Friday, 6 August 2021

Thánh Thể, nguồn mạch sự sống đời đời cho chúng ta

CHÚA NHẬT XIX THƯỜNG NIÊN B 
1V 19,4-8; Ep 4,30-5,2; Ga 6,41-51 

Bí tích Thánh Thể là chóp đỉnh và là nguồn mạch của đời sống Kitô hữu. Vì tầm quan trọng của bí tích này, phụng vụ Lời Chúa tuần này tiếp tục mời gọi chúng ta suy niệm về diễn từ “Bánh hằng sống” trong chương VI của Tin Mừng Gioan. Trong đó, Chúa Giêsu mạc khải về ý nghĩa của Thánh Thể khi nói: “Thật, tôi bảo thật các ông, ai tin thì được sự sống đời đời. Tôi là bánh trường sinh. Tổ tiên các ông đã ăn manna trong sa mạc, nhưng đã chết. Còn bánh này là bánh từ trời xuống, để ai ăn thì khỏi phải chết. Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống” (Ga 6,47-51). 

1- Thánh Thể và sự sống đời đời 

Trong những lời này, Chúa Giêsu nói nhiều về hiệu quả mà Thánh Thể mang lại cho chúng ta đó là sự sống đời đời, hay đúng hơn đó là sự sống của Đấng Phục Sinh được ban nơi bí tích Thánh Thể. Nên chúng ta tìm hiểu về ý nghĩa của lời mạc khải này. 

Khi giải thích đoạn Tin Mừng này, Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI chú giải: thuật ngữ “sự sống đời đời” không mang ý nghĩa như một số người nghĩ, đó là cuộc sống sau cái chết, nó không liên hệ gì đến cuộc sống hiện tại, trong khi cuộc sống hiện tại là chóng qua và không phải là sự sống đời đời. Theo Đức Giáo Hoàng, sự sống đời đời chính là sự sống đích thực, đang được sống trong thời gian hiện tại và sẽ không chấm dứt với cái chết thể lý. Sự sống đó được Đấng Phục Sinh khai mở khi Người sống lại, là sự sống hoàn toàn mới, sự sống trọn vẹn và không bị hủy hoại, đó là một cuộc sống không còn nằm dưới lề luật của cái chết và thay đổi. Sự sống này được thánh Gioan phân biệt bằng hạn từ zôê (sự sống phục sinh), khác với bios (sự sống sinh học, tự nhiên). Sự sống này chỉ do Chúa Kitô mang lại cho chúng ta qua cái chết và sự phục sinh của Người. Giờ đây, Người lập bí tích Thánh Thể và tiếp tục hiến mình cho chúng ta. Người trở thành bánh ban sự sống đời đời cho chúng ta. Nơi Thánh Thể, Chúa Giêsu ban chính sự sống đó cho những ai đón nhận Mình và Máu Thánh Người. Qua bí tích Thánh Thể, chúng ta được tham dự chính sự sống thần linh đó của Đấng Phục Sinh nhờ việc rước lễ. 

Về điều này, người ta tìm thấy nơi tác phẩm của Platon quan niệm về sự bất tử như thế này: con người có thể bất tử nhờ được liên kết với điều bất tử. Càng đón nhận chân lý vào bản thân mình, con người càng được nâng đỡ và được đảm bảo một cuộc sống tràn đầy sau khi chết. Tư tưởng này chuẩn bị cho chúng ta hiểu lời của Đức Giêsu: “Ai ăn thịt tôi và uống máu Tôi, thì được sống muôn đời và tôi sẽ cho người ấy sống lại trong ngày sau hết.” Khi đón nhận Chúa Giêsu nơi bí tích Thánh Thể, chúng ta được tham dự và hội nhập vào sự sống thần linh của Đấng Phục Sinh. Chúng ta tìm được sự sống mà không cái chết nào có thể lấy đi được, nhờ sự gắn bó với Đấng là sự sống, nhờ sự ở lại trong Người và Người ở trong chúng ta. 

Thánh Ignatio thành Antiochia nói rằng: “Chúng ta chia sẻ Bánh, thần dược của sự bất tử, thuốc giải độc chúng ta uống, không phải để chết nhưng để sống muôn đời trong Chúa Kitô”. Như Đức Giêsu đã nói với các môn đệ nơi bàn Tiệc Ly: “Thầy sống, anh em cũng sẽ được sống” (Ga 14,19). Như vậy, Bí tích Thánh Thể, lương thực thần linh mang sự sống đời đời, là sự tiền dự vinh quang Nước Trời ngay tại thế này khi chúng ta rước lễ. 

2- Tham dự tích cực 

Nếu Thánh Thể là trung tâm điểm và là nguồn mạch của đời sống kitô hữu, thì ngày Chúa Nhật là phải ngày cao điểm của chúng ta. Không phải là người Kitô hữu nếu không đến nhà thờ tham dự thánh lễ. Vì thế, Giáo Hội mời gọi mỗi người chúng ta hãy năng tham dự Thánh Lễ và đón nhận Chúa Kitô nơi bí tích Thánh Thể, là nguồn sức mạnh, quà tặng vô giá Thiên Chúa và là sự sống đời đời cho chúng ta trên cuộc hành trình trần thế này. 

Tuy nhiên, chúng ta cũng cần lưu ý rằng, hồng ân Thánh Thể không đến từ một chiều trên xuống. Thiên Chúa muốn và mời gọi chúng ta tham dự và cộng tác tích cực phần mình. Nơi bàn tiệc Thánh Thể, là vòng tròn mở rộng, Chúa luôn dành chỗ cho mỗi người chúng ta vào ngồi để cùng cử hành. Nơi bàn tiệc Thánh Thể, con người có thể cộng tác phần mình vào của lễ được dâng lên, mà bánh và rượu là tượng trưng của hoa màu ruộng đất và lao công con người, chúng ta dâng lên Thiên Chúa để trở thành của ăn, của uống thần linh cho chúng ta. 

Vì thế, sau một ngày sống, hay sau một tuần làm việc, chúng ta hãy mang đến nhà thờ tham dự thánh lễ và hãy đặt trên bàn thờ cùng với bánh và rượu mà linh mục dâng lên, cùng với ngài, chúng ta hãy dâng lên cho Chúa tất cả những cố gắng, khó nhọc, niềm vui và cả nỗi buồn của mình và của gia đình mình; chúng ta tham dự thánh lễ với ý thức đó và cầu xin Thiên Chúa thánh hóa tất cả những công khó và hy sinh này trở thành nguồn ơn cứu độ chính mình và cho anh chị em chúng ta. 

3- Giá trị của rước lễ 

Để kết thúc, xin kể câu chuyện liên quan đến giá trị của việc rước lễ. Trước khi trở lại với Công Giáo, Đức Hồng y Newman là người theo Anh Giáo. Ngài là một chức sắc cao cấp, được trợ cấp hàng năm một ngân khoản rất lớn. Thế mà sau một thời gian lâu dài suy nghĩ, cuối cùng ngài đã quyết định xin trở lại Công Giáo. Ngày nọ, một bạn thân của Newman khuyên: “Bạn phải suy nghĩ cẩn thận, nếu cải giáo, bạn sẽ mất hết số lương bổng hàng năm.” Newman hiên ngang trả lời: “Ngân khoản trợ cấp và bổng lộc là gì, so với một lần tôi được rước lễ?” 

Câu trả lời này cho thấy rằng ngài đã đánh đổi tất cả để trở lại Công Giáo và để được rước lễ trong thánh lễ. Bởi vì, người Anh Giáo chỉ cử hành thánh lễ nhưng không tin Chúa Giêsu hiện diện thực sự trong hình bánh rượu. Còn đối với đức tin người Công Giáo, Chúa Giêsu hiện diện thực sự trong hình bánh rượu khi truyền phép, nhờ quyền năng biến đổi của Chúa Thánh Thần. Vì thế, Thánh Thể là hồng ân lớn lao nhất mà Chúa Giêsu ban tặng cho chúng ta, nơi đó, chúng ta có chính Chúa đang hiện diện và ban sự sống đời đời cho chúng ta. Nếu ai yêu mến thánh lễ và siêng năng rước lễ, thì chắc chắn rằng người đó sẽ lãnh được phần thưởng thiên đàng ngay khi chết. Bởi họ đã được tham dự sự sống đời đời khi còn sống. 

Xin cho chúng ta luôn biết yêu mến Thánh Thể và khao khát đến tham dự thánh lễ mỗi ngày, mỗi tuần, để đón nhận chính Chúa Kitô là nguồn sức mạnh, bình an và sự sống đời đời, để nhờ Thánh Thể, chúng ta có đủ nghị lực để tiếp tục hành trình dương thế và thi hành tốt sứ vụ mà Chúa đã giao phó cho mỗi người chúng ta. Amen! 

Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương

No comments:

Post a Comment