Saturday 19 September 2020

Thiên Chúa là Đấng hoàn toàn khác

CHÚA NHẬT XXV THƯỜNG NIÊN A

Is 55,6-9; Pl 1,20c-24.27a; Mt 20,1-16

Mầu nhiệm Thiên Chúa vốn là một mầu nhiệm khôn dò khôn thấu đối với lý trí của con người, nếu không có mạc khải, chúng ta không thể nào biết được bản tính sâu xa của Thiên Chúa. Liên quan đến vấn đề này, phụng vụ Lời Chúa hôm nay trình bày với chúng ta chủ đề: “Thiên Chúa là Đấng hoàn toàn khác – Dieu est Total Autre.” Trong thánh lễ này, chúng ta tìm hiểu chủ đề này qua những điểm sau đây: 1) Thiên Chúa hoàn toàn khác về hữu thể; 2) Thiên Chúa khác về tư tưởng và đường lối; 3) Lời mời gọi sống theo cách hành xử của Thiên Chúa.

1- Khác biệt về hữu thể

Theo mạc khải của Kinh Thánh, Thiên Chúa là Đấng hoàn toàn khác biệt chúng ta về hữu thể. Theo Bổn Lẽ Cần dạy, “Thiên Chúa là Đấng thiêng liêng, vô thủy, vô chung, thông minh vô cùng, phép tắc vô cùng, trọn tốt trọn lành, ở khắp mọi nơi.” Tự bản chất, Thiên Chúa là Đấng hoàn toàn khác, Đấng luôn luôn mới mẻ, Đấng siêu việt, vượt trên mọi sự và mọi loài.

Hữu thể của Thiên Chúa khác biệt với hữu thể của các loài thụ tạo. Thiên Chúa mạc khải cho chúng ta có một Thiên Chúa duy nhất trong Ba Ngôi: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Ba Ngôi hiệp nhất nên một, nhưng vẫn là ba. Đó là điều mà đầu óc con người không thể thấu hiểu. Thiên Chúa vẫn mãi mãi ở trong huyền nhiệm của Người. Nên các Giáo Phụ cho rằng: “Bản chất của Thiên Chúa không thể diễn tả.” Bởi lẽ, Thiên Chúa là tình yêu (1 Ga 4,8), mà tình yêu bao giờ cũng huyền nhiệm, bao giờ cũng tuyệt vời và siêu việt hơn mọi so đo tính toán của con người.

Chỉ nhờ mạc khải và ở trong huyền nhiệm tình yêu, chúng ta hiểu được điều gì đó về bản thể của Thiên Chúa và sự khác biệt nơi Người.

2- Khác biệt về tư tưởng và cách hành xử

Bản chất của Thiên Chúa hoàn toàn khác biệt, nên tư tưởng và cách hành xử của Thiên Chúa cũng hoàn toàn khác biệt so với con người. Điều này được diễn tả trong bài đọc I: “Thật vậy, tư tưởng của ta không phải là tư tưởng của các ngươi, và đường lối của các ngươi không phải là đường lối của Ta... Trời cao hơn đất chừng nào thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối các người và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng các ngươi chừng ấy (Is 55,8-9). Quả thế, tư tưởng của Thiên Chúa khác biệt với tư tưởng của loài người. Bởi vì, Thiên Chúa thấu suốt mọi sự, hiểu biết mọi loài, nên Người nhìn xa trông rộng. Trong khi đó, con người là thụ tạo, nên tư tưởng con người luôn có giới hạn và hẹp hòi.

Thiên Chúa không chỉ khác về tư tưởng, nhưng còn khác về đường lối và cách hành xử của loài người. Bài Tin Mừng hôm nay là một minh chứng về cách hành xử của Thiên Chúa hoàn toàn khác với mọi so đo tính toán của loài người. Thiên Chúa có tiêu chuẩn và logic riêng, không theo tiêu chuẩn con người.

Thông thường, ai làm nhiều sẽ hưởng lương nhiều, ai làm ít sẽ hưởng lương ít. Trong dụ ngôn này, ông chủ không hành xử theo logic đó. Ông trả cho người thợ làm việc từ giờ thứ ba (từ sáng sớm) một đồng và người thợ làm việc từ giờ thứ 11 cũng lãnh một đồng. Xem ra có vẻ bất công, vô lý và mâu thuẫn với lập luận con người. Đây là một dụ ngôn để diễn tả cách hành xử rất khác biệt của Thiên Chúa. Theo cách hành xử này, Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận nói một cách dí dỏm rằng: “Chúa Giêsu không biết làm toán, không biết làm kinh tế.” Đó là một cách nói diễn tả Thiên Chúa không có tính toán theo cách thức của con người, nhưng theo cách thức của tình yêu.

Trong Tin Mừng, chúng ta còn có nhiều chứng tá về sự khác biệt của Thiên Chúa qua các dụ ngôn của Đức Giêsu như người chăn chiên có 100 con chiên, ông bỏ 99 con để đi tìm 1 con chiên lạc (x. Lc 15,4-7). Dụ ngôn về một người đàn bà có 10 nén bạc, nhưng mất một nén, sau khi tìm được nén bạc đã mất, bà vui mừng mở tiệc mừng (x. Lc 15,8-10). Hay như dụ ngôn người cha nhân hậu có hai người con, đứa con thứ bỏ nhà ra đi hoang đàng, nhưng sau đó nó trở về, người cha không nhớ gì hết ngoài niềm vui vì được gặp lại người con thứ... (Lc 15,11-32).

Tất cả những dụ ngôn này muốn nói đến cách thức, niềm vui và lối hành xử của Thiên Chúa khác biệt với con người. Bởi vì Thiên Chúa hành động theo tiêu chuẩn và logic của tình yêu.

3- Hé mở một con đường

Như vậy, qua cách hành xử đó, Thiên Chúa hé mở cho chúng ta một chân trời mới, một hy vọng mới:

Điều thứ nhất, ơn cứu độ là quà tặng nhưng không của Thiên Chúa. Bất kỳ lúc nào, dù vào giờ cuối cùng, Thiên Chúa cũng mời gọi chúng ta đến để làm vườn nho cho Chúa, để được cứu độ. Thiên Chúa ban ân sủng một cách rộng rãi, phong phú và nhưng không cho chúng ta.

Điều thứ hai, chúng ta được mời gọi từ bỏ lối lý luận hẹp hòi, toan tính của loài người, để can đảm đi vào đường lối và logic của Thiên Chúa, đó là logic của tình yêu.

Điều cuối cùng là chúng ta xin cho có được tầm nhìn của Thiên Chúa và hành xử giống Thiên Chúa, hành xử theo tiêu chuẩn của Tin Mừng, tiêu chuẩn của tình yêu hơn là tính toán hẹp hòi. Chúng ta không chỉ sống theo sự công bằng, nhưng còn phải theo bác ái và quảng đại tương quan với tha nhân. Theo cách đó, chúng ta sẽ được nên giống Đức Kitô và sống theo đường lối của Thiên Chúa trong đời sống mình. Amen!

CHÚA NHẬT XXV THƯỜNG NIÊN (BÀI II)

Tình yêu, tiêu chuẩn của Thiên Chúa

Is 55,6-9; Pl 1,20c-24.27a; Mt 20,1-16

Thông thường theo sự công bằng, ai làm nhiều thì hưởng tiền lương nhiều, ai làm ít thì hưởng lương ít. Thế nhưng câu chuyện trong Tin Mừng hôm nay không theo tiêu chuẩn như thế.

1- Dụ ngôn ông chủ quảng đại

Ông chủ hành xử theo cách thức khác vượt trên sự công bằng đó. Dụ ngôn kể từ sáng sớm ông đã ra thuê thợ làm vườn nho cho mình. Ông đã thỏa thuận với họ là sẽ trả cho họ mỗi ngày một đồng. Nhưng khi đi ra ngoài, lúc giờ thứ ba (9 giờ sáng), thấy những người ở ngoài không làm gì, ông mời họ vào làm, đến giờ thứ sáu (12 giờ trưa) rồi giờ thứ chín (3 giờ chiều), và cả đến giờ thứ mười một (5 giờ chiều), ông cũng làm như thế. Chiều đến, ông gọi thợ lại mà trả tiền công cho họ, ông trả cho người thợ làm từ sáng sớm đúng một đồng như đã thỏa thuận và cho người làm giờ cuối cùng cũng một đồng. Xem ra có vẻ bất công! Nên những người làm nhiều giờ đã cằn nhằn và trách móc ông chủ. Nhưng xét cho cùng ông đã không có lỗi gì đến sự công bằng đối với họ, ở đây ông đã hành xử vượt trên sự công bằng, theo lòng quảng đại đối với những người làm sau (x. Mt 20,1-16a).

Với dụ ngôn này, Chúa Giêsu muốn ám chỉ rằng những người thợ đầu tiên được mời gọi bởi Thiên Chúa là những người Luật Sỹ, Biệt Phái và nói chung là tất cả những người Do Thái như là dân tộc được chọn và được thừa hưởng lời hứa từ các tổ phụ. Họ cho rằng chỉ có họ mới xứng đáng hưởng ơn cứu độ. Trái lại, những người thợ làm vườn nho vào giờ cuối cùng là những người tội lỗi và dân ngoại mà Chúa Giêsu đến để tìm kiếm họ và mời gọi họ vào đón nhận ơn cứu độ và lòng thương xót của Thiên Chúa.

2- Lòng quảng đại vượt trên sự công bình

Qua đó, Chúa Giêsu muốn chống một thứ tôn giáo và luân lý chỉ dựa trên công trạng của mình. Theo đó, những người Biệt Phái và Luật Sỹ đã loại bỏ khả năng được hưởng ơn cứu độ những người nghèo, người bị bỏ rơi và người tội lỗi. Đồng thời Chúa Giêsu loan báo sứ điệp mới mẻ rằng ơn cứu độ chủ yếu dựa trên sự nhưng không, lòng quảng đại và thương xót của Thiên Chúa. Người đặc biệt ám chỉ ông chủ vườn nho đó chính là Thiên Chúa. Điều này làm cho chúng ta ngạc nhiên! Cách hành xử của ông chủ chính là cách hành xử của Thiên Chúa. Thiên Chúa hành động và phân xử hoàn toàn khác với những so đo tính toán của con người. Như bài đọc I diễn tả: “Thật vậy, tư tưởng của ta không phải là tư tưởng của các ngươi, và đường lối của các ngươi không phải là đường lối của Ta... Trời cao hơn đất chừng nào thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối các người và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng các ngươi chừng ấy (Is 55,8-9).

Vậy thì dụ ngôn chủ vườn nho nói với chúng ta điều gì?

Trước hết, dụ ngôn muốn nói với chúng ta rằng: Thiên Chúa hành xử với chúng ta không chỉ dựa trên sự công bằng nhưng là dựa trên tình yêu, lòng quảng đại và thương xót. Những người làm giờ thứ nhất được trả một đồng là theo tiêu chuẩn công bằng mà họ đã thỏa thuận. Nhưng những người làm giờ cuối cũng nhận được một đồng là theo tiêu chuẩn tình yêu và lòng quảng đại.

Dụ ngôn còn muốn nhấn mạnh rằng: Nước Trời, ơn cứu độ không phải chủ yếu là phần thưởng, là công trạng do công sức chúng ta làm nên, nhưng là quà tặng, là hồng ân nhưng không của Thiên Chúa muốn ban cho tất cả mọi người không có loại trừ ai, kể cả những người đến giờ chót, miễn là họ mở lòng đón nhận, miễn là họ biết lắng nghe lời mời và cộng tác với Thiên Chúa.

3- Sự “vô lý” của Thiên Chúa cơ hội cho chúng ta

Như thế, cách thức hành động của Thiên Chúa có vẻ ngược đời, vô lý và khác với lý luận của chúng ta. Các Giáo Phụ nói rằng: “Thiên Chúa không tính toán khi ban phát ân huệ của Người.” Hay như Đức Hồng Y Thuận nói cách dí dỏm: “Thiên Chúa không biết tính toán!” Nhưng chính sự “vô lý” của Thiên Chúa lại trở thành cơ hội, là lối vào cho chúng ta tới gần Thiên Chúa.

Nếu Thiên Chúa chỉ xét xử chúng ta theo sự công bằng thì chắc chắn chúng ta phải chết và bị luận phạt rồi. Bởi lẽ, chúng ta đã nhiều lần đắc tội với Người. Một cách khiêm tốn, phải thành thật thú nhận rằng, chúng ta chẳng xứng đáng và chẳng có công trạng gì để được cứu độ, nếu không nhờ vào lòng thương xót của Người.

Nhưng Thiên Chúa hành xử với chúng ta theo tiêu chuẩn tình yêu và lòng từ bi của Người, thì đó là hy vọng, là cơ hội cho chúng ta được cứu độ.

Vì thế, trong mọi hoàn cảnh, bất kỳ lúc nào, giờ nào, cả giây phút cuối cùng trong cuộc đời, Thiên Chúa cũng mời gọi chúng ta trở về, cộng tác với người làm vườn nho của Chúa, và dù làm nhiều hay làm ít, Thiên Chúa cũng ban ơn cứu độ, ân sủng cách dồi dào cho chúng ta theo lượng từ bi và nhân hậu của Người.

Tất cả chúng ta cũng được mời gọi đi vào logic của Thiên Chúa, logic của tình yêu, của lòng quảng đại. Nghĩa là hãy vươn tới tầm nhìn của Thiên Chúa, hãy mặc lấy tâm tình và cách cư xử của Đức Kitô, như thánh Phaolô nói: “Vì đối với tôi, sống là Đức Kitô” (Pl 1,21), để lượng giá cuộc đời không dựa theo tiêu chuẩn tính toán, hẹp hòi, ích kỷ, như những người thợ đầu tiên, nhưng theo tầm nhìn, tiêu chuẩn và đường lối của Thiên Chúa khi đối xử với tha nhân mình. Amen!

Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương

No comments:

Post a Comment