St 22,1-2.9a. 10-13.15-18; Rm 8,31b-34; Mc 9,1-9
“Đây là con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người.” Với những lời này, Thiên Chúa Cha đã ban Đức Giêsu Kitô cho nhân loại như là người Thầy, Đấng Cứu Độ duy nhất và phổ quát, vượt trên cả lề luật và các tiên tri. Ngày nay chúng ta có thể lắng nghe Chúa Giêsu nói ở nơi nào?
Câu trả lời trước hết là: Người nói với chúng ta qua tiếng nói lương tâm. Lương tâm là cung thánh mà nơi đó Thiên Chúa cư ngụ. Lương tâm như là một dạng “máy cảnh báo,” được đặt trong sâu thẳm lòng người, nơi đó tiếng của Thiên Chúa vang lên. Nhưng lương tâm có thể bị sai lạc và có những tiếng nói khác lấn át tiếng Thiên Chúa. Nên lương tâm cần được soi sáng và trợ giúp bởi Tin Mừng và giáo huấn của Giáo Hội.
Thứ đến, Chúa Giêsu tiếp tục nói với chúng ta qua Lời Chúa. Nhưng như chúng ta biết rõ rằng: Lời Chúa cũng có thể được giải thích theo những cách khác nhau hoặc bị hiểu sai. Bởi thế, Chúa Kitô đã ủy thác cho Giáo Hội nhiệm vụ gìn giữ và giải thích Lời Chúa một cách chân thật nhất. Chúa Giêsu nói: “Ai nghe các con là nghe Thầy.” Vì thế, thật quan trọng đối với chúng ta trong việc cố gắng hiểu giáo huấn của Giáo Hội, nhờ đó giúp chúng ta hiểu đúng ý nghĩa của Lời Chúa, như Giáo Hội hiểu và giải thích Lời Chúa, để chúng ta không rơi vào những chú giải sai lạc hoặc phiến diện theo truyền thông hôm nay.
Và thật quan trọng đối với chúng ta để biết nơi mà ngày hôm nay Chúa Giêsu đang nói và nơi mà Người không nói. Rõ ràng là Chúa Giêsu không nói qua những thầy phù thủy, những thầy bói toán, những thầy gọi hồn, những thầy coi tướng số. Họ vịn vào những thông điệp bên kia thế giới để đánh lừa người dễ tin; Chúa Giêsu cũng không nói qua những khóa hội thảo duy linh, nơi những thuyết huyền bí.
Trong Kinh Thánh, chúng ta đọc thấy những lời cảnh báo liên quan đến điều này:
“Giữa anh (em), không được thấy ai làm lễ thiêu con trai hoặc con gái mình, không được thấy ai làm nghề bói toán, chiêm tinh, tướng số, phù thuỷ, bỏ bùa, ngồi đồng ngồi cốt, chiêu hồn. Thật vậy, hễ ai làm điều ấy là điều ghê tởm đối với Đức Chúa, và chính vì những điều ghê tởm ấy mà Đức Chúa, Thiên Chúa của anh (em), đã trục xuất các dân tộc ấy cho khuất mắt anh (em)” (Đnl 18,10-12).
Đây là những cách thức kiểu mẫu của dân ngoại thực hành để liên lạc với thần linh, họ đọc tương lai nhờ những ngôi sao, hoặc xem những bộ lòng của loài vật, hoặc cánh chim để đoán số mệnh.
Với câu này của Thiên Chúa “các ngươi hãy vâng nghe lời Người,” tất cả điều này muốn nói rằng: Chỉ có một Đấng Trung Gian duy nhất giữa Thiên Chúa và con người là Đức Giêsu Kitô. Chúng ta không còn phải mò mẫm để nhận biết ý định Thiên Chúa, hoặc phải đi tư vấn nơi này hay nơi kia nữa. Trong Chúa Kitô, chúng ta có tất cả mọi câu trả lời cho những vấn nạn căn bản nhất của con người.
Nhưng đáng tiếc thay, ngày hôm nay, những phong tục mê tín này lại phổ biến khắp nơi. Bao giờ cũng thế, khi đức tin chân thật bị giảm sút, thì sự mê tín dị đoan lại gia tăng. Chúng ta thấy một trong những hiện tượng này là việc coi tướng số tử vi và bói toán.
Có thể nói rằng trên các trang báo chí và các trung tâm đài radio, hằng ngày người ta thường nói cho người đọc và người nghe về việc bói toán, số tử vi. Đối với những người trưởng thành có một chút khả năng để phê bình, họ cho rằng coi tử vi không gì hơn là trò đùa vô thưởng vô phạt, một dạng trò chơi hay trò tiêu khiển.
Tuy nhiên, chúng ta hãy nghĩ đến những hậu quả lâu dài. Não trạng nào được hình thành, đặc biệt nơi trẻ em hoặc người lớn? Đó là một não trạng cho rằng sự thành công trong đời sống không còn phụ thuộc vào những cố gắng, sự cần mẫn trong học tập và siêng năng trong công việc, nhưng là phụ thuộc vào yếu tố bên ngoài không thể xác định, nhờ sự may mắn.
Tệ hơn nữa: tất cả những điều này dẫn một người tới suy nghĩ rằng, chúng ta không còn có trách nhiệm về những điều tốt và điều xấu trong chúng ta, nhưng thuộc về “các ngôi sao.”
Chúng ta cũng cần nói đến một nơi khác mà Chúa Giêsu không nói, nhưng người ta cho rằng Người đã nói qua mọi thời đại: đó là những mạc khải riêng tư, những sứ điệp từ trời, những cuộc hiện ra và những tiếng nói của nhiều loại khác nhau.
Tôi không muốn nói rằng Chúa Kitô hoặc Đức Trinh Nữ không thể nói qua những hình thức này. Các Ngài đã nói qua những hình thức này trong quá khứ và dĩ nhiên, các Ngài cũng sẽ nói như thế cả ngày hôm nay nữa. Nhưng chỉ xin lưu ý rằng trước khi nói rằng đây là những lời nói của Chúa Giêsu và Đức Maria, chúng ta cần phải phân định và xem xét đây có phải là sự tưởng tượng bệnh hoạn của một ai đó, hay tồi tệ hơn, có phải đó là một sự mạo danh, khi người đó lợi dụng đức tin tốt lành của dân chúng để lừa bịp họ. Thật cần thiết phải có sự bảo đảm chắc chắn để tin họ.
Trong phạm vi này, chúng ta cần phải đợi chờ phán quyết của Giáo Hội. Chúng ta không được phán quyết trước Giáo Hội. Những lời của Dante vẫn còn hợp thời hôm nay: “Hỡi các Kitô hữu, hãy trở thành vững vàng hơn khi chúng ta tiến bước: đừng như những chim muông trước gió.”
Chúng ta kết thúc với lời của thánh Gioan Thánh Giá:
“Khi Chúa Cha nói về Chúa Giêsu trên núi Tabor: ‘Hãy lắng nghe lời Người,’ Thiên Chúa đã trở thành người câm lặng theo một nghĩa nào đó. Người đã nói tất cả; Người không còn gì mới để mạc khải nữa. Ai muốn hỏi về những mạc khải mới hoặc những câu trả lời mới, là xúc phạm đến Người, bởi vì Người đã bày tỏ chính mình một cách rõ ràng rồi. Thiên Chúa tiếp tục nói với mọi người cũng chính lời này: Hãy lắng nghe Người, hãy đọc Tin Mừng: Bạn sẽ tìm thấy ở đó, không hơn không kém, tất cả điều bạn tìm kiếm.” Amen!
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương
No comments:
Post a Comment