỏi này: 1) Làm sao bánh và
rượu trở thành Mình và Máu Thánh Chúa? 2) Chúa Giêsu hiện diện thực sự nơi
Thánh Thể không? 3) Chúng ta phải chuẩn bị thế nào là để rước lễ?
1- Bánh rượu trở thành Mình Máu
Chúa
Trước
hết, chúng ta phải nói rằng bí tích Thánh Thể là sự mới mẻ nhất do Chúa Giêsu
mang lại, nhưng đồng thời cũng là mạc khải khó tin nhất đối với con người mọi
thời. Quả thế, khi Chúa Giêsu nói: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn
bánh này, sẽ được sống muôn đời” (Ga 6,51). Người Do Thái đã sốc khi nghe những
lời này. Họ nói: “Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được?” (Ga 6,52).
Đối
với chúng ta hôm nay, khi dự thánh lễ, câu hỏi đầu tiên mà chúng ta thường được
đặt ra là làm sao bánh và rượu trở thành Mình và Máu thánh Chúa?
Chúng
ta tìm thấy câu trả lời trong Giáo Lý Công Giáo, theo đó, khi linh mục truyền
phép, chính Chúa Thánh Thần là Đấng ngự xuống trên các lễ vật, nhờ quyền năng
thần linh mình, Người biến đổi bánh thành Mình Chúa Kitô và rượu thành Máu Chúa
Kitô.
Theo
ngôn ngữ thần học, đây là sự biến thể (transsubstantiatio),
nghĩa là một sự biến đổi từ bên trong, bản thể của bánh rượu không còn là bánh
rượu nữa, nhưng trở thành bản thể của Chúa Kitô, thành Thịt và Máu Người. Thánh Cyrillô thành Giêrusalem (313-387) giải thích về
sự biến thể này như sau: “Bánh này không còn là bánh, dù bằng chứng của
vị giác thế nào đi nữa, nhưng là thân mình Chúa Kitô. Rượu này không còn là rượu
dù giác quan có nói thế nào đi nữa, nhưng chính đây là máu Chúa Kitô” (Giáo Lý Nhiệm
Huấn IV, 9)
Bởi
vậy, khi chủ tế đọc lời khẩn cầu (epiclesis) chính là lúc Chúa Thánh Thần thực
hiện sự biến đổi kỳ lạ này: “Chúng con nài xin Cha đổ ơn Thánh Thần xuống
mà thánh hóa của lễ này, để biến thành Mình và Máu của Đức Giêsu Kitô, Chúa
chúng con.” Sau đó, chủ tế đọc: “Này
là Mình Thầy... Này là Máu Thầy... đổ ra vì các con...” (Kinh Nguyện Thánh Thể II).
Như
thế, qua linh mục, Chúa Thánh Thần dùng quyền năng thần linh của Người biến đổi
bánh rượu trở nên Mình và Máu Chúa Kitô.
2- Sự hiện diện đích thực
Câu
hỏi thứ hai mà chúng ta thường thắc mắc là Chúa Giêsu có hiện diện thực sự
trong bí tích Thánh Thể không? Đây cũng là “hòn đá vấp chân cho nhiều người.” Đối
với những người Tin Lành và Anh Giáo, họ chỉ tin và cử thành thánh lễ như là sự
tưởng nhớ; bánh và rượu chỉ là biểu tượng về sự hiện diện thiêng liêng của Chúa;
họ không tin rằng Chúa Giêsu hiện diện thực sự trong Thánh Thể.
Đối với người Công Giáo, di sản quý báu nhất mà Giáo Hội có được chính là niềm tin vào
bí tích Thánh Thể. Theo đó, chúng ta xác tín và
tuyên xưng rằng: “Trong bí tích Thánh Thể cực trọng, sự hiện diện “Mình và Máu,
cùng với linh hồn và thần tính, của Chúa chúng ta là Đức Giêsu Kitô, và vì vậy,
Đức Kitô được ẩn chứa cách đúng đắn, chân thật và bản thể” (Giáo Lý, số 1374).
Thế
nên, Chúa Giêsu thực sự hiện diện dưới hình bánh rượu, dầu giác quan con người
không thấy. Chính Chúa Thánh Thần là Đấng hiện tại hóa hy tế thập giá xưa của
Chúa Giêsu trong mỗi thánh lễ được cử hành. Nên mỗi thánh lễ là một phép lạ
đang diễn ra trước mắt chúng ta. Đây là “mầu nhiệm Đức Tin!”
Bởi
thế, để đến với Thánh Thể, chúng ta cần có đức tin. Nhờ cặp mắt đức tin, chúng
ta tin nhận rằng Chúa Giêsu thực sự hiện diện trong Thánh Thể, Người ban Thịt
và Máu Mình làm của ăn nuôi sống linh hồn chúng ta.
Về
điều này, trong lịch sử Giáo Hội, có nhiều phép lạ Thánh Thể
xảy ra để củng cố niềm tin cho chúng ta. Ở Lanciano, nước Italia, vào thế kỷ thứ
VIII, có một linh mục, thuộc Dòng thánh Basiliô, rất giỏi về khoa học,
nhưng lại yếu đức tin, ngài thường nghi ngờ sự hiện diện của Chúa Giêsu trong
thánh lễ. Một ngày nọ ngài đi hành hương ở Rôma. Trên đường về, ngài dâng lễ tại
một nhà Dòng, sau khi truyền phép, một phép lạ xảy ra ngay tại bàn thờ, bánh trở
thành thịt và rượu trở thành máu thật Chúa Giêsu. Ngày nay, người ta còn lưu giữ
dấu tích cục máu đông tại Lanciano, được các nhà khoa học kiểm chứng Thịt và Máu cùng một loại AB.
Đó là bảo chứng của niềm tin vào Thánh Thể.
3- Chuẩn bị xứng đáng để rước lễ
Chúa
Giêsu không chỉ mời gọi chúng ta đến nhà thờ để tham dự thánh lễ nhưng Người
còn mời gọi chúng ta chuẩn bị xứng đáng để rước lễ.
Liên
quan đến vấn đề này, trong văn kiện Bữa
Tiệc Thánh thánh, Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói đến ba hạng người lên rước
lễ:
1)
Hạng người thứ nhất lên rước lễ chỉ vì phong trào, họ sợ người ta nghĩ mình
không đạo đức hay thấy người khác lên, mình cũng lên, nhưng họ không có lòng yêu
mến Thánh Thể. Họ rước lễ cách bất xứng.
2)
Hạng người thứ hai là những người đang mắc tội trọng, nhưng đã đánh mất cảm thức
về tội, không xưng tội, nhưng vẫn lên rước Mình Thánh Chúa. Họ rước lễ cách bất
xứng và thêm tội phạm thánh. Giáo Hội dạy phải xưng tội trọng trước khi lên rước
lễ.
3)
Hạng người thứ ba lên rước lễ với tâm hồn sạch tội và yêu mến Chúa Giêsu Thánh
Thể. Họ đón nhận được muôn vàn phúc lành đến từ Thánh Thể.
Chúng
ta thuộc hạng người nào trong ba hạng người trên? Tôi không có quyền xét đoán
và xếp loại ai, nhưng tôi để cho mỗi người xét mình và tự trả lời.
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, xin ban cho chúng con lòng
yêu mến Chúa và siêng năng tham dự thánh lễ, rước Mình Máu Chúa cách xứng đáng;
đồng thời, xin giúp chúng con luôn ý thức rằng bí tích Thánh Thể là “nguồn mạch và chóp đỉnh” của đời
sống Giáo Hội và mỗi người chúng con. Amen!
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương
No comments:
Post a Comment