Friday, 12 March 2021

Thanh Tẩy Đền Thờ

CHÚA NHẬT III MÙA CHAY NĂM B

Xh 20,1-17; 1 Cr 1,22-25; Ga 2,13-25

Với Chúa Nhật I Mùa Chay, Lời Chúa dẫn chúng ta đi vào sa mạc cùng với Chúa Giêsu để chiến thắng các chước cám dỗ. Với Chúa Nhật II Mùa Chay, chúng ta lên núi cao để chiêm ngưỡng Chúa Giêsu biến hình. Với Chúa Nhật III này, Lời Chúa dẫn chúng ta đến đền thờ Giêrusalem để chứng kiến việc Chúa Giêsu thanh tẩy đền thờ.

1. Đền thờ Giêrusalem bị tục hóa

Đối với người Do Thái, đền thờ Giêrusalem là trung tâm điểm của toàn bộ đời sống con người. Bởi lẽ, đền thờ là nơi thánh thiêng, nơi Thiên Chúa ngự giữa dân Người, là nơi con người cầu nguyện và tôn thờ Thiên Chúa; đền thờ cũng là nơi con người gặp gỡ và nối kết với nhau.

Tuy nhiên, Tin Mừng thánh Gioan (Ga 2,13-25) cho biết: khi Chúa Giêsu lên thành Giêrusalem để dự lễ Vượt Qua của người Do Thái, Người chứng kiến cảnh tượng đền thờ đã bị “tục hóa.” Người ta biến đền thờ vốn là nơi thánh thiêng trở thành nơi buôn bán chiên bò, bồ câu, đổi chác tiền bạc… thành sào huyệt của bọn cướp (x. Lc 19,46). Trước sự phạm thánh này, Đức Giêsu đã bừng bừng nổi giận. Người liền lấy dây làm roi mà xua đuổi tất cả chiên cũng như bò và những người buôn bán ra khỏi đền thờ. Người nói: “Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán” (Ga 2,17).

Sự kiện này đã gây một sự chấn động lớn trong thành Giêrusalem. Đối với Chúa Giêsu, có lẽ đây là lần duy nhất trong cuộc đời, Người đã không thể chấp nhận và im lặng trước sự nhố nhăng làm tục hóa đền thờ. Quả đó là một “cơn giận thánh” của một ngôn sứ vì lòng nhiệt tâm Nhà Chúa. Nhưng hành động này cũng đã khiến cho những người lãnh đạo tôn giáo và những ai liên hệ vốn đã có thái độ thù địch với Chúa lại càng thù ghét Người hơn. Đó là lý do tại sao họ tìm cách giết Chúa Giêsu.

2. Đức Giêsu là đền thờ mới

Hành vi lật đổ bàn ghế của Chúa Giêsu là biểu tượng của việc Người lật đổ những quan niệm về đền thờ và cách thực hành tôn giáo trong Do Thái giáo. Người mang đến cho con người mạc khải mới mẻ về đền thờ. Khi người Do Thái thắc mắc: “Ông lấy quyền nào làm như thế?” Chúa Giêsu trả lời: “Các ông cứ phá hủy đền thờ này đi: nội trong ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại” (x. Ga 2,18-19). Người Do Thái hiểu đó là đền thờ Giêrusalem, nhưng Chúa Giêsu muốn ám chỉ thân thể Người.

Quả thế, với mầu nhiệm nhập thể, nhân tính trở thành đền thờ để thần tính Con Thiên Chúa cư ngụ. Ngôi Lời trở thành xác phàm và cư ngụ ở giữa chúng ta. Đức Giêsu Kitô là hình ảnh hữu hình của Thiên Chúa vô hình. Từ nay, việc tôn thờ Thiên Chúa không hệ tại ở nơi chốn, đền thờ, hay hy lễ, nhưng nơi một Con Người, là Đức Giêsu Kitô: “Nhưng giờ đã đến, và chính là lúc này đây, giờ những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật” (Ga 4,23).

Ai thấy Người là thấy Chúa Cha. Ai ở trong Người là ở trong Thiên Chúa (x. Ga 14,9).

Đặc biệt, với biến cố tử nạn và phục sinh, điều Chúa Giêsu nói đã ứng nghiệm. Quả thế, thập giá là nỗi ô nhục không thể chấp nhận đối với người Do Thái và là sự điên rồ đối với dân ngoại, giờ đây trở thành sức mạnh và là sự khôn ngoan của Thiên Chúa (x. 1 Cr 1,22-25). Ngôi đền thờ là thân thể Chúa bị phá hủy và sau ba ngày, Người xây dựng lại. Vì Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy từ cõi chết, sống lại nhờ Chúa Thánh Thần (x. Cv 2,24). Như thế, thân thể huyền nhiệm của Đấng Phục Sinh là Đền Thờ mới để thờ phượng Thiên Chúa.

3. Anh em là đền thờ của Thánh Thần

Các Kitô hữu sơ khai đã trải qua nhiều thế kỷ không có đền thờ, không có thánh đường, không có nhà thờ. Nhưng họ ý thức rằng cộng đoàn Giáo Hội (trong tiếng Hy Lạp ekklesia) chính là đền thờ đích thực của Thiên Chúa, là sự nối dài của thân thể Chúa Kitô và là đền thờ của giao ước mới.

Với giao ước này, những ai tin vào Chúa Giêsu và được rửa tội trong Thánh Thần đều trở thành đền thờ của Thiên Chúa. Thánh Phaolô vốn là người đã sống ở Giêrusalem, đã từng gắn bó với đền thờ Giêrusalem. Người hiểu rõ về vai trò và ý nghĩa của đền thờ vật chất. Nhưng khi trở lại và được tiếp nhận mạc khải mới mẻ của Đấng Phục Sinh, thánh Phaolô nói với các tín hữu ở Côrintô rằng: “Nào anh em chẳng biết rằng anh em là đền thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao?” (1 Cr 3,16).

Nơi khác, Người nói rõ hơn: “Anh em lại chẳng biết rằng thân xác anh em là đền thờ của Thánh Thần sao? Mà Thánh Thần đang ngự trong anh em là Thánh Thần chính Thiên Chúa đã ban cho anh em. Như thế, anh em đâu còn thuộc về mình nữa” (1 Cr 6,19).

Hơn thế, thánh Phaolô cảnh cáo: “Vậy ai phá huỷ đền thờ Thiên Chúa, thì Thiên Chúa sẽ huỷ diệt kẻ ấy. Vì đền thờ Thiên Chúa là nơi thánh, và đền thờ ấy chính là anh em” (1 Cr 3,17).

Trong thư gửi tín hữu Rôma, Người khuyên chúng ta: “Tôi khuyên nhủ anh em hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa. Đó là cách thức xứng hợp để anh em thờ phượng Người (Rm 12,1).

Như thế, đền thờ Thiên Chúa không chỉ là những đền thờ vật chất bằng gỗ đá, nhưng là chính tâm hồn mỗi Kitô hữu. Tâm hồn chúng ta là cung thánh của Thiên Chúa. Toàn bộ con người và đời sống chúng ta đều thuộc về Thiên Chúa, là nơi Thiên Chúa cư ngụ. Vì thế, chúng ta được mời gọi phải biết gìn giữ cho tâm hồn chúng ta thành nơi thánh thiêng, trong sáng, sạch sẽ, để xứng đáng là nơi Chúa Thánh Thần cư ngụ.

Nếu Chúa Giêsu đã “nổi giận” vì đền thờ Giêrusalem bị tục hóa. Chắc chắn Chúa cũng “khóc” và “nổi giận” khi đền thờ là tâm hồn chúng ta bị ô uế bởi tội lỗi. Vì thế, chúng ta hãy tuân giữ Mười Giới Răn mà Lời Chúa hôm nay mời gọi: “Ngươi không được thờ thần nào khác trước mặt Ta. Ngươi đừng lấy danh Chúa, Thiên Chúa ngươi, mà lường gạt, vì Chúa không thể không trừng phạt kẻ nào lấy danh Người mà lường gạt. Ngươi hãy nhớ thánh hoá ngày Sabbát. Ngươi hãy tôn kính cha mẹ, để ngươi được sống lâu dài trong xứ mà Thiên Chúa sẽ ban cho ngươi. Ngươi chớ giết người; chớ phạm tội ngoại tình; chớ trộm cắp; chớ làm chứng dối hại anh em mình; chớ tham lam nhà của kẻ khác; chớ ham muốn vợ bạn hữu, tôi tớ nam nữ, bò lừa và bất cứ vật gì của bạn hữu” (x. Xh 20,1-3.7-8.12-17).

Ước gì mỗi người chúng ta luôn ý thức gìn giữ nhà thờ và những nơi thánh thiêng được sạch sẽ, tôn nghiêm và thánh thiện, đồng thời chúng ta biết ý thức bảo vệ và gìn giữ tâm hồn mình thành ngôi đền thờ thiêng liêng luôn xứng đáng Thiên Chúa cư ngụ. Amen!

Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương

No comments:

Post a Comment