Friday, 25 September 2020

Ngôn hành bất nhất

CHÚA NHẬT XXVI THƯỜNG NIÊN
Ed 18,25-28; Pl 2,1-11; Mt 21,28-32
Tin Mừng của Chúa Nhật này một lần nữa tiếp tục nói với chúng ta qua dụ ngôn. Chúa Giêsu nói với các thượng tế và kỳ mục trong dân rằng: “Các ông nghĩ sao? Một người kia có hai con trai. Ông ta đến nói với người thứ nhất: ‘Này con, hôm nay con hãy đi làm vườn nho.’ Nó đáp: ‘Con không muốn đâu!’ Nhưng sau đó, nó hối hận, nên lại đi. Ông đến gặp người thứ hai, và cũng bảo như vậy. Nó đáp: ‘Thưa ngài, con đây!’ Nhưng rồi lại không đi. Trong hai người con đó, ai đã thi hành ý muốn của người cha?’ Họ trả lời: ‘Người thứ nhất.” (Mt 21,28-31).
1- Giữa nói và làm là một biển cả
Người con nói “có làm” nhưng lại “không làm” đại diện cho những ai đã nhận biết Thiên Chúa và tuân giữ luật Người trong một số phạm vi, nhưng lại không chấp nhận Chúa Kitô, Đấng là “sự viên mãn của lề luật.”
Còn người con nói “không làm” nhưng lại “đi làm” đại diện cho những ai đã sống ngoài lề luật và thánh ý Thiên Chúa, nhưng sau đó, nhờ Chúa Kitô, họ đã hoán cải và trở lại đón nhận Tin Mừng.
Từ đó, Chúa Giêsu đưa ra kết luận này trước các kỳ mục và thượng tế: “Tôi bảo thật các ông: những người thu thế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông” (Mt 21,31).
Như thế, trang Tin Mừng này nói gì với chúng ta hôm nay? Đối với Thiên Chúa, những lời nói suông hay những lời hứa hoa mỹ không có giá trị đáng kể, nếu không đi kèm với những việc làm cụ thể. Người ta thường nói rằng: “Giữa nói và làm là cả một biển cả.” Chúa Giêsu cũng có lần nhắc nhở: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: 'Lạy Chúa! lạy Chúa!' là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi” (Mt 7,21).
Dụ ngôn của Chúa Giêsu rất gần gũi với cuộc sống như chúng ta thấy hôm nay. Điều mà Thiên Chúa chờ đợi nơi chúng ta chính là điều mà cả chúng ta cũng chờ đợi nơi những người khác trong cuộc sống. Chẳng hạn, điều mà mỗi cha mẹ chờ đợi từ con cái mình là một sự vâng lời đích thực, chứ không phải chỉ là lời nói suông, hay hứa hảo; một lời nói hay một tình cảm phải được chứng tỏ bằng những hành động cụ thể và cả sự hy sinh, nếu không sẽ không có giá trị hay hiệu quả gì mấy.
Sự bất nhất giữa “nói và làm” tạo cho người ta cảm giác người Kitô hữu rất đáng ghét, đó là khoảng cách giữa điều chúng ta tuyên xưng trong nhà thờ và điều chúng ta hành xử, khi sống ở ngoài đời, nơi gia đình, công sở, hay nơi chợ búa… Nghĩa là giữa đời sống đạo đức trong nhà thờ và đời sống thường nhật không có một sự ăn nhập gì nhau, nếu không muốn nói là hoàn toàn khác biệt. Vào nhà thờ thì “đọc hết kinh này sang kinh khác,” chắp tay bái lạy “khu cao hơn trốc,” nhưng bước ra ngoài nhà thờ thì mặt hằm hằm sát khí, muốn ăn tươi nuốt sống người khác hay nhìn họ với những “ánh mắt dao găm!” Vào nhà thờ thì nói “có,” nhưng ra khỏi nhà thờ thì nói “không.” Người ta bảo: “Lời nói lung lay, gương lành lôi kéo.” Hay ngạn ngữ có câu: “Những hành động thì có âm vang hơn là những lời nói.” Người ta đánh giá chúng ta một cách chính xác dựa trên những gì chúng ta làm hơn là những gì chúng ta nói. Về điểm này, thánh tử đạo Ignatiô thành Antiochia cho rằng: “Những người Kitô hữu không nói thì tốt hơn những Kitô hữu nói mà không làm.”
Tuy nhiên, chúng ta cũng phải cẩn thận bởi những lý luận trên có thể bị hiểu lầm hay bị lạm dụng. Đã có những người vì lười biếng không muốn đến nhà thờ tham dự thánh lễ, nên cứ ngụy biện cho rằng: “Đạo tại tâm.” Cũng có những người lý luận rằng: “Ồ, những người hay đi nhà thờ, chăm đọc kinh cầu nguyện đâu có phải là những người tốt trong cộng đoàn đó sao?” Với những ý tưởng cố hữu như thế, họ biện hộ cho việc bỏ lễ và bỏ cầu nguyện. Nếu trong gia đình, người vợ tiếp tục đi nhà thờ, thì phải chịu đựng và im lặng vì những lời mỉa mai như thế. Họ không biết rằng những người cầu nguyện và cố gắng sống Tin Mừng cũng là những con người bất toàn, luôn có những giới hạn và thiếu sót. Điều chắc chắn là mỗi người phải trả lẽ với Thiên Chúa và với lương tâm của mình về điều họ phải làm và không làm cho người khác.
2- Tránh những hiểu lầm
Nhưng để giải thích nội dung chính của dụ ngôn, chúng ta cần quay lại với câu kết luận lạ lùng này của Chúa Giêsu: “Tôi bảo thật các ông: những người thu thế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông” (Mt 21,31).
Có thể nói đây là một trong những lời của Chúa gây hiểu lầm hơn cả. Trong lịch sử đã có những con người dùng câu nói này để lý tưởng hóa hay “hợp thức hóa” nghề mãi dâm và biện hộ cho những cô gái điếm. Văn chương cũng có đầy những “cô gái điếm thánh thiện.” Đơn giản chỉ cần nghĩ tới tác phẩm La Traviata (Người Đàn bà sa ngã) của Giuseppe Verdi hoặc cô điếm Sonya hiền như ma xơ của Dostoevsky trong tác phẩm “Tội ác và Hình phạt.”
Đây là một sự hiểu lầm kinh khủng! Cần phân biệt rằng Chúa Giêsu đang nói về một trường hợp cụ thể, như đã xảy ra. Người quả quyết: “Những cô gái điếm vào Nước Trời trước các ông.” Chúa nói tới những “cô gái điếm” như một sự so sánh để nhấn mạnh đến sự nghiêm trọng của những ai cứng lòng từ chối chân lý. Ngoài ra, trong Tin Mừng, Chúa Giêsu còn nói đến trường hợp “những người thu thuế.” Họ là những người làm việc cho các trạm thu thuế của đế quốc La Mã và được coi là những người tham dự vào những bất công xã hội. Đó là hai tội công khai mà thời đó người Do Thái xếp ngang hàng với nhau và cần loại trừ. Nếu Chúa Giêsu xếp những cô gái điếm với những người thu thuế lại với nhau, Người có lý khi làm như thế. Vì cả hai loại người này đã kiếm tiền bằng việc làm bất lương, nhưng điều Chúa muốn nói ở đây là dầu họ xấu xa như thế nào, nhưng khi gặp gỡ Đức Giêsu, họ đã thay đổi đời sống của mình; Chúa muốn đề cao thái độ đón nhận sự thật và khả năng hoán cải, như một Maria Mađalêna, một Mátthêu, hay một Giakêu… Khác với những người cứ nghĩ mình thánh thiện và đạo đức, những đầu óc đầy thành kiến và bảo thủ, nên cứ ở lì trong lập luận riêng và chính kiến của mình. Những người này luôn có áo giáp tự vệ quá lớn, nên rất khó thay đổi như các Luật Sỹ và Biệt Phái.
Cũng cần thêm rằng, thế giới hôm nay mà chúng ta đang sống là thế giới bị thống trị bởi nền văn hóa tính dục. Trong đó, hiện tượng mãi dâm đang phổ biến dưới nhiều hình thức tinh vi, lan tràn và nguy hiểm. Có rất nhiều người phụ nữ và trẻ em bị bán làm nô lệ cho tình dục một cách có hệ thống và tinh vi hơn bao giờ hết. Sẽ là sai lầm khi cho rằng câu nói trên của Chúa Giêsu cổ xúy cho hiện tượng mãi dâm này. Quả vậy, nghề mãi dâm luôn được coi là nghề xấu xa, bất xứng trong xã hội dù thời nào. Nhưng Đức Giêsu luôn trung thành với nguyên tắc đạo đức: luôn nói “không” với tội lỗi, nhưng nói “có” với tội nhân. Theo đó, Người không chấp nhận hiện tượng mãi dâm và mời gọi người phụ nữ ngoại tình hoán cải: “Tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa” (Ga 8,11). Người Kitô hữu phải là người giống Chúa Kitô về điểm này.
3- Luôn hy vọng để hoán cải
Như thế, khi kể dụ ngôn hai người con để ám chỉ về những người thu thuế và những cô gái điếm sẽ hoán cải nhờ lời giảng của Gioan Tẩy Giả; còn những kỳ mục và thượng tế thì không hoán cải, Chúa Giêsu muốn dạy chúng ta điều này: Một đàng, Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh đến thái độ cứng đầu, bảo thủ, không chịu thay đổi của những người lãnh đạo tôn giáo Do Thái thời đó, họ là những người đại diện cho người con nói “có” nhưng lại “không chịu làm.” Họ là những người đại diện cho tất cả những ai hôm nay, dầu mang danh là Kitô hữu, nhưng chỉ ở trên danh nghĩa, không thực hành niềm tin, không sống niềm tin của mình.
Đàng khác, Lời Chúa hôm nay muốn đề cao những ai dầu trước đó lầm lỡ, yếu đuối, như người con đã “nói không” với Thiên Chúa, nhưng sau đó, họ đã hối hận, trở về và thay đổi cuộc sống.
Cả hai trường hợp là tấm gương để chúng ta soi bóng mình. Bởi lẽ, một cách chân thành và khiêm tốn, đã nhiều lần, chúng ta là người con “nói làm, nhưng không làm,” cho Chúa những gì Chúa muốn, trong đời sống chúng ta. Chúng ta hứa với Chúa nhưng không giữ lời, nói nhiều nhưng làm ít, nghe nhiều, nhưng không áp dụng vào cuộc sống. Có lẽ, cũng vì sự cứng lòng, bảo thủ và thành kiến làm tổ trong chúng ta, nên chúng ta đánh mất khả năng đón nhận điều mới mẻ, và khả năng thay đổi.
Và vì thế, chúng ta cần học nơi người con thứ hai ở chỗ biết hối hận, tiếp nhận và thay đổi đời sống, bằng việc làm theo những gì Chúa muốn, sống theo những gì Chúa dạy, đồng nhất giữa nói và làm là một.
Tin Mừng là tin vui, tin hy vọng, tin cứu độ cho tất cả mọi người, nhất là cho các tội nhân, kể cả những cô gái điếm. Chúng ta phải luôn biết hy vọng ơn cứu độ cho tất cả. Amen!
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương
 

No comments:

Post a Comment