Đọc dấu chỉ thời đại cũng giống như đọc dấu chỉ thời tiết, nghĩa là người ta nhìn hiện tượng để đoán nguyên nhân và hậu quả.
Chẳng hạn như, ngày xưa, khi chưa có khoa học, cha ông ta có kinh nghiệm này:
“Chuồn chuồn bay thấp thì mưa,
bay cao thì nắng, bay vừa thì râm.”
Hoặc là: “Ráng vàng thì gió, ráng đỏ thì mưa.”
Ngay nay, nhờ khoa học, người ta dự báo thời tiết rất chính xác: “Báo bão là có bão, báo mưa là có mưa, điều dự báo xảy ra một cách chính xác, vì người ta dùng vệ tinh từ trên cao chụp xuống.
Vào thời Chúa Giêsu, người Do Thái cũng rất giỏi khi quan sát cảnh sắc đất trời để dự đoán thời tiết, nhưng lại rất dốt đọc dấu chỉ thời đại. Họ không nhận ra (x. Lc 12,54-59).
Nhưng dấu chỉ thời đại mà Chúa muốn là gì? Xin thưa đó là Nước Trời đang hiện diện giữa họ mà họ không nhận ra. Nước Trời đó là Đức Giêsu, Con Thiên Chúa đang hiện diện giữa họ. Đó là dấu chỉ lớn nhất, hơn cả dấu chỉ Giôna ở trong bụng cá 3 ngày ở Cựu Ước. Đó là điều mà bao vị ngôn sứ loan báo và chờ đợi.
Lời khiển trách của Chúa Giêsu vẫn còn thời sự và ý nghĩa đối với chúng ta hôm nay. Chúng ta cũng được mời gọi đọc biết các dấu chỉ thời đại hôm nay. Bởi thế, Công Đồng Vaticanô nói rằng: “Để chu toàn nhiệm vụ ấy, lúc nào Giáo Hội cũng có bổn phận tìm hiểu tường tận những dấu chỉ của thời đại và giải thích dưới ánh sáng Phúc Âm; như vậy mới có thể giải đáp một các thích ứng với từng thế hệ những thắc mắc muôn thuở của con người về ý nghĩa cuộc sống hiện tại và mai hậu... Do đó, cần phải biết và thấu hiểu thế giới chúng ta đang sống với những chờ đợi, mong ước và cả tính chất thường là bi thảm của nó” (GS 4).
Vậy thời đại chúng ta xuất hiện những dấu chỉ lớn nào? Theo Công Đồng, đây là những dấu chỉ lớn thời đại:
1) Tình liên đới giữa các dân tộc (AL 14): ngày nay, hơn bao giờ hết, con người xích lại gần nhau hơn trong tình liên đới với nhau.
2) Đại kết (DOE 4): Thế giới đã thay đổi, Giáo Hội cũng đã thay đổi: các tôn giáo không còn nhìn nhau với ánh mắt chia rẻ và thù địch như xưa, nhưng có thể ngồi lại với nhau trong sự trân trọng, đối thoại và học hỏi lẫn nhau.
3) Mối quan tâm về tự do tôn giáo (LR 15): Đây là cảm thức mạnh mẽ của con người hôm nay mà các tổ chức và thể chế phải tôn trọng quyền tự do tôn giáo.
4) Sự cần thiết của nhiều hình thức tông đồ giáo dân (AL 1): Mô hình Giáo Hội đã thay đổi và phải thay đổi, không còn theo mô hình kim tự tháp của thời Trung Cổ nữa, nhưng là mô hình hình tròn hiệp thông, trong đó giáo dân chiếm đa số và dưới nhiều hình thức để truyền giáo cho con người hôm nay, họ mới có thể sống len lỏi giữa đời để làm chứng cho Chúa. Đặc biệt vai trò phụ nữ lên ngôi, nên cần phải chuẩn bị cho dấu chỉ này.
Sau hơn 50 năm hậu Công Đồng, theo tôi, xuất hiện thêm những dấu chỉ mới thời đại, đó là:
5) Hiện tượng tục hóa, giải thiêng tôn giáo: Bên cạnh những ánh sáng, hiện tượng tục hóa và giải thiêng là dấu chỉ khác của thời đại, đây cũng là mảng tối của bức tranh. Con người chạy theo vật chất, hưởng thụ, cá nhân chủ nghĩa, và xa rời niềm tin tôn giáo, họ không còn đến nhà thờ, giữ đạo và cảm thấy đủ với thế giới của mình.
6) Phát triển vượt bậc của công nghệ 4.0 và trí tuệ nhân tạo. Đây là hồng ân của Thiên Chúa ban cho chúng ta và cũng là thành quả của khoa học kỹ thuật. Chúng ta thừa hưởng những sản phẩm của công nghệ 4.0 như điện thoại thông minh, máy tính, mạng internet, robot, mass media, truyền hình v.v... chúng ta cần tin mừng hóa không gian mạng và các phương tiện này để dùng chúng tin mừng hóa thế giới và con người hôm nay.
7) Thế giới trở nên phẳng: thế giới này trước đây được quan niệm là “trời tròn, đất vuông,” sau đó, với Columbus, trái đất tròn, trời bao la. Ngay nay, người ta cho rằng thế giới này đã và đang trở nên phẳng theo ngôn ngữ của Frieman (Flat world) nhờ công nghệ 4.0. Nó xóa bỏ hết mọi ngăn cách về địa lý, thời gian, quốc gia, chủng tộc, văn hóa, tôn giáo, ngôn ngữ... Thế giới phẳng nên mỗi người có cơ hội như nhau, có thể là công dân toàn cầu. Nên ngay nay tiêu chí đánh giá cũng thay đổi, chất lượng, tính giá trị không còn chỉ theo vùng miền, khu vực, mà phải là mang tính toàn cầu, quốc tế... Tư duy theo tiêu chuẩn toàn cầu, kinh tế cũng theo tiêu chuẩn toàn cầu, đào tạo cũng theo tiêu chuẩn toàn cầu nếu muốn hội nhập và làm công dân toàn cầu.
Đó là những dấu chỉ thời đại mà chúng ta cần đọc để biết và sống, cũng như để thi hành tốt sứ mạng của mình cho con người hôm nay.
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương
cảm ơn Cha đã có những bài viết sâu sắc và ý nghĩa.
ReplyDeleteCha có thể đánh cỡ chữ to hơn được không ạ, con đọc mà thấy chữ nhỏ quá
xin cảm ơn Cha nhiều.
con chúc Cha nhiều sức khỏe và bình an trong mọi sự