Tuesday 10 September 2019

Được gọi để được sai đi


Thứ Ba Chúa Nhật XXIII
Lc 6,12-19
Xin gợi với anh em một số điểm để suy niệm từ Lời Chúa hôm nay:
1. Trước hết, Chúa Giêsu cầu nguyện suốt đêm với Chúa Cha trước khi chọn 12 Tông Đồ. Sự kiện này mang một ý nghĩa thần học sâu xa: ơn gọi của họ và của chúng ta phát xuất và cắm rễ sâu trong cuộc đối thoại của Chúa Con với Chúa Cha. Tiên vàn, ơn gọi là ơn huệ nhưng không đến từ Chúa Cha (x. Mt 9,38). Người ta không thể tự mình trở thành môn đệ được, nhưng phải được Chúa chọn. Ơn gọi linh mục cũng thế, là ân huệ nhưng không đến từ Thiên Chúa, hơn là một phận vụ hay chức vụ, nên chúng ta phải cầu nguyện để được gọi và chọn, để rồi đáp trả với xác tín được chọn vì được yêu!

2. Thứ đến, chúng ta suy nghĩ đến “Nhóm Mười Hai”: Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI chú giải: “Con số 12 là con số biểu trưng các chi tộc của Ítraen, là dấu chỉ hy vọng: toàn dân Ítraen sẽ được tái lập cách mới mẻ. Con số 12 cũng là con số vũ trụ, biểu trưng đặc tính phổ quát của Dân Thiên Chúa sắp được tái sinh. Nhóm 12 được trình diện như các tổ phụ của dân phổ quát này, được thiết lập trên nền tảng các Tông Đồ."
Trong Nhóm 12, tính tình, cách sống, ước vọng, trình độ, gốc gác của mỗi người rất khác nhau. Một Phêrô chất phác đến bồng bột yếu đuối, một Gioan trẻ trung, thông minh và tế nhị; một Giacôbê nhiệt thành, tham vọng đến bốc đồng, một Giuđa tham lam đến mù lòa mê muội… Nhưng Chúa Giêsu vẫn chọn họ và vẫn tôn trọng sự khác biệt đó. Chúa chỉ đòi buộc hai điều: “Để các ông ở với Người và để Người sai các ông đi.” Từ Tông Đồ trong tiếng Hy Lạp là Apostoloi có nghĩa là những người được chọn và được sai đi. Họ phải ở với Chúa, để hiểu biết Người, để được Người huấn luyện nên môn đệ đích thực, mới có khả năng làm chứng cho Người. Như thế, cùng sống và được sai đi xem ra nghịch lý nhưng thật sự lệ thuộc vào nhau. Họ phải học để sống với Người và ở bên Người để có thể được sai đi khắp nơi. Môn đệ tính và tông đồ tính là năng động kép của một ơn gọi. Điều này nói với chúng ta hôm nay rằng: mỗi người chúng ta rất khác nhau về tính tình, nguồn gốc và khả năng, nhưng được Chúa chọn để trở thành linh mục, nếu chúng ta muốn trở thành rao giảng, trước hết chúng ta phải ở lại với Người, có kinh nghiệm về Người, và để cho Người huấn luyện. Như thánh Phaolô nói ở bài đọc I: “Anh em hãy kết hợp với Người. Anh em hãy bén rễ sâu và xây dựng đời mình trên nền tảng là Đức Kitô Giêsu” (Cl 2,6-7). Thời gian đào tạo ở Chủng Viện là thời gian để làm môn đệ đích thực trước khi là người loan báo và được sai đi.
3. Cuối cùng, trong số Nhóm 12, có 11 vị Tông Đồ nhiệt thành, tuyệt vời, nhưng lại có 1 người đã trở thành kẻ phản bội, đó là Giuđa Ítcariốt. Dẫu Chúa đã cầu nguyện suốt đêm, dẫu Chúa đã chọn cẩn thận, dẫu Chúa đã huấn luyện kỹ càng cá vị suốt 3 năm, nhưng vẫn có một người phản bội, hư hỏng. Đó là mầu nhiệm tự do con người! Mầu nhiệm sự dữ! Sự kiện này làm cho chúng ta phải giật mình với thông kê: 12 người có 1 người phản bội, hư hỏng nơi trường đào tạo của Chúa, có thể thấy bóng dáng mình ở trong đó chăng? Ơn Chúa thì dư tràn, môi trường giống nhau, nhưng nên thánh hay nên quỷ là do trách nhiệm mỗi người. Nên chúng ta hãy luôn cảnh giác với bản thân, đừng làm cho ơn Chúa trở nên vô ích. Đừng vì những lợi lộc thấp hèn mà phụ lòng Thầy Chí Thánh!

No comments:

Post a Comment