CHÚA NHẬT XXVI THƯỜNG NIÊN
Ed 18,25-28; Pl 2,1-11; Mt 21,28-32
Dụ ngôn hai người con mà chúng ta vừa nghe được Chúa Giêsu kể cùng với hai dụ ngôn khác trong bối cảnh ở Đền Thờ khi “chạm trán” với các nhà lãnh đạo Do Thái đến chất vấn về quyền hạn của Người (x. Mt 21,1-27). Kể dụ ngôn là nghệ thuật đưa người nghe soi bóng mình để nhận ra sự thật về mình qua câu chuyện.
Trong dụ ngôn hai người con, Chúa Giêsu muốn ám chỉ hai hạng người trong dân Do Thái thời đó: người con thứ nhất “nói không đi làm vườn nho cho cha, nhưng sau đó hối hận, lại đi làm.” Anh đại diện cho hạng người tội lỗi, không biết Thiên Chúa và không tuân giữ lề luật như những cô gái điếm và những người thu thuế, nhưng sau khi gặp gỡ Đức Giêsu, họ đã hoán cải, đón nhận Tin Mừng và thi hành thánh ý Thiên Chúa nên họ được vào Nước Trời.
Theo giáo huấn của Công Đồng Vaticanô II, người con thứ nhất này có thể là hình bóng của những ai dù không biết Chúa Kitô và Tin Mừng, nhưng vẫn sống theo tiếng lương tâm, ăn ngay ở lành, họ cũng hy vọng được cứu độ (x. LG 16).
Còn người con thứ hai “nói có, nhưng lại không đi” ám chỉ hạng Luật Sĩ, Biệt Phái và Kinh Sư vốn là những người thông thạo lề luật và tôn giáo, nhưng lại rất bảo thủ, cố chấp, duy truyền thống và không hoán cải trước lời mời gọi của Thiên Chúa qua sứ điệp của Đức Giêsu.
Anh đại diện cho tất cả những ai nói mà không làm, nói hay mà cày dở, hay nói một đàng làm một nẻo. Anh cũng đại diện cho tất cả những Kitô hữu chỉ mang danh nghĩa có đạo mà thực chất không hành đạo.
Như thế, một đàng, Chúa Giêsu muốn mạc khải chân lý này: đối với Thiên Chúa, những lời nói suông hay hứa hảo hoa mỹ không có giá trị đáng kể, nếu không đi kèm với những việc làm cụ thể. Như có lần Chúa Giêsu nhắc nhở: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: “Lạy Chúa! Lạy Chúa! là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi” (Mt 7,21). Điều mà Thiên Chúa chờ đợi nơi con người chính là điều mà chúng ta chờ đợi nơi nhau, đó không phải là lời nói suông, nhưng là việc làm cụ thể. Như ngạn ngữ vẫn nói: “Những hành động thì có âm vang hơn là những lời nói.”
Đàng khác, khi quả quyết rằng: “Tôi bảo thật các ông: những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông” (Mt 21,31), Chúa Giêsu không có ý cổ xúy cho nghề mại dâm vốn luôn được coi là vô luân. Người có lý khi xếp những cô gái điếm và những người thu thuế lại với nhau, vì thời đó cả hai loại người này đã kiếm tiền bằng việc làm bất lương; tuy nhiên, ở đây, Chúa muốn đề cao những ai dù trước đó có yếu đuối, lầm lỡ, xấu xa như thế nào đi chăng nữa, nhưng sau khi gặp gỡ Chúa, họ đã hoán cải như một Maria Mađalêna, một Mátthêu, hay một Giakêu... Điều đó mới là đáng kể, giá trị và khác biệt của Kitô giáo.
Nhưng đọc dụ ngôn hai người con trong bối cảnh hôm nay, chúng ta nhận thấy có điều gì đó hơn nữa liên hệ đến cuộc sống và chúng ta.
Ở bình diện Giáo Hội, dụ ngôn là lời thức tỉnh mọi thành phần trong Giáo Hội soi bóng mình trong hai người con, để nhận ra sự “bất nhất” của mình giữa lời nói và việc làm, giữa lời tuyên xưng đức tin trong nhà thờ và thái độ sống ở đời thường. Trong Giáo Hội thời nào cũng có những người hiện nguyên hình là người con thứ hai: những gương xấu, những bê bối, những lạm dụng lương tâm, lạm dụng quyền bính và lạm dụng tương quan… xảy ra đó đây nơi một số giáo sỹ cao cấp, đã làm cho Giáo Hội mất tính khả tín và tạo cho người ngoại có ác cảm với Đạo, như chuyện vừa xảy ra tại Vatican liên quan đến vụ việc Hồng Y Becciu, Bộ Trưởng Bộ Phong Thánh, phải từ chức và vị trí của mình vì dính lưu đến chuyện tiền bạc. Đó là một hình thức bất nhất giữa ngôn và hành, giữa lý tưởng và đời sống.
Trên bình diện xã hội, câu chuyện của hai người con giúp soi chiếu thực tại xã hội nơi mỗi quốc gia: Đó là chuyện quan chức nói một đàng, làm một nẻo, hứa hảo đủ điều, nhưng rút cuộc chỉ là lừa lọc, gian lận, thiếu minh bạch… như chuyện vừa mới xảy ra ở bệnh viện Bạch Mai khi giám đốc, phó giám đốc và kế toán trưởng lạm quyền trong khi thi hành công vụ, đã có hành vi thủ đoạn gian dối, nâng khống giá các thiết bị y tế nhằm chiếm đoạt số tiền lớn của bệnh nhân và của nhà nước. Đó là sự mâu thuẫn giữa đạo đức và nghề nghiệp.
Ở bình diện cá nhân, cả hai người con là tấm gương để mỗi người soi bóng mình và khám phá những bất nhất hiện hữu trong chúng ta với tư cách là một chủng sinh, một linh mục: tôi nhận thấy mình trong cả hai người con khi tôi nói mà không làm, hay làm mà không nói, học mà không hành, tin mà không sống. Đó là những bất nhất nền tảng của ơn gọi. Nên tôi được mời gọi nhận diện và đương đầu với những bất nhất ấy.
Nhưng cả hai người con trong dụ ngôn đều có sự bất nhất và bất toàn. Có một Người Con khác tuyệt đối hoàn hảo để tôi nguyện mãi đi theo và trở nên giống, được nói ở bài đọc II, đó “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa… nhưng đã trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến… chết trên cây thập tự. Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người… là Chúa” (Pl 2,6-11). Nơi Người, nhất là nơi thập giá, sứ điệp và con người Đức Giêsu là một, vâng, Người luôn là điều Người nói. Người không chỉ có lời mà chính là Lời và là hành động. Nơi Người, tin, yêu, đời sống là hội nhất và duy nhất. Nếu ở đâu chúng ta đã gặp gỡ một con người như thế, thì ở đó chúng ta gặp được Ý Nghĩa đỡ nâng và gìn giữ tất cả cho sự hiện hữu của chúng ta. Nếu gặp được Con Người ấy rồi thì chính Phaolô đã coi mọi sự là rác rưởi so với mối lợi tuyệt vời là được biết Đức Kitô. Mọi tình yêu khác đều bé nhỏ so với tình yêu của Thiên Chúa, như Dostoevskij đã viết cho Sonia, cháu gái của ông: “Trần gian này chỉ có một người đẹp tuyệt đối: Chúa Kitô. Sự xuất hiện của con người vô song và tuyệt mỹ này đã là một phép lạ tuyệt vời.”[1] Con Người ấy mà Thầy Têphanô Nguyễn Khắc Dương đã biết đến, rồi từ bỏ tất cả và suốt đời đi theo. Trong thánh lễ mừng thượng thọ 95 tuổi tại nhà thờ Chính Tòa Hà Tĩnh (24/9/2020), thầy đã bộc bạch: “Dương chỉ là đứa con bị vứt bỏ, được Giáo Hội nhặt về, nếu không có Giáo Hội, Dương chỉ có mà liếm lá!” Chính Khắc Dương đã có lần nói: “Xét về phương diện xã hội, ông Giêsu chẳng làm được cái cứt chi cho dân tộc mình… Nhưng tôi vẫn tin theo ông cho dù ông là Chúa, chứ là chó tui vẫn tin, vẫn theo.”
Con Người ấy tôi và anh em đã may mắn được gặp và đi theo ở đây, lúc này. Người là lý tưởng đời ta. Chúng ta hãy tập họp toàn thể đời sống chung quanh trung tâm đời sống là Chúa Kitô. Đó là lý do tại sao mà thánh Phaolô mời gọi: “Giữa anh em, anh em hãy có những tâm tình như chính Đức Giêsu Kitô” (Pl 2,5).
Như thế, Tin Mừng của Chúa Giêsu là tin vui, tin hy vọng, tin cứu độ cho tất cả mọi người, nhất là cho các tội nhân, kể cả những cô gái điếm và cho cả chúng ta nữa. Hãy đi và làm điều Chúa muốn. Amen!
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương
Chủng viện Thánh Phanxicô Xaviê - Vinh
No comments:
Post a Comment