Monday 3 October 2022

Đúc kết Hội nghị Thường niên các Đại Chủng viện Việt Nam

TỪ NGÀY 04 ĐẾN 09/7/2022 TẠI TOÀ GIÁM MỤC ĐÀ LẠT

1. Sau ba năm không thể tổ chức vì đại dịch Covid 19, năm nay, nhờ ơn Chúa, hội nghị thường niên các Đại Chủng viện Việt Nam được tổ chức tại Tòa Giám mục Đà Lạt, từ ngày 04 đến 09 tháng Bảy năm 2022, trong bối cảnh toàn thể Giáo hội đang thực hiện tiến trình hiệp hành ở cấp giáo phận và Giáo hội Việt Nam đang hướng đến tiến trình phong thánh cho Đức cha Francois Pallu và Đức cha Pierre de la Motte. Với bối cảnh đó, chủ đề được chọn cho hội nghị lần này là: “CON ĐƯỜNG LOAN BÁO TIN MỪNG VÀ XÂY DỰNG GIÁO HỘI VIỆT NAM CỦA ĐỨC CHA PIERRE LAMBERT DE LA MOTTE VÀ VIỆC ĐÀO TẠO LINH MỤC TRONG BỐI CẢNH TIẾN TRÌNH HIỆP HÀNH VÀ HẬU COVID 19”.

Hội nghị được tiến hành dưới sự chủ tọa của Đức cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng, Giám mục giáo phận Phan Thiết, Chủ tịch Ủy ban Giáo sĩ và Chủng sinh. Hội nghị lần này quy tụ 68 linh mục đang làm việc tại 11 Đại Chủng viện và 27 giáo phận, 11 linh mục dòng đến từ các Dòng Tu tại Giáo hội Việt Nam. Nét đặc trưng của hội nghị lần này còn có sự hiện diện và tham dự đặc biệt của 25 các nữ tu đến từ các Dòng Tu Mến Thánh Giá Việt Nam như một hình ảnh sống động về Giáo hội hiệp hành và một gia đình duy nhất.

Cuộc hội thảo này nhắm giúp các tham dự viên có cơ hội và thời gian học hỏi, suy tư, chia sẻ di sản thiêng liêng và chứng tá truyền giáo mà hai Đức cha Francois Pallu và Lambert de la Motte đã để lại cho Giáo hội Việt Nam; nhờ đó, các tham dự viên “ôn cố tri tân”, rút ra những bài học quý giá cho công cuộc đào tạo linh mục trong bối cảnh hiện nay.

Theo định hướng đó, chương trình nghị sự đã được khai triển dựa trên 7 đề tài thuyết trình:

2. Đề tài I: “Đào tạo linh mục: Đào tạo ‘người môn đệ truyền giáo’ trong bối cảnh hướng đến tiến trình phong thánh Đức Cha Pierre Lambert de la Motte.

(Do Đức cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng thuyết trình)                

Đức cha chủ tích đề ra cho hội nghị: học từ Đức cha Lambert và theo Ratio 2016, các nhà đào tạo hướng công việc đào tạo linh mục vào việc giúp các ứng sinh trở thành “những môn đệ truyền giáo” (missionary disciple). Chính vì thế ngài sơ lược cuộc đời, linh đạo của Đức cha Lambert, cũng như tiến trình xin phong thánh cho ngài, mà toàn Giáo hội Việt Nam sẽ tham gia vào như một dấu chỉ biết ơn.

Ý thức rõ Giáo hội tại Việt Nam đang sống giữa đại dương của các anh chị em lương dân, tác giả cho thấy Đức cha Lambert để lại cho Giáo hội tại Việt Nam bổn điểm nếu muốn làm cho sứ vụ truyền giáo sinh hoa kết quả: 1) Linh đạo tập trung đời sống vào “Đức Giêsu chịu đóng đinh.” 2) Hiệp thông với Tòa Thánh. 3) Hiệp nhất mọi thành phần Dân Chúa trong địa phận và tôn trọng vai trò phụ nữ nơi các nữ tu Mến Thánh Giá. 4) Cộng tác và sống tình bạn với Đức Cha Pallu để chu toàn sứ vụ.

3. Đề tài II: “Đức cha Pierre Lambert de la Motte: Người môn đệ yêu mến và hướng trọng lòng trí, cuộc sống vào “Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh.”

(Do Nữ tu Cecilia Trần Thị Thanh Hương thuyết trình)

Bài viết cho thấy hành trình đào tạo chính mình của Đức cha Lambert về thiêng liêng và mục vụ trong bối cảnh xã hội, Giáo hội cũng như gia đình. Từ trải nghiệm thời thơ ấu, nhờ những bậc thầy thiêng liêng trong dòng linh đạo Pháp, nhờ tiếp xúc với những tác phẩm thiêng liêng có giá trị, Đức Cha Lambert từng bước để Thánh Thần đào tạo chính mình. Hành trình thiêng liêng đó đạt mức trưởng thành trong cuộc tĩnh tâm 40 ngày giữa miền truyền giáo khi ngài dứt khoát, triệt để và tuyệt đối nhìn lên Đức Kitô chịu đóng đinh là đối tượng duy nhất. Trong ngọn lửa đó, ngài khát khao làm cho muôn dân nhìn lên Đức Kitô chịu đóng đinh qua những người tín hữu yêu mến Thánh Giá trong mối hiệp thông bền chặt giữa Hội Tông Đồ, Hội Tín hữu Mến Thánh Giá và Dòng nữ Mến Thánh Giá. Ngài không chỉ viết hay giảng dạy. Chính ngài thực hành và sống linh đạo ấy khi để ý đến “chiều kích chiêm niệm, tinh thần khổ chế, và tinh thần tông đồ.”

Đó là cách thức Đức cha Lambert sống và giúp các tín hữu sống mầu nhiệm Giáo hội như đoàn Dân Thiên Chúa cùng nhau tiến bước trên đường Giêsu chịu đóng đinh, giữa những đau khổ trên quê hương này.

4. Đề tài III: “Bình vẫn chưa hề cũ – Một thoáng nhìn về văn kiện Monita ad Missionarios”

(Do Cha Giuse Trương Đình Hiền thuyết trình)

Tựa đề thật thú vị. Bài viết mang nhiều chất lịch sử về tài liệu “Monita ad Missionarios”; tác giả coi nó là một văn kiện ‘đổi mới việc truyền giáo tại Á Châu’ theo hướng đi của Công đồng Trento, và theo Huấn thị 1659 của Thánh bộ Truyền giáo (1622). Tuy nhiên, trong ánh sáng của Giáo hội hậu Vatican II, ta biết “Bình vẫn chưa hề cũ”, nhưng bình cũng cần phải được tân trang và đổi mới.

Bài viết muốn “tìm một lối sống Tin Mừng triệt để hơn” trong văn kiện đó. Giáo hội được thay đổi tầm về thế giới rộng lớn hơn Âu Châu, và Thánh Thần vẫn hoạt động qua những điều tốt lành của các nền văn hóa và tôn giáo khác. Thực tại đó đòi Giáo hội phải hoán cải thật sự về thần học, về truyền giáo và chính trị. Giáo hội phải từng bước chuyển mình từ một thái độ đóng băng trước thế giới sang một thái độ rộng mở hơn qua nhiều bài học thành công và thất bại của mình.

Trong ánh sáng hoán cải này, này sinh “Monita ad Missionarios”. Văn kiện làm việc trên các bản tường trình 1625, 1628 và 1644 để đưa ra Huấn thị 1659. Từ đó phát sinh văn kiện Monita ad Missionaries. Và theo tác giả, văn kiện này được trình bày theo phương pháp “xem, xét, làm” hay “nhìn nhận, giải thích và lựa chọn”.

5. Đề tài IV: “Đường hướng đào tạo linh mục theo Huấn thị cho các thừa sai Monita ad Missionarios của Đức cha Pallu và Đức cha Lambert”

(Cha Gioan Trần Văn Thức thuyết trình).

Tác giả đào sâu văn kiện Monita. Trước bối cảnh là sự sa sút thiêng liêng và truyền giáo của các thừa sai văn kiện muốn các thừa sai: trải nghiệm thiêng liêng, bộc lộ là người thần nghiệm, có khả năng đối thoại và gần gũi với dân chúng bình dị, trình bày một Kitô giáo như Thiên Chúa nhập thể yêu thương những người bé mọn.

Tác giả cho thấy văn kiện trình bày một khoa tu đức và linh đạo truyền giáo, được kết hợp bởi hai diện mạo không chia lìa: Không và Có. KHÔNG: 1) Với tiền bạc, ham mê của cải; 2) với danh vọng, quyền lực, tự phụ và phù phiếm biểu lộ qua việc mua tậu, buôn bán… 3) Với những mưu chước của ma quỷ, trong thù hận, ghen tuông, ganh đua. 4) Với bất kỳ hình thức bạo lực nào trong rao giảng Tin Mừng.

Và CÓ: 1) Với cầu nguyện liên lỉ để gắn bó với Chúa; 2) Với hy sinh để nên giống Chúa; 2) Với ngôn ngữ của dân chúng. 3) Với cuộc sống chứng ta, luôn làm việc thiện. 4) Với việc cố gắng tìm hiểu văn hóa, tập tục và những nét tích cực nời truyền giáo.

Bằng cách đó, văn kiện Monita vẫn hợp thời cho hôm nay trong chiều sâu của nó: trung thành với Ngôi vị Đức Kitô một cách sáng tạo.

6. Đề tài V: “Thành lập hàng giáo phẩm tiếp nối tinh thần của Đức cha Lambert”

(Do Cha Phêrô Nguyễn Thanh Tùng thuyết trình)

Lịch sử thiết lập Hàng Giáo sĩ cũng như Hàng Giáo phẩm tại Việt Nam được Toà Thánh giao cho Đức cha Lambert và Pallu. Và các ngài đã nỗ lực hiện thực, giữa những khó khan của bối cảnh bách hại, chính trị và xã hội đang đổi thay.

Với những công khó và kinh nghiệm độc đáo của cha Đắc Lộ về nhu cầu thiết lập Hàng Giáo sĩ địa phương, Đức Cha Lambert tiếp tục con đường ấy. Chính ngài đã cố gắng kiếm được những người xứng đáng cho tác vụ linh mục, canh tân Hội Thầy Giảng của cha Đắc Lộ, mở rộng tổ chức Nhà Đức Chúa Trời, thành lập Nữ Tu Mến Thánh Giá… Bằng cách đó, Giáo hội tại địa phương được vững mạnh với Đức cha Pierre Lambert de la Motte được bổ nhiệm làm Giám mục đại diện Tông tòa cho Đàng Trong và Đức cha Francois Pallu cho Đàng Ngoài.

Tuy nhiên, việc thiết lập Hàng Giáo phẩm còn phải đợi thời gian cho mãi đến Tông sắc Venerabilium Nostrorum, ngày 24/11/1960. Có thể nói, Đức cha Lambert lúc này trên thiên đàng đang hân hoan trước hồng ân của Thiên Chúa cho Giáo hội tại Việt Nam.

 Đề tài VI: “Hoạt động loan báo ‘Đức Giêsu chịu đóng đinh’ của Đức cha Lambert”

(Do Cha Đaminh Ngô Quang Tuyên thuyết trình)

Nếu theo tựa đề, bài viết lẽ ra phải khảo cứu về những hoạt động truyền giáo của Đức cha Lambert. Thế nhưng tác giả lại biến nó thành bài viết liên quan đến khoa linh đạo truyền giáo của một người thật sự yêu mến Thánh Giá và chỉ nhìn lên Đức Kitô chịu đóng đinh.

Tác giả cho thấy chân dung của Đức cha Lambert như nhà truyền giáo chỉ nhìn lên Đức Kitô chịu đóng đinh và qua đó giới thiệu cho các môn đệ của ngài hôm nay: Hãy trở nên người “chiêm niệm trong hoạt động truyền giáo” của mình. Nhà thừa sai sống mầu nhiệm Đức Kitô “được sai đi” hằng ngày trong niềm yêu mến Giáo hội và nhân loại như Đức Kitô yêu mến. Nhà thừa sai đích thực phải là một vị thánh.

9. Đề tại VII: “Hoạt động truyền giáo của các Hiệp hội Tín hữu Mến Thánh Giá”

(Do Nữ tu Maria Trần Thị Tuyết Mai thuyết trình)

Với sự hiểu biết chuyên môn của mình, tác giả đã khéo léo trình bày những bước tiến của Đức cha Lambert về việc thành lập các tổ chức Mến Thánh Giá, với linh đạo Mền Thánh Giá làm nền tảng. Chúng ta sẽ thấy ngài tổ chức ba hiệp hội: Hội Tông đồ, Hội Tín hữu Mến Thánh Giá và Dòng tu Nữ Mến Thánh Giá. Trong cả ba hiệp hội này, chỉ có một khoé nhìn duy nhất về Đức Kitô chịu đóng đinh, yêu mến và vâng phục Giáo hội, sống giản dị với anh chị em nghèo của chính Đức Kitô.

Tất cả đều được sinh động bởi một cơ bản thần học và thiêng liêng: người tông đồ mến Thánh Giá hoàn toàn nên một với Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh, đến độ “LÀ NGÀI” trong mức độ kết hiệp thiêng liêng nào đó. Chính đây là nền tảng vững bền cho mọi hoạt động truyền giáo của đoàn sủng mến Thánh Giá mà Thiên Chúa đã trồng vào Giáo hội tại Việt Nam.

10. Và những kinh nghiệm quý báu từ những chia sẻ, gặp gỡ và cử hành

Ngoài những giờ thuyết trình, mỗi ngày, hội nghị còn tổ chức những giờ thảo luận chung, chia sẻ nhóm, thánh lễ và gặp gỡ cá nhận để trao đổi những kinh nghiệm truyền giáo, hiểu biết, thông tin về việc huấn luyện, và việc giảng dạy trong các Chủng viện ở Việt Nam. Qua đó, mỗi người làm giàu thêm kinh nghiệm và củng cố cho xác tín riêng. Nhìn thấy những đại diện đến từ các miền khác nhau của đại gia đình Giáo hội Việt Nam, mỗi người một vẻ, khác biệt, đa dạng, phong phú về tuổi tác, trình độ văn hóa, vùng miền, và kinh nghiệm sống, nhưng lại hiệp nhất trong một đức tin, một Giáo hội và một sứ vụ truyền giáo, các tham dự viên được sống kinh nghiệm “hiệp hành” và cảm nghiệm tính duy nhất và phổ quát của Giáo hội tại cuộc hội thảo này.

Nhờ cuộc hội thảo này, noi gương hai vị Giám mục Tông tòa tiên khởi Việt Nam, cùng với những xác tín và ý thức đổi cần mới bản thân cho phù hợp với sứ vụ của mình, mỗi nhà đào xác tín rằng phải hướng tất cả công cuộc đào tạo linh mục tới sứ vụ truyền giáo. Các chủng sinh được đào tạo không phải trở thành những nhà quản trị, những công chức, những ông chủ, nhưng là những mục tử, những “môn đệ truyền giáo” với 4 sự gần gũi: gần gũi với Chúa, gần gũi với Bề trên, gần gũi với anh em linh mục và gần gũi với Dân Chúa như Đức Giáo hoàng Phanxicô và Dân Chúa hôm nay mong đợi.

Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương

Thư ký Hội Nghị

 

 

 

 

No comments:

Post a Comment