Friday, 12 March 2021

Thập giá, tột đỉnh tình yêu

CHÚA NHẬT IV MÙA CHAY NĂM B

 2 Sb 36,14-16.19-23; Ep 2,4-10; Ga 3,14-21

Trong Tin Mừng Chúa Nhật này, chúng ta tìm thấy một trong những câu nói đẹp nhất của Kinh Thánh: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16).

Để diễn tả tình yêu của Người đối với chúng ta, Thiên Chúa đã dùng những kinh nghiệm tự nhiên về tình yêu mà con người trao tặng cho nhau. Nhà thơ Dante cho rằng, tất cả mọi điều hữu hạn nơi thụ tạo đều diễn tả điều vô hạn nơi Thiên Chúa. Mọi tình yêu con người như tình yêu vợ chồng, phụ tử, mẫu tử, bạn bè là những trang của một cuốn sách, hoặc những ngọn lửa của đống lửa; chúng có nguồn gốc và tìm thấy sự viên mãn trong Thiên Chúa.

1- Những dạng thức tình yêu Thiên Chúa

Trước hết, trong Kinh Thánh, Thiên Chúa nói với chúng ta về tình yêu của Người qua hình ảnh của tình yêu phụ tử. Tình yêu phụ tử được thể hiện bằng sự cổ võ, khích lệ và thúc đẩy. Một người cha muốn người con của mình lớn lên, bằng cách ông khuyến khích người con cố gắng hết mình. Đây là lý do tại sao chúng ta ít nghe người cha ca ngợi con mình trước mặt nó. Vì ông sợ rằng nó nghĩ mình đã hoàn hảo rồi nên không cần phải cố gắng nữa.

Nét đặc trưng khác của tình yêu phụ tử là sửa dạy. Người cha là thầy dạy hướng dẫn và uốn nắn người con trưởng thành. Một người cha đích thực đồng thời cũng là người ban cho con cái sự tự do và an toàn, nhờ đó, người con cảm thấy mình được bảo vệ trong đời sống. Đây là lý do tại sao Thiên Chúa giới thiệu mình với con người qua hình ảnh “đá tảng và thành lũy” để bảo vệ con người, một “thành lũy vững vàng” trước những gian nan thử thách và lo lắng (x. Tv 27,1).

Nơi khác, Thiên Chúa nói với chúng ta qua hình ảnh tình yêu mẫu tử. Người nói: “Có phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình, hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau? Cho dù nó có quên đi nữa, thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ” (Is 49,15). Tình yêu của một người mẹ được ban nhờ sự đón nhận, cảm thương và sự dịu dàng; tình mẫu tử là một tình yêu sâu nặng và mênh mông như biển cả. Người mẹ luôn luôn đồng hành, bảo vệ con mình và can thiệp cho chúng trước mặt người cha. Kinh Thánh luôn nói về sức mạnh của Thiên Chúa như là sức mạnh của người cha; nhưng Kinh Thánh cũng nói về sự dịu dàng và từ tâm của Thiên Chúa như là sự dịu dàng và từ tâm của người mẹ. Đó là sự “dịu dàng mẫu tử.”

Nhờ kinh nghiệm, con người biết đến một dạng thức khác của tình yêu, tình yêu vợ chồng, đó là một thứ “tình yêu mãnh liệt như tử thần, cơn đam mê dữ dội như âm phủ. Lửa tình là ngọn lửa bừng cháy, một ngọn lửa thần thiêng” (Dc 8,6). Thiên Chúa cũng dùng hình thức tình yêu này để nói về tình yêu vô biên của Người đối với con người. Tất cả những danh từ mang sắc thái tình yêu giữa người nam và người nữ, bao gồm cả từ “quyến rũ” cũng được dùng trong Kinh Thánh để diễn tả tình yêu của Thiên Chúa đối với con người. Thiên Chúa quyến rũ chúng ta (x. Gr 20,7).

2- Đức Giêsu, sự viên mãn tình yêu

Khi đến trần gian, Chúa Giêsu kiện toàn tất cả những hình thức này của tình yêu: tình phụ tử, tình mẫu tử, tình vợ chồng (biết bao lần Người ví mình là một chàng rể (x. Mt 9,15); nhưng Người còn thêm vào một hình thức tình yêu khác: đó là tình bạn hữu. Người nói với các môn đệ: “Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy. Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết” (Ga 15,14-15).

Tình bạn hữu là gì? Nó có thể là một tương quan lớn hơn cả mối tương quan ruột thịt. Tương quan họ hàng hệ tại ở việc có cùng huyết tộc; tình bạn hệ tại ở việc có chung một quan điểm, lý tưởng và những quan tâm. Nó phát xuất từ lòng tin tưởng, nhờ đó tôi sẵn sàng thổ lộ cho người khác biết những tư tưởng, tâm tư, tình cảm sâu kín nhất, cũng như những kinh nghiệm riêng tư của mình.

Giờ đây, Chúa Giêsu gọi chúng ta là bạn hữu của Người, bởi vì những gì Người biết bởi Cha Trên Trời, Người đã mạc khải cho chúng ta, Người đã thổ lộ với chúng ta, tin tưởng chúng ta. Người đã xem chúng ta là những người bạn tri âm tri kỷ để chia sẻ với chúng ta những ẩn dấu của mầu nhiệm Ba Ngôi! Chẳng hạn, Chúa Giêsu mạc khải cho chúng ta biết rằng Thiên Chúa ưu thích những người bé mọn và những người nghèo, hay Người yêu chúng ta như người cha nhân hậu; hoặc Người chuẩn bị một nơi vĩnh cửu cho chúng ta.

3- Thập giá, tột đỉnh tình yêu

Hơn thế, Chúa Giêsu bày tỏ tình yêu lớn lao nhất của Người đối với chúng ta khi Người bước lên thập giá. Nơi thập giá, tình yêu của Người thể hiện qua ba năng động: Thứ nhất, tình yêu tự hạ (kenosis): Con Thiên Chúa trút bỏ địa vị cao cả, mặc lấy thân phận người Tôi Tớ đau khổ. Đây là tình yêu được thể hiện bằng chính hành động và dám hy sinh mạng sống mình vì bạn hữu; Thứ đến, tình yêu đảm nhận (ricapitolatio): Con Thiên Chúa cưu mang mọi đau khổ và tội lỗi của nhân loại, Người chịu chết thay cho chúng ta; Thứ ba, tình yêu tự hiến (agape): Người tự hiến vì chúng ta một cách vô điều kiện. Đây là tình yêu ở mức cao nhất. Bởi thế, thánh Gioan quả quyết: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13).

Như thế, Chúa Giêsu mang đến cho hạn từ “bạn hữu” một ý nghĩa đầy đủ nhất khi hiến mình để cứu độ chúng ta. Nhờ đó, chúng ta đón nhận được lòng thương xót Chúa và ơn cứu độ. Chính nhờ ân sủng và lòng tin mà chúng ta được sống và được cứu độ (x. Ep 2,4-10).

Chúng ta phải làm gì đối với tình yêu Chúa dành cho chúng ta? Chúng ta làm điều gì đó rất đơn giản thôi: hãy tin tưởng vào tình yêu của Thiên Chúa, hãy đón nhận tình yêu đó, hãy nhắc lại nhiều lần với thánh Gioan: “Còn chúng ta, chúng ta đã biết tình yêu của Thiên Chúa nơi chúng ta, và đã tin vào tình yêu đó!” (1 Ga 4,16).

Đồng thời, chúng ta được mời gọi đáp trả tình yêu của Chúa bằng việc tuân giữ các giới răn, xa lánh các dịp tội và quyết tâm không phạm tội nữa. Bởi lẽ, bao lâu còn phạm tội, bấy lâu Chúa Giêsu vẫn phải hấp hối và tiếp tục chịu chết một lần nữa vì chúng ta. Như lời của Dinsmore nói: “Vẫn có một cây thập giá trong cung lòng Thiên Chúa trước khi cây thập giá đó được trồng trên một ngọn đồi bên ngoài thành thánh Giêrusalem. Và giờ đây, dù cây thập giá gỗ đã bị loại trừ, cây thập giá đó vẫn còn trong cung lòng Thiên Chúa và nó sẽ vẫn còn bao lâu vẫn còn dù chỉ một tội nhân để cho Thiên Chúa phải đau khổ.”

Ước gì trong Mùa Chay thánh này, chúng ta nhìn lên thập giá và hoán cải đời sống mình để được sống đời đời. Amen!

Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương

 

 

 

No comments:

Post a Comment