Thánh Giustinô sinh khoảng năm 100 và tử đạo vào năm 165 tại Nablus,
Samaria. Sinh trưởng trong một gia đình ngoại giáo, nhưng Ngài luôn nuôi dưỡng
nhiệt tình tìm kiếm Thiên Chúa chân thật. Với nhiệt tình này, Ngài đã tiếp xúc
với mọi triết thuyết đương thời và không thoả mãn được các đòi hỏi của trí
khôn.
Để đối thoại
với các nhà tư tưởng thuộc Do Thái, Tân Platon và Ngộ Đạo Thuyết cũng như để
bảo vệ niềm tin Kitô Giáo, thánh Giustinô rút ra từ Kinh Thánh Cựu Ước, Tân
Ước, đặc biệt từ một tài liệu được gọi là “Ký ức của các Tông Đồ,” những chứng
tá và những kinh nghiệm về Phép Rửa (x. Apology, 61) và Thánh Thể (x. ib,
65-66). Đồng thời thánh nhân còn tái tìm hiểu và gạn đục khơi trong những ý
tưởng của những triết gia mà ngài đã nghiên cứu để giải thích về mầu nhiệm
Thiên Chúa. Ngài chú tâm suy tư về Chúa Cha và Chúa Con (Logos), nhưng lại ít
chú ý hơn về Chúa Thánh Thần. Ở đây, Giustinô có sự khác biệt so với Athanasiô,
một nhà hộ giáo ở thế kỷ III đã bắt đầu suy tư về Thiên Chúa Ba Ngôi bao gồm cả
Chúa Thánh Thần.
1- Thần tính của Chúa Giêsu
Được thúc
đẩy bởi một đức tin mạnh mẽ, thánh Giustinô nhận thấy thần tính của Chúa Giêsu
được các lời ngôn sứ trong Cựu Ước đề cập đến rồi (First Apology, 30-53). Tuy
nhiên, khi tin nhận và tuyên xưng Chúa Giêsu là Thiên Chúa, thánh Giustinô có
phải hy sinh niềm tin vào một Thiên Chúa duy nhất không? Đây là câu hỏi mà
Giustinô luôn quan tâm. Từ đó, ngài tìm hiểu và trình bày cách sâu sắc câu trả
lời cho vấn nạn này khi cho rằng việc tôn thờ Chúa Kitô không những không chống
lại niềm tin độc thần mà còn là một kế tục của niềm tin này (Diologue, 48-108).
Khi nói về những tên gọi và danh xưng của Thiên Chúa, Giustinô thêm vào một
phẩm tính mà chúng ta không tìm thấy rõ ràng trong Tân Ước, đó là ngài nhấn
mạnh đến phẩm chất “không được sinh ra” và “tự hữu” của Chúa Cha. Theo đó, Chúa
Cha là “nguyên ủy” của mọi sự và Chúa Con hằng hữu của Người thì “được sinh ra”
trước mọi loài thụ tạo và là tác nhân của công trình tạo dựng (x. Ga 1,3; 1 Cr
8,16-17):
“Chúa Cha là
nguồn gốc của tất cả mọi sự, Người không được sinh ra (agenitos). Nên không có danh xưng nào khác phù hợp dành cho Người,
Đấng không được sinh ra. Thật vậy, danh xưng mà Người được khẩn cầu nói lên
rằng Người là hữu thể tự hữu mà chúng ta gọi Người là Cha, Đấng Sáng Tạo, Đức
Chúa và là Chủ mọi sự. Đây không là những danh hiệu, nhưng là những danh xưng
phát xuất ân huệ và hoạt động của Người. Con Người được gọi là Đức Kitô bởi vì
Người được xức dầu, một mình Người được gọi là Chúa Con, Ngôi Lời -Logos, Đấng
ở cùng Thiên Chúa và được sinh ra trước mọi loài thụ tạo, lúc khởi đầu Thiên
Chúa đã sáng tạo và xếp đặt mọi sự nhờ Người.”[1]
Thành ngữ
“Ngôi Lời ở cùng Thiên Chúa” có âm hưởng của Gioan 1,1, còn việc tạo thành mọi
sự “nhờ Người” có âm hưởng của Gioan 1,3; mục đích của ngài là muốn nói rằng
chỉ có Chúa Con mới được gọi là Con và ai tin vào Người sẽ trở thành “con cái”
Thiên Chúa (x. Ga 1,12-13). Ở đây, chúng ta thấy lý do tại sao thánh Giustinô
gọi Thiên Chúa là Cha của mọi loài hay là Đấng Sáng Tạo (ho Theos như là cách thức thường dùng của Phaolô và Gioan).
Cũng trong
phần này của tác phẩm Secondo Apology,
Giustinô trình bày hai tước hiệu Kitô học “từ trên xuống,” đó là tước hiệu Con,
Ngôi Lời, và thêm một tước hiệu khác “từ dưới lên” là Đức Kitô. Trong một đoạn
khác, ngài giải thích về tước hiệu Con
và Ngôi Lời như sau:
“Tự nơi
chính mình Thiên Chúa sinh ra một Đấng Quyền Năng thượng trí trước khi khởi đầu
mọi loài thụ tạo khác. Chúa Thánh Thần làm chứng về Đấng Quyền Năng này qua
những tước hiệu khác nhau như: Vinh Quang của Thiên Chúa, là Con, hoặc là sự
Khôn Ngoan, là Thiên Thần, hoặc là Thiên Chúa, là Đức Chúa, hay là Ngôi Lời.”[2]
Việc
Giustinô nói đến “một Sức Mạnh thượng trí nào đó” và “sự Khôn Ngoan” làm chúng
ta nhớ lại ngôn ngữ của Phaolô nói về Chúa Giêsu chính là “Sức Mạnh và sự Khôn
Ngoan của Thiên Chúa” (1 Cr 1,24). Kinh Thánh cũng gọi Thiên Chúa (Chúa Cha)
như là “Sức Mạnh” (x. Mc 14,62). “Vinh Quang của Thiên Chúa” gợi lên sự hiện
diện thần linh (Shekinah) được Cựu Ước nói đến rất nhiều (x. Xh 40,34-38) và có
liên hệ với ngôn ngữ của các tác giả Tân Ước như Gioan (x. Ga 1,14;2,11) và
Phaolô (x. 2 Cr 4,6; Hr 1,3) khi họ nói về “Vinh Quang” của Chúa Kitô. Giustinô
là nhà hộ giáo đầu tiên can đảm đồng hóa Chúa Giêsu với sự Khôn Ngoan thần linh
trong sách Châm Ngôn 8,22.[3]
Thánh nhân
cũng gán cho Chúa Giêsu một tước hiệu mà Tân Ước không bao giờ đề cập đến, đó
là Thiên Thần. Trong Thiên Thần Học lúc bấy giờ, một số tác giả Tân Ước (x. Hr
1,5-14) đã quả quyết rằng Chúa Kitô trổi vượt hơn các thiên thần. Tuy nhiên,
trong thế kỷ thứ II, Giustinô cho rằng theo truyền thống Cựu Ước, hạn từ “Thiên
Thần của Đức Chúa” có thể được dùng để thay thế cho từ YHWH hoặc Đức Chúa (x.
St 31,11,13; Xh 3,2,4-5). Trong danh
sách của Giustinô, Thiên Thần là một tước hiệu thần linh được đặt trước bốn
tước hiệu khác (Sức Mạnh, Vinh Quang Đức Chúa, Con, và Khôn Ngoan) và theo sau
bởi ba tước hiệu cao cả khác là (Thiên Chúa, Đức Chúa, Lời). Chúng ta sẽ tìm
hiểu cách vắn tắt việc Giustinô đánh giá tước hiệu Thiên Thần như thế nào để bảo
vệ tính siêu việt vô hình của Chúa Cha và diễn tả vai trò trung gian của Chúa
Giêsu.
Khác với các
tước hiệu cao cả khác mà Giustinô áp dụng cho Chúa Giêsu (như Con, Đức Chúa,
Lời, Khôn Ngoan, và Thiên Chúa), quan điểm của Giustinô về Thiên Thần không có
nền tảng chắc chắn để tiếp tục tồn tại (giống như khi gọi Chúa Giêsu là Sứ giả
trong thư Hípri 3,1, theo các nhà chú giải tác giả thư này có sự lẫn lộn nào
đó).
Giustinô
nhìn nhận thần tính của Chúa Con hoặc của Ngôi Lời. Điều này thúc đẩy việc suy
tư về tương quan giữa Chúa Cha và Chúa Con. Khi giải thích việc sinh ra của
Ngôi Lời, Giustinô so sánh như mặt trời phát ra những ánh sáng hoặc như một
ngọn lửa nhen lên những ngọn lửa khác. Chỉ những loại suy này mới có thể diễn
tả “việc sinh hạ Chúa Con không giống như một cắt xén, nên bản thể (ousia) của
Chúa Cha bị phân chia.”[4]
Từ đó,
Giustinô thấy trước vấn nạn được tranh luận trong thế kỷ IV, đó là “sự đồng bản
thể” (hoặc thuộc một bản thể) của Chúa Cha và Chúa Con (hay Ngôi Lời), trong đó
các Ngôi Vị chia sẻ cùng yếu tính hay cùng ousia. Cũng vào thời đó, nhờ
Tertullianô, hình ảnh của Giustinô về Ánh Sáng từ Ánh Sáng đã được sử dụng lại
trong tín biểu Nixêa.[5]
Khi sử dụng ngôn ngữ về mặt trời phát sinh những tia sáng và lửa nhen lên những
ngọn lửa khác, phải chăng Giustinô bị ảnh hưởng bởi ý tưởng của Ngộ Đạo Thuyết
(như Tertullianô sau này) khi cho rằng không có gì được coi là đích thật trừ
khi nó ở trong sự nhận thức con người? Những lối so sánh này từ mặt trời và lửa
cũng tạo nên vấn nạn: phải chăng sản phẩm ở cùng trật tự hay thấp hơn so với
nguồn gốc nó phát xuất? Trong mọi trường hợp, thánh Athanasiô (+373) nhận thấy
nơi mặt trời và tia sáng mặt trời một hình ảnh rất được ưu thích để nói về việc
Chúa Con sinh ra từ đời đời, trong khi chính Kinh Thánh từ xưa đã áp dụng cho
Thiên Chúa những sự so sánh với mặt trời và lửa rồi (x. Xh 24,17; Hr 12,29).
Ngoài việc
đồng hóa Chúa Con với Khôn Ngoan trong Châm Ngôn 8,22, một lối ẩn dụ Ánh Sáng
từ Ánh Sáng và việc sinh ra đời đời từ bản thể thần linh (ousia), Giustinô cũng
là tác giả Kitô Giáo đầu tiên khám phá ý nghĩa Ba Ngôi (hoặc hai ngôi) trong
sách Sáng Thế: “Thiên Chúa (Elohim) phán: “Chúng ta hãy làm ra
con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta, để con người làm bá chủ
cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới
đất” (St 1,26).
Các tư tưởng
gia Do Thái trước Giustinô đã đưa ra thảo luận số nhiều (Elohim) được dùng ở
đây để nói về Thiên Chúa trong Kinh Thánh. Đối với Giustinô, cụm từ “chúng ta
hãy làm” ít nhất gợi lên hai Ngôi Vị thần linh: trước khi tạo thành, Chúa Con
nói với Chúa Cha như thế (Dialogue, 62; 129). Tuy nhiên, điều mà chúng ta bắt
gặp trong sáng Thế Ký 1,26 là số nhiều về sức mạnh trong từ Elohim và về sự bàn
định trong cụm từ “chúng ta hãy làm,” một hình thức số nhiều nói về sự bàn định
và quyết định khi ai đó cân nhắc điều gì hoặc cam kết nhưng là một sự độc
thoại. Số nhiều ở đây cũng có thể quy chiếu về những hữu thể ở trên
trời nhưng không phải là Thiên Chúa, là những triều thần thánh của Thiên Chúa:
“Vị khách ở trên trời” trong 1 Các Vua 22,19 hoặc “con cái Thiên Chúa” trong
Gióp 1,6.
Trong tác
phẩm của mình, Giustinô đề cập nhiều hơn về “vị Thiên Chúa khác ngoài Đấng Tạo
Hóa” (Dialogue, 50), Đấng “phân biệt trong số lượng chứ không phải trong tâm
trí” (Ibid, 56). Quả thế, việc nói về Chúa Con như là “Thiên Chúa khác/thứ
hai,” như Origine cũng đã làm (Dialogue with Heracleides) 2.3), có thể kết liễu
niềm tin Độc Thần Thuyết (vì loại suy theo kiểu nhiều thần: thần thứ nhất, thần
thứ hai hoặc thần thứ ba) hoặc có thể rơi vào thứ Hạ Phục Thuyết không thể nào
chấp nhận, theo đó, Chúa Con không sở hữu thần tính đích thực của Chúa Cha và
là Thiên Chúa thứ hai. Tuy nhiên, khi chia sẻ cùng một lý trí, đến mức mà lý
trí đó vốn có những đặc tính chính yếu của Thiên Chúa, thì một cách cần thiết
nó phải dẫn tới việc chia sẻ cùng thần tính với Thiên Chúa. Giustinô không phân
biệt nơi Thiên Chúa có lý trí và ước muốn. Điều này có lẽ một sự gợi ý trước
cho những suy tư sau này về bản tính thần linh, hoặc physis (lý trí thần linh
và ý muốn). Sau này, Origene, các giáo phụ Cappadoci, thánh Augustinô, thánh
Tôma Aquinô, và những vị khác đã phát triển suy tư về sự phân biệt này nơi
Thiên Chúa.
Về sau, các
giáo phụ và các nhà thần học đón nhận ngôn ngữ của Giustinô và suy tư nhiều hơn
về tính duy nhất của lý trí thần linh được Ba Ngôi Vị Thiên Chúa chia sẻ. Điều
này gợi lên cho chúng ta một thách đố: Chúng ta có thể phân biệt những cách
thức của Ba Ngôi Vị dựa trên nền tảng của sự hiểu biết không? Ba Ngôi Vị chia
sẻ cùng một lý trí thần linh như thế có nghĩa là không có chỗ để phân biệt sự
hiểu biết của mỗi Ngôi Vị chăng?
2- Thần học về Ba Ngôi
Trong First Apology, Giustinô đã đưa vào quan
niệm về Con Thiên Chúa là Ngôi Vị “thứ hai” và thêm vào một quy chiếu về Chúa
Thánh Thần như là Ngôi Vị “thứ ba”:
“Chúng tôi
tôn thờ Đấng Tạo Thành vũ trụ... với lời cầu nguyện và tạ ơn... Chúng tôi dâng
lời tạ ơn của chúng tôi lên Người bằng lời nói, những nghi lễ long trọng và
những bài thánh thi... Người là Chúa, Đấng dạy chúng tôi thi hành việc tôn thờ
này và là Đấng được sinh ra vì mục đích này, Người đã chịu đóng đinh dưới thời
Phongxiô Philatô... Chúng tôi tin chắc rằng Người là Con Thiên Chúa thật và
Người nắm giữ vị trí thứ hai trong trật tự cùng với Thánh Thần của các ngôn sứ
ở vị trí thứ ba. Tôi sẽ chứng minh điều mà chúng tôi tôn thờ là hữu lý.”[6]
Qua cách
diễn tả này của Giustinô, ý nghĩa về sự lệ thuộc (vị trí thứ hai và vị trí thứ
ba) có thể đưa đến nguy cơ đánh mất sự ngang hàng trong sự hiệp nhất giữa Ba
Ngôi Vị Thiên Chúa. Tuy nhiên, thật đáng tiếc là phụng tự Kitô Giáo thiếu vắng
tóm lược về niềm tin Ba Ngôi theo cái nhìn của Giustinô. Theo ngài, Đấng Tạo
Thành hay Chúa Cha được tôn thờ trong phụng vụ như Con Thiên Chúa đã dạy trong diễn từ tại Bữa Tiệc Ly. Việc gọi Chúa
Thánh Thần là Thánh Thần của các ngôn sứ muốn nói đến Kinh Thánh được linh hứng
mà từ đó thánh Giustinô xây dựng nền thần học về Ba Ngôi. Ngài cũng làm như thế
khi nói đến những cách thức suy tư hoặc triết lý. Một số đoạn gợi lại những
phương pháp mà Giustinô đã theo đuổi và truyền lại cho những thế hệ kế tục
ngài: bối cảnh tạ ơn và ơn cứu độ được kinh nghiệm trong khi thờ phượng, việc
tuyên xưng Thiên Chúa Ba Ngôi được diễn tả trong quá trình phát triển tín biểu,
dựa trên những chứng tá chắc chắn của Kinh Thánh và những đòi hỏi của tư duy có
lý lẽ vững chắc. Chẳng hạn ngài nói về Chúa Cha là “Đấng Tạo Hóa của vũ trụ,” “Chúa Con là Con của Thiên Chúa thật,”
là Đức Chúa được sinh ra, chịu đóng đinh dưới thời Phongxiô Philatô” và “Chúa
Thánh Thần của các ngôn sứ.”
Trước khi
kết thúc việc tìm hiểu những trích đoạn từ First
Apology, chúng ta hãy lưu ý rằng Giustinô (sau này cả Irênê và Tertullianô
nũa) đã không luôn phân biệt cách rõ ràng giữa Thần Khí với Ngôi Lời nhập thể.[7]
Điều này được J.N.D Kelly làm chứng rất rõ ràng.[8]
Theo quan
điểm của Kelly, chúng ta có thể thêm vào sự kiện là Cựu Ước nhiều lúc đã dùng
Logos của Thiên Chúa và Thần Khí như là sự so sánh và nhân cách hóa thay thế
lẫn nhau để nói về hoạt động Thiên Chúa; sự song đối này có lẽ đã thôi thúc
Giustinô và những nhà thần học khác nhận biết rằng Kinh Thánh chứa đựng những
lối đồng hóa này. Điều chắc chắn là giáo huấn về thần tính của Chúa Thánh Thần
và căn tính riêng của Người (đối với Cha và Con) được làm sáng tỏ và được xác
định từ thế kỷ IV trong Công Đồng Constantinople I (381). Thật vậy, trong suy
tư của mình, thánh Giustinô đã đưa vào trong giáo huấn của mình sự phân biệt
thần linh của Thánh Thần khi cho rằng ngay từ đầu, người Kitô hữu đã tôn kính
Chúa Thánh Thần.[9]
3- Các sứ vụ của Ba Ngôi
Trong cuốn First Apology, Giustinô nói đến nguồn
gốc của Hai Ngôi: Chúa Con được sinh ra, chịu đóng đinh” và “Thánh Thần của
ngôn sứ.” Với quy chiếu này, chúng ta đề cập đến sứ vụ của Chúa Con và Chúa
Thánh Thần trong lịch sử cứu độ. Giustinô sử dụng sự nhấn mạnh của phái Tân
Platon để áp dụng cho Thiên Chúa Cha như tính siêu việt tuyệt đối, tính vô
hình, và bất khả thấu của Thiên Chúa và giáo huấn về Logos Spermatikos, hay là
“mầm chân lý, mầm logos” mà phái Ngộ Đạo thuyết có cùng quan điểm với ngài và
tư tưởng này có liên hệ với tư tưởng của Philo về nguyên lý của lý tính tiềm
tàng và liên kết trong vũ trụ và lịch sử. Giustinô phát triển chủ đề của Gioan
về sự tiền hữu của Ngôi Lời như là trung gian hoàn vũ của công trình tạo thành
và mạc khải.
“Mầm chân
lý” được gieo rắc khắp mọi nơi[10]
và ít ra nó được gieo trong mỗi con người.[11]
Tùy theo những cách thức khác nhau, toàn thể nhân loại đều tham dự vào Logos.[12]
Nhiều người sống chỉ “nhờ một mảnh của Logos nào đó;”[13]
còn các Kitô hữu thì sống “theo sự hiểu biết và chiêm ngắm Logos toàn thể, là
Đức Kitô.”[14]
Giustinô áp dụng tính trung gian hoàn vũ của Ngôi Lời đối với lịch sử người Hy
Lạp; ngài chú giải triết học và văn hóa Hy Lạp như là sự dẫn nhập hay sự chuẩn
bị cho Chúa Kitô và Kitô giáo:
“Giáo huấn
của Platon không trái nghịch với giáo huấn của Chúa Kitô, tuy nhiên, chúng
không hoàn toàn giống với giáo huấn Chúa Kitô; nó giống với những giáo huấn của
những người khác như Ngộ Đạo thuyết, các nhà thơ và các tác giả khác. Nhờ được
chia sẻ với Logos thần linh phong phú, nên mỗi người nói hay nhận thấy điều này
phù hợp với khả năng của họ... bất cứ điều gì được nói ra một cách đúng đắn bởi
bất cứ ai thì thuộc về chúng ta, những Kitô hữu; để chúng ta tôn thờ, yêu mến
và đến gần Thiên Chúa, Logos xuất phát từ Thiên Chúa, Đấng không được sinh ra
và không thể diễn tả... Nhờ mầm của Logos được gieo trong họ, tất cả các tác
giả này có thể nhìn thấy thực tại cách lờ mờ. Vì đó là mầm chân lý phát xuất từ
Chân Lý và họ mô phỏng nó theo khả năng của họ; còn điều tự thân thì khác xa,
nó ban tặng và lan tỏa nhờ sự tự hiến chính mình.”[15]
Để đạt tới
sự hiểu biết “nhờ sự tự hiến chính mình” của Ngôi Lời nhập thể, “Đấng đến từ
Thiên Chúa không được sinh ra và không thể diễn tả,” Giustinô và các tư tưởng
gia Kitô giáo không phủ nhận sự hiện diện và tác động của Ngôi Lời trong đời
sống và tư tưởng của Platon, Ngộ Đạo thuyết, các nhà thơ và nhà văn. Đây là sự
tác động làm cho những giáo huấn của họ cách nào đó nên giống với giáo huấn
Chúa Kitô.
Sau này,
Origene có nói điều gì đó tương tự với tư tưởng của Giustinô, nhưng ngài diễn
tả theo một cách thức khác về tia sáng thần linh (divine rays) là trung gian
bởi Ánh Sáng, không bị giới hạn ở bất cứ nơi nào, nhưng được tìm thấy cách viên
mãn nơi con người Chúa Giêsu:
“Sẽ không
đúng khi cho rằng những tia sáng (của Thiên Chúa) chỉ có ở trong Con Người này
(Chúa Giêsu )... hay cho rằng Ánh Sáng là Ngôi Lời Thần Linh, nguyên nhân của
những tia sáng này, không hiện diện ở những nơi khác nữa... Chúng ta phải thận
trọng không tạo nên những chống đối với bất kỳ giáo huấn tốt lành nào, kể cả
những tác giả ở ngoài niềm tin.”[16]
Vào thế kỷ
IV, Athanasiô thành Alexandria đã tranh luận về điều này, theo ngài, vì con
người “có lý trí – logikoi,” tất cả
mọi người cách nào đó đều tham dự vào Ngôi Lời/Lời; họ có trong mình ít nhất “một
số dấu vết của Lời.”[17]
Hơn bao giờ
hết, vài trò mạc khải và cứu độ của Ngôi Lời/Chúa Con và của Chúa Thánh Thần
trong cuộc đời của những người không phải là kitô hữu là một chủ đề rất sống
động đáng suy tư.[18]
Ở đây, chúng ta chỉ tìm hiểu cái nhìn bao hàm (inclusive) của Giustinô và của
những tác giả khác: Theo họ, mọi người chia sẻ trong Ngôi Lời, sở hữu những
nguồn mạch hiểu biết hoặc những ngôn từ nội tâm hơn là những gì được diễn tả,
những ngôn từ được nói ra. Như Giustinô đặt vấn đề: “Chúa Kitô là Người đầu
tiên được sinh ra bởi Thiên Chúa, và... Người là Ngôi Lời mà mọi người chia sẻ.
Những ai sống theo lý trí là những Kitô hữu, dẫu họ được xếp như là những người
vô thần: chẳng hạn như những triết gia Hy Lạp, Socrates và Heracletus.”[19]
Trước triết
gia Socrates, có lẽ người quan trọng nhất là Heracletus (d. 475 BC).
Với định nghĩa nổi tiếng “không ai tắm hai lần trong một dòng sông,” ông cho
rằng mọi sự luôn ở trong một tình trạng của dòng chảy vĩnh hằng. Giustinô có
thể tự cho mình như là người tôn Socrates lên, giống với Platon, khi bàn về thế
giới của những ý tưởng không thay đổi. Cả hai khuynh hướng triết học,
Heracletus và Socrates, đã cùng chia sẻ trong cùng một Ngôi Lời thần linh.
Niềm tin của
Giustinô vào Chúa Kitô như là “Trưởng Tử của Thiên Chúa” là nguyên lý nền tảng
chú giải cho việc giải thích lịch sử cứu độ của nhân loại nói chung và cả lịch
sử Cựu Ước nói riêng. Vì Ngôi Lời tiền hữu, Chúa Con có trước khi tạo thành và
là trung gian tạo thành, Người gieo mầm chân lý khắp mọi nơi. Như là Thiên
Thần, Người là Đấng đến gặp gỡ Abraham, Giacóp, Môsê và những người khác trong
những cuộc thần hiện của Cựu Ước.[20]
Ví dụ, nơi bụi gai bốc cháy, Người nói với Môsê.[21]
Bởi vì “Đấng tạo thành mọi sự” hoàn toàn siêu việt và không thể diễn tả, “Tác
Giả và Cha của mọi sự” không bao giờ xuất hiện với một ai và không bao giờ phán
dạy trong một con người nào.” Đó là vị Thiên Chúa và Đức Chúa khác với “Đấng
tạo thành mọi sự,” Đấng đã phán với các tổ phụ trong Cựu Ước và những người
khác về ý định của Thiên Chúa.”[22]
Trong ánh sáng của những lời mà Chúa Cha phán nơi Phép Rửa và Biến Hình của
Chúa Giêsu, cũng như theo truyền thống Tin Mừng Nhất Lãm, Giustinô là người đầu
tiên muốn khẳng định rằng “Thiên Chúa Cha mọi loài” không bao giờ nói trong một
con người.”
Với sự nhiệt
thành muốn bảo vệ tính siêu việt tuyệt đối của “Tác Giả và Cha mọi loài” là
Đấng vượt trên mọi danh hiệu và mọi sự mô tả, Giustinô đã phát triển chủ đề về
vai trò trung gian của Chúa Con là Đấng “khác” hoặc “Thiên Chúa thứ hai.” Với
tư cách là Ngôi Lời, trung gian và hiện diện trong mọi thụ tạo, như là Thiên
Thần, Chúa Con mạc khải ý định thần linh trong các cuộc thần hiện của Cựu Ước;
sau này trong Tân Ước, đó là cuộc thần hiện của Ngôi Lời (Logophanies). Chúng
ta cần lưu ý rằng trong những thế kỷ đầu và thế kỷ tiếp theo, quan niệm của
phái Tân Platon về những trung gian đã được phổ biến rộng rãi khắp nơi. Đây
giai đoạn tạo nên lạc giáo Hạ Phục Thuyết của Arius về Ngôi Lời. Tuy nhiên,
quan niệm mang tính hạ phục thuyết của Giustinô không dẫn ngài tới lệch lạch
như Arius và phủ nhận thần tính đích thực của Ngôi Lời.
Các nhà tư
tưởng khác trong những thế kỷ sau đã xác tín về sự đau khổ của Chúa Con nên họ
đã đi đến phủ nhận thần tính đích thực của Người. Ở đây, Giustinô không đồng ý
với những triết gia Hy Lạp khi họ nhấn mạnh rằng tính bất biến vĩnh cửu của
Thiên Chúa không cho phép họ nói về việc nhật thể và cái chết của một Ngôi Vị
thần linh. Không chỉ nói với người Do Thái, Trypho đã thách thức niềm tin của Giustinô
về nhập thể: “Ông đang cố gắng minh chứng điều không thể tin và không thể có
trong thực tế: nghĩa là Thiên Chúa dự định được sinh ra và trở thành con
người.”[23]
Vấn nạn này vẫn còn tồn tại đến hôm nay: Con Thiên Chúa làm sao có thể đi vào
trong lịch sử nhân loại trong khi vẫn còn là Thiên Chúa? Những người ngoại giáo
có hiểu biết cảm thấy bị xúc phạm về niềm tin của Giustinô khi ngài nói rằng
Đức Kitô chịu đóng đinh như là “Thiên Chúa thứ hai.” Giustinô thêm rằng: “Họ tố
cáo chúng ta là điên rồ, khi cho rằng chúng ta đã gán cho Con Người chịu đóng
đinh một vị trí thứ hai trong Thiên Chúa hằng hữu và bất biến, Đấng Tạo Thành
mọi sự.”[24]
Làm sao có
thể quan niệm một vị Thiên Chúa là Đấng bất thụ cảm, bất biến và hằng hữu lại có thể trở thành một Đấng bị biến đổi khi liên hệ với những biến cố trong thời
gian và không gian? Làm sao có thể hiểu được việc Người trở thành đối tượng của
đau khổ và phải chết nơi thập giá được?
4- Tuyên xưng niềm tin Ba Ngôi
Trong những
trước tác của mình, Giustinô diễn tả cách hùng hồn lời tuyên xưng Ba Ngôi và
tuyên xưng đức tin vào “Thiên Chúa thật” cũng được gọi là Cha và Đấng làm nên
mọi sự, Chúa Con, và Chúa Thánh Thần. Trong tác phẩm Firt Apology, Giustinô
viết:
“Chúng tôi
tôn kính và tôn thờ Chúa Cha (Thiên Chúa thật), Chúa Con, Đấng đến từ Người và
đã dạy chúng tôi những điều này… và Thần Khí của các tiên tri.”[25]
Sau này
trong chính tác phẩm này, ngài nói về “Cha của vũ trụ,” “Con Người” và “Chúa
Thánh Thần.”[26]
Một số từ ngữ này được lấy từ những lời cầu nguyện trong Kinh Nguyện Thánh Thể.
Ngoài ra, nghi thức Phép Rửa cung cấp công thức Ba Ngôi cho những trích đoạn
khác trong First Apology. Giustinô diễn tả cho những độc giả ngoại giáo hiểu
điều xảy ra khi người Kitô hữu được rửa tội: “Nhân danh Thiên Chúa là Cha và
chủ tể mọi loài, nhân danh Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ chúng tôi và nhân danh
Chúa Thánh Thần, họ được tẩy rửa trong nước.”[27]
Sau đó, Giustinô mô tả phép rửa cách đầy đủ hơn:
“Để được ơn
tha thứ những lỗi lầm quá khứ, khi dìm mình trong nước, người ta kêu cầu cho
những người muốn tái sinh và những ai sám hối tội lỗi mình, nhân danh Thiên
Chúa là Cha và Chúa tể vũ trụ. Việc kêu cầu này được thực hiện do những người
dẫn người rửa tội đến giếng thanh tẩy… Việc dìm mình này gọi là sự Soi Sáng, vì
tâm trí của những tân tòng sẽ được tràn đầy ánh sáng. Và người được soi sáng
cũng được thánh tẩy nhân danh Đức Giêsu Kitô, Đấng chịu đóng đinh dưới thời
quan Phongxiô Philatô và nhân danh Chúa Thánh Thần, Đấng nhờ các tiên tri mà
loan báo trước những gì liên quan đến Đức Giêsu.”[28]
Rõ ràng trước Giustinô lời tuyên xưng Ba Ngôi theo trật tự của Mátthêu (Cha,
Con, Thánh Thần đã được thực hành trong nghi thức Phép Rửa.
Giustinô có
sự đóng góp giá trị và khởi đầu cho giáo huấn Ba Ngôi. Ngài suy tư về Thiên
Chúa trong ánh sáng của kinh nghiệm được chia sẻ bởi các Kitô hữu (nhất là kinh
nghiệm trong phụng vụ). Ngài cũng suy tư về Kinh Thánh được linh hứng (lúc mà
Quy Điển chưa được thiết lập) và về những đòi hỏi của tư duy triết học. Ngài
muốn bảo vệ tính siêu việt bất khả diễn tả của Chúa Cha, Đấng sáng tạo mọi sự.
Nhưng cách diễn tả của ngài dẫn tới một khuynh hướng hạ phục nào đó của Chúa
Con và Chúa Thánh Thần, trong phạm vi được suy tư. Đồng thời, Giustinô cho rằng
Chúa Con khi chia sẻ một bản thể (ousia) và một lý trí với Thiên Chúa, Người đã/đang
là Thiên Chúa đích thực. Giustinô trình bày về Chúa Con như là Logos, Đấng sáng
tạo, xếp đặt, và tác động lên toàn thể vũ trụ. Lối trình bày này cho phép chúng
ta có một cái nhìn tích cực về tình trạng tôn giáo của những người không phải
là kitô hữu. Dầu không nói nhiều về “Thiên Chúa chịu đóng đinh (Con),” Giustinô
ủng hộ tính bao gồm thực sự của Thiên Chúa trong lịch sử và đau khổ của nhân
loại. Ngài tin rằng Thiên Chúa Ba Ngôi được mạc khải trong Chúa Giêsu Kitô.
Điều này cho phép ngài không chỉ tranh luận với người Do Thái và những người
lương dân có học thức nhưng còn giúp cho các Kitô hữu ở Rôma đứng vững để chấp
nhận tử vì đạo. Một cách văn chương, niềm tin Ba Ngôi của Giustinô là vấn đề
sống còn.
Kết luận
Có thể kết
luận rằng tầm nhìn và tư tưởng của Giustinô cách chúng ta gần 20 thế kỷ, nhưng
đến hôm nay vẫn còn giá trị và mang tính thời sự. Ngài là người dọn đường từ
rất xa cho Công Đồng Vatican II, nghĩa là tư tưởng của ngài giúp Giáo Hội vượt
ra khỏi ranh giới hữu hình của mình để nhìn thấy hoạt động của Thiên Chúa, cụ thể là
vai trò của Ngôi Lời và của Thần Khí
trong vũ trụ, nơi mỗi con người, trong các tôn giáo và các nền văn hóa của các
dân tộc trên thế giới, nhờ đó, nhận ra những giá trị, vẻ đẹp và những nguồn
chân lý đáng cho chúng ta phải học hỏi, trân trọng và sử dụng như là những
phương tiện, những con đường dẫn con người tới sự thật toàn vẹn là Đức Kitô.
Tầm nhìn đó, thái độ đó, tư tưởng đó phải là tầm nhìn, tư tưởng và thái độ của
người rao giảng, của linh mục trong thời đại phẳng hôm nay.
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương
[1]
Giustinô, Second Apology, 5.
[2] Id., Dialogue, 61. x. First Apology, 12.
[3] x. First
Apology, 23; Dialogue, 129.
[4]
Dialogue, 128.
[5] DH 125;
ND 7.
[6]
Giustinô, First Apology,
13.
[7] Id., 33.
[8] X. J.N.D Kelly, Early
Christian Creeds, 3d ed. Longman, London 1992, 148.
[9]
Giustinô, First Apology, 6.
[10]
Giustinô, Second
Apology, 8.
[11] Ibid.,
10.
[12]
Giustinô, First Apology,
46.
[13]
Giustinô, Second
Apology, 8.
[14] Ivi.
[15]
Giustinô, Second
Apology, 13.
[16] Origene, Contra Celsum, 7,17).
[17] Athanasiô, De
Incarnatione Verbi, 3.3; xem 5,1; 6,4.
[18] x.
[19]
Giustinô, First Apology,
46.
[20]
Giustinô, Dialogue, 75.
[21]
Giustinô, First Apology,
46.
[22]
Giustinô, Dialogue, 56.
[23] Id.,
68.
[24]
Giustinô, First Apology,
13.
[25] Ivi, 6.
[26] Iv.,
65, 67.
[27]
Giustinô, First Apology,
61.
[28]
Giustinô, First Apology,
61.
No comments:
Post a Comment