Saturday, 27 March 2021

Ý nghĩa cái chết của Chúa Giêsu

THỨ BẢY CHÚA NHẬT V MÙA CHAY
Ga 11,45-57
Chúng ta đang chuẩn bị bước vào Tuần Thánh, tuần cao điểm của năm phụng vụ, tuần cử hành đặc biệt cuộc tử nạn và phục sinh của Chúa Giêsu.
Lời Chúa hôm nay giúp chúng ta khám phá ý nghĩa cái chết của Đức Giêsu qua câu nói của thượng tế Caipha: “Thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt” (Ga 11,50).
Để hiểu ý nghĩa câu nói này, xin kể một câu chuyện:
Có một làng nọ hay xảy ra nạn ăn cắp, vị quan nọ ra chỉ thị, nếu ai ăn cắp sẽ bị đánh mười roi cá đuối. Luật của quan được phổ biến nhưng người ta vẫn bị ăn cắp. Vị quan tăng 20 roi. Lại vẫn không hết tệ nạn ăn cắp trong làng. Quan mới tăng 30 roi. Bất ngờ người ta phát hiện mẹ của quan chính là kẻ ăn cắp. Thương mẹ lắm, nhưng phải thi hành luật, nên quan cho lính bắt trói mẹ và cho đánh 30 roi. Tuy nhiên, khi bắt đầu thi hành án, vị quan cởi đồ áo ra và nằm trên người mẹ để chịu đòn thay cho mẹ.
Tác giả câu chuyện kết luận: đó là giây phút đẹp nhất, giây phút mà tình yêu và công lý gặp nhau!
Cũng như vị quan đã chịu đòn thay cho mẹ mình, cái chết Chúa ở trên thập giá là cái chết thay và vì tội lỗi chúng ta, để mang lại ơn cứu độ cho toàn thể nhân loại và quy tụ muôn dân thành một dân mới, tức là Giáo Hội.
Cái chết của Chúa trên thập giá là tột đỉnh của tình yêu của Thiên Chúa đối với loài người, đến mức Thiên Chúa trở nên đối nghịch với chính mình, Ngài đã trút bỏ mình, tự hạ và tự huỷ để nâng con người lên. Đây là tình yêu ở dạng thức cao nhất là agape, một tình yêu dám hiến mạng vì người mình yêu (ĐGH. Biển Đức XVI).
Vì là chứng nhân của khổ nạn Chúa, thánh Phêrô có những lời rất cảm động: “Tất cả tội lỗi của chúng ta, Đức Giêsu đã mang vào thân thể mà đưa lên cây thập giá, để một khi đã chết đối với tội, chúng ta sống cuộc đời công chính. Người phải mang những vết thương mà anh em đã được chữa lành” (1 Pr 2,24). Như lời than trong sách ngắm: “Ôi tội Adong cùng tội tôi độc dữ hơn mọi giống thuốc độc, vì đã làm cho Con Đức Chúa phải chịu trăm ngìn sự thương khó.”
Theo ý nghĩa đó, mỗi thánh lễ tái diễn lại hy tế thập giá khi linh mục đọc: “Này là Mình Ta sẽ bị nộp vì các con... Này là Máu Ta sẽ đổ ra cho nhiều người được tha tội.
Vì, thập giá là nguồn ơn cứu độ và tha thứ; thập giá là tột đỉnh tình yêu; thập giá là hy vọng duy nhất. Nên trong đêm tối lao tù của đế quốc xã, thánh Edit Stein suy ngắm thập giá Chúa và thốt lên rằng: “Tôi thấy bình minh của thế giới đang bắt đầu ló dạng ngang qua thập giá Đức Kitô.”
Khi suy ngắm ý nghĩa thập giá, chúng ta được mời gọi ý thức mình là tội nhân, cần phải sám hối trở về để hòa giải với Chúa và tha nhân qua bí tích hoà giải. Chúng ta hãy xa lánh tội lội để không làm cho Chúa Giêsu phải hấp hối và đau khổ thêm một lần nữa, như lời của Dinsmore: “Vẫn có một cây thập giá trong cung lòng Thiên Chúa trước khi cây thập giá đó được trồng trên một ngọn đồi bên ngoài thành thánh Giêrusalem. Và giờ đây, dù cây thập giá gỗ ấy đã bị loại trừ, cây thập giá đó vẫn còn trong cung lòng Thiên Chúa và nó sẽ vẫn còn bao lâu vẫn còn dù chỉ một tội nhân để cho Thiên Chúa phải đau khổ.”
Kính chúc mọi người bước vào Tuần Thánh với nhiều tâm sốt mến và thánh thiện. Amen!
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương

No comments:

Post a Comment