Saturday 5 September 2020

Nghệ thuật sửa lỗi cho nhau

CHÚA NHẬT XXIII MÙA THƯỜNG NIÊN

Ed 33,7-9; Rm 13,8-10; Mt 18,15-20

Phụng vụ Lời Chúa hôm nay, nói tới một trách nhiệm của người Kitô hữu trong mối liên hệ với tha nhân, đó là việc sửa lỗi cho nhau. Đây là một trong những trách nhiệm tế nhị, khó khăn nhưng cần thiết cho sự trưởng thành cá nhân và lợi ích chung.

1. Ai cũng sai lỗi

Người La Tinh nói rằng: “Errare humanum est - làm người ai cũng sai lỗi.” Người Việt Nam cũng có câu ngạn ngữ tương tự: “Nhân vô thập toàn.” Sống trên đời không ai hoàn hảo cả. Mỗi người đều có giới hạn và khuyết điểm. Bởi thế, Giáo Hội không phải là một cộng đoàn chỉ gồm những người thánh thiện, nhưng gồm các tội nhân cần ơn hoán cải. Trong sự liên đới và trách nhiệm đối với tha nhân, mỗi người cần đến sự hướng dẫn và giúp đỡ của người khác. Mỗi người có trách nhiệm phải sửa lỗi cho nhau. Mỗi người là “lính canh” của người khác như bài đọc I đề cập:

“Ta đã đặt ngươi làm người canh gác cho nhà Ítraen. Ngươi sẽ nghe lời từ miệng Ta phán ra, rồi thay Ta báo cho chúng biết” (Ed 33,7).

Việc sửa lỗi là trách nhiệm của cha mẹ đối với con cái, thầy cô giáo đối với học trò, của vợ chồng, của bạn bè với nhau, của người đứng đầu, của các nhà giáo dục v.v… Đây là một công việc khó khăn. Nên hôm nay, Chúa Giêsu chỉ dẫn cho chúng ta một bí quyết vàng để thực hiện trách nhiệm này qua một tiến trình ba bước:

2. Cách thức sửa lỗi

Bước thứ nhất: Chúa dạy:

“Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi” (Mt 18,15).

Đây là bước đầu tiên để sửa lỗi cho người anh em. Khi anh em lỗi phạm hay làm điều xấu, chúng ta có bổn phận gặp gỡ riêng, khuyên bảo ngõ hầu giúp họ trở về với đường ngay nẻo chính và được cứu độ. Nhưng chúng ta làm việc này với sự thận trọng, kín đáo và yêu thương. Đặc biệt, chúng ta phải giữ kín mọi chuyện để không ai biết đến và họ có thể giữ được danh dự và uy tín của mình trước mặt người khác.

Bước thứ hai: Nếu bước trên không thành công, Chúa Giêsu dạy chúng ta thực hiện bước thứ hai:

“Còn nếu nó không chịu nghe, thì hãy đem theo một hoặc hai người nữa, để mọi công việc được giải quyết, căn cứ vào lời hai hoặc ba chứng nhân” (Mt 18,16).

Trong bước này, Chúa Giêsu quy chiếu theo truyền thống Kinh Thánh Cựu Ước, theo đó, luật Môsê dạy:

“Một nhân chứng duy nhất không thể đứng lên buộc tội một người về bất cứ một tội một lỗi nào; về bất cứ lỗi nào người ấy phạm, phải căn cứ vào lời của hai nhân chứng hay căn cứ vào lời của ba nhân chứng, sự việc mới được cứu xét” (Đnl 19,15).

Ở đây việc mời gọi người khác cộng tác trong việc sửa lỗi không có ý gây áp lực cho bằng muốn cho đương sự thấy được tính khách quan của lầm lỗi khi có hai hoặc ba người làm chứng để họ dễ dàng ý thức và sửa lỗi. Nếu bước này cũng không kết quả, Chúa Giêsu dạy chúng ta chuyển sang bước sau cùng.

Bước thứ ba:

“Nếu nó không chịu nghe họ, thì hãy đi thưa Hội Thánh. Nếu Hội Thánh mà nó cũng không nghe, thì hãy kể nó như một người ngoại hay một người thu thế” (Mt 18,17).

Sau những cố gắng ở hai bước trên không thành, chúng ta mới đưa ra trước cộng đoàn hay Giáo Hội. Bởi vì, Giáo Hội được Chúa ban cho thẩm quyền phân định, xét xử và tháo cởi (x. Mt 18,18). Việc công khai hóa lầm lỗi của tội nhân không phải là để lên án họ nhưng nhờ đến thẩm quyền Giáo Hội, cầu nguyện, giúp đỡ và hướng dẫn họ sám hối. Giáo Hội như cha mẹ làm hết mọi sự để có thể cứu vớt những linh hồn sai lạc.

3. Những nguyên tắc phải giữ

Trong tiến trình này, chúng ta cũng phải khôn ngoan giữ những nguyên tắc sau:

· Không được đầu hàng với điều dữ, nhưng hãy tiếp tục tìm những phương thế khác để thu phục người lầm lạc về với Chúa.

· Không được vội vàng lên án, bêu xấu họ giữa cộng đoàn, nhưng tôn trọng danh dự của họ và tiếp tục đồng hành với họ.

· Hãy làm tất cả với lòng yêu thương. Như thánh Phaolô dạy:

“Vì ai yêu người, thì đã chu toàn Lề Luật… Đã yêu thương thì không làm hại người đồng loại” (Rm 13,8.10).

Về điều này, thánh Augustinô nói: “Hãy yêu thương rồi mới làm gì thì làm.”

· Cuối cùng, không được chủ quan theo phán đoán cá nhân, nhưng hãy theo sự phán quyết của cộng đoàn và Huấn Quyền Giáo Hội.

Khi cá nhân, cộng đoàn và Huấn Quyền Giáo Hội đã làm tất cả để giúp đương sự sửa lỗi, nhưng họ vẫn cố chấp và không sửa đổi, chúng ta không còn trách nhiệm đối với họ nữa và coi họ như một người ngoại, nghĩa là vì gương xấu và sự cố chấp, họ tự tách khỏi lòng thương xót của Thiên Chúa và đời sống Giáo Hội. Khi đó chỉ còn lại cách duy nhất là phó thác cho lòng nhân từ của Thiên Chúa.

Như thế, hôm nay Chúa Giêsu dạy chúng ta sửa lỗi cho anh em theo một tiến trình khôn ngoan, cẩn trọng, kiên nhẫn, đúng nơi, đúng lúc trong tình bác ái Tin Mừng.

Tuy nhiên, trong thực tế, nhiều lúc chúng ta làm ngược lại với những hướng dẫn trên của Chúa. Thay vì chúng ta phải giữ kín sự thật và từng bước một thuyết phục người sai lỗi trở về, chúng ta thường công khai hóa, nói xấu và vội vàng lên án lầm lỗi của họ. Như thế, vô tình chúng ta làm cho tình hình trở nên tồi tệ hơn. Cần phân biệt việc sửa lỗi hoàn toàn khác với việc nói xấu người khác. Sửa lỗi là một việc tốt, còn nói xấu là một tội.

Câu chuyện sau đây nói lên thái độ tế nhị cần có khi sửa lỗi cho nhau:

Một ngày kia, Ðức Hồng y Roncalli (sau này là Giáo Hoàng Gioan XXIII) dự bữa tiếp tân. Ngài ngồi bên cạnh một nữ công tước mặc chiếc váy cực ngắn. Thấy việc ăn mặc của người phụ nữ này không phù hợp ở đây, nhưng suốt bữa tiệc ngài tỏ ra như không biết gì bà. Cuối bữa, ngài đưa cho bà một trái táo. Bà rất hân hạnh và ngạc nhiên nói: “Tôi không biết phải cám ơn ngài thế nào. Nhờ đâu tôi được ngài ưu ái như thế?” Ngài nhìn bà rồi nói: “Sau khi ăn quả táo, bà Evà nhận ra mình trần truồng.” Đó là cách nhắc nhở rất tế nhị.

Người Ái Nhĩ Lan có một lời nguyện rất ý vị:

“God grant me the serenity to accept the things I cannot change, courage to change the things I can, and wisdom to know the difference.”

Chúng ta hãy thưa với Chúa: Lạy Chúa xin cho con sự thanh thản để chấp nhận điều con không thể thay đổi, sự can đảm để thay đổi những điều con có thể thay đổi và sự khôn ngoan để đón nhận sự khác biệt. Amen!

 

 

CHÚA NHẬT XXIII MÙA THƯỜNG NIÊN

Ed 33,7-9; Rm 13,8-10; Mt 18,15-20

Đức Ái Theo Thánh Phaolô

Thánh Phaolô nổi bật như một ngôi sao sáng trong lịch sử Giáo Hội. Rất thích hợp để chúng ta nói về giáo huấn của ngài trong thánh lễ hôm nay. Sự nghiệp và giáo huấn của ngài rất phong phú và sâu sắc, chúng ta chỉ dừng lại ở đây quan niệm về tình yêu hay đức ái theo thánh Phaolô trong bài đọc II của thánh lễ hôm nay.

Danh từ tình yêu (love, amore, caritas) được dùng rất nhiều từ môi miệng chúng ta, từ báo chí, phim ảnh. Nhưng ngày hôm nay khái niệm về tình yêu đã bị nhiều người hiểu sai và lạm dụng.

Tôi đọc trên báo điện tử của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, tác giả Nguyễn Lan Hải đã tóm tắt những ngộ nhận đáng tiếc về tình yêu nơi nhiều bạn trẻ hôm nay: - Tình yêu là sự cuốn hút. - Tình yêu là chiếm hữu. - Tình yêu là tiền tài. - Tình yêu là sự thương hại. - Tình yêu là tình dục…

Chính vì quan niệm méo mó này, nên nhiều người suốt cả đời đi tìm tình yêu mà không gặp tình yêu. Nhiều bạn trẻ thay người yêu như thay áo. Nhiều cặp vợ chồng trẻ tháng trước tổ chức đám cưới linh đình, vui vẻ, anh nói em nghe, em nói anh nghe, nhưng tháng sau thì “anh em nói, cả làng cùng nghe. Tuần đầu là trăng mật, tuần sau là giập mật!” Nhiều gia đình đang êm ấm, nhưng chỉ một cú điện thoại, một lá thư của người thứ ba, thế là mọi sự đổ vỡ, mọi sự được giải quyết bằng tờ giấy ly dị và chia tài sản.

Vậy theo thánh Phaolô, tình yêu là gì? Phải yêu người khác như thế nào?

Bài đọc II mà chúng ta vừa nghe là những lời thật tuyệt vời:

“Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái” (Rm 13,8a).

Nghĩa là chúng ta đừng mắc nợ nhau về tiền bạc, vật chất, ai mắc nợ thì phải trả. Nhưng hãy mắc nợ nhau về tình thương, về đức ái. Chúng ta hãy yêu thương nhau. Tình yêu là cốt lõi của Kitô giáo. Chính Phaolô nói:

“Vì ai yêu người, thì đã chu toàn Lề Luật” (x. Rm 13,8b).

Tình yêu làm cho chúng ta được hạnh phúc đích thực. Sống không có tình yêu, không có lòng nhân ái, thì dù chúng ta có nhà lầu, xe hơi, tiện nghi, vật chất dư dả, vẫn cảm thấy không hạnh phúc và vui vẻ. Các nhà khoa học Mỹ đã nghiên cứu và cho thấy điều đó: 12% dân Mỹ bị stress và bị tâm thần, không phải vì họ nghèo đói về vật chất nhưng họ bị cô đơn và không được yêu thương, chia sẻ.

Đối với thánh Phaolô, tình yêu không phải là một sự trao đổi kinh tế, tiền bạc, không phải là một sự chiếm hữu ích kỷ, cũng không phải là một sự tìm kiếm mình nơi người khác, nhưng là một tình yêu vô vị lợi, có trách nhiệm và hoàn toàn vì người khác, kể cả hiến mạng vì người mình yêu. Tình yêu đó bắt nguồn và luôn dựa trên chính tình yêu Thiên Chúa mà Đức Giêsu đã thể hiện trên thập giá.

Tình yêu gắn liền với việc tuân giữ lề luật, sống có trách nhiệm và biết tôn trọng hạnh phúc của người khác: “Đó là chớ có ngoại tình.” Hậu quả của nó là phá hoại hạnh phúc người khác và mang bệnh tật cho mình. Quan hệ tình dục bừa bãi dễ sinh ra tội phá thai, tức là tội giết người. Đó là trọng tội và còn có vạ kèm theo cho ai làm điều đó. Nên thánh Phaolô nói tiếp:

“Ngươi không được ngoại tình, không được giết người, không được trộm cắp, không được ham muốn, cũng như các điều răn khác, đều tóm lại trong lời này: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Đã yêu thương thì không làm hại người đồng loại; yêu thương là chu toàn Lề Luật vậy” (Rm 13,9-10).

Những lời này chúng ta phải suy gẫm nhiều lần. Lỗi những điều răn này là lỗi đức ái nghiêm trọng. Thấy người khác thành công mình phải mừng cho họ chứ đừng có ghen tỵ và tìm cách đạp đổ. Thấy người khác gặp đau khổ thì không lấy làm vui mừng nhưng là nâng đỡ ủi an họ. Vẻ đẹp và tính cao thượng của người Kitô hữu là ở đó.

Đối với Phaolô, đức ái là điều chính yếu của đời sống Kitô hữu. Trong một lá thư khác, thánh Phaolô quả quyết:

“Giả như tôi nói được các thứ tiếng của loài người và của các Thiên thần đi nữa, mà không có đức mến thì tôi chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm choẹ xoang xoảng. Giả như tôi có được ơn nói tiên tri và biết hết được mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả tài đức đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì cả. Giả như tôi có đem hết cả gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu chết, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi” (1 Cr 13,1-3).

Tất cả chúng ta đều được mời gọi để sống đức ái đó theo gương thánh Phaolô, như ngài đã theo Đức Kitô, Đấng đã yêu chúng ta đến cùng và đã hiến mạng sống mình vì chúng ta trên thập giá. Xin thánh nhân cầu bầu cho chúng ta trước mặt Thiên Chúa để chúng ta có sức mạnh mà thực hành những giáo huấn này trong đời sống chúng ta. Amen!

 Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương

No comments:

Post a Comment