Saturday, 9 September 2017

Con đường Chúa đi

Chúa Nhật XXII Thường niên A

Chúa Nhật vừa rồi, chúng ta đã tìm hiểu câu hỏi “Đức Giêsu là ai?”qua câu trả lời của dân chúng và của thánh Phêrô. Hôm nay, chúng ta tìm hiểu về sứ vụ cứu độ hay con đường mà Chúa Kitô phải thực hiện để cứu độ loài người, đó là con đường thập giá, và điều kiện để theo Chúa. Chúng ta lần lượt dừng lại ba điểm chính yếu sau đây từ bài Tin Mừng:

1- Thập giá, một con đường phải đi
Sau khi Phêrô tuyên tín: “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống.” Chúa Giêsu khen ngợi Phêrô và gọi ông là đá “trên đá này, Thầy sẽ xây dựng Hội Thánh của Thầy.” Trong bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu tiên báo cho các môn đệ biết con đường thập giá mà Người phải đi qua: “Người phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ… rồi bị giết chết và ngày thứ ba sẽ sống lại” (Mt 16,21).

Đây là mạc khải gây sốc! Đây là những lời nghe rất chói tai và không thể chấp nhận được đối với các môn đệ lúc bấy giờ. Vì thế, Phêrô đã ngăn cản Chúa Giêsu bước vào con đường này. Bởi lẽ, lời tiên báo này hoàn toàn trái ngược với những gì họ hình dung và chờ đợi về Đấng Messia. Họ tin rằng Đức Giêsu là Đấng Messia, nhưng họ không thể chấp nhận một Đấng Messia phải chịu đau khổ và bị giết. Họ hình dung một kiểu Messia mang màu sắc chính trị; Người đến trong quyền năng và sức mạnh của Thiên Chúa để giải phóng dân tộc Do Thái thoát khỏi ách đô hộ của đế quốc La Mã; Người sẽ giải quyết những khó khăn và mang lại cho họ một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Nhưng Chúa Giêsu quở trách Phêrô khi nói rằng: “Xatan, lui lại đằng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người” (Mt 16,23). Nếu trước đó Phêrô được gọi là đá tảng vững chắc để xây dựng Hội Thánh, giờ đây, Phêrô lại trở thành “viên đá gây cớ vấp ngã,” bởi ông không chấp nhận thập giá và ngăn cản Chúa đi vào con đường khổ nạn. Cũng như Phêrô, chúng ta cũng thường có cám dỗ hình dung và sáng chế một Thiên Chúa theo quan niệm và hình ảnh của chúng ta. Chúng ta muốn một vị Thiên Chúa theo nhu cầu và ước muốn mình hơn là vị Thiên Chúa theo mạc khải của Chúa Kitô. Chúng ta muốn theo Chúa Kitô nhưng không muốn chấp nhận thập giá của Chúa Kitô.

Tuy nhiên, đối với Chúa Giêsu, thập giá là con đường cứu độ, là sứ vụ mà Người phải thực hiện. Chúa Kitô chọn con đường thập giá để cứu độ loài người, vì qua thập giá Người đi tới vinh quang. Thập giá mạc khải cho chúng ta biết về Thiên Chúa và tình yêu tuyệt vời của Người. Thập giá là sự điên rồ đối với con người, nhưng đã trở thành sự khôn ngoan của Thiên Chúa.

2- Điều kiện làm môn đệ Chúa
Đức Giêsu đã mở ra một con đường và mời gọi những ai muốn theo Người bước theo: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16,24).

Quả thế, đời sống Kitô hữu hệ tại trong việc “theo Thầy” hay “theo sát dấu chân Chúa Giêsu.” Làm môn đệ Chúa Giêsu có nghĩa là ở với Người, bước theo Người, và sống như Người. Càng gần với Chúa, càng nên giống Chúa, càng là môn đệ đích thực của Chúa. Để theo Chúa, chúng ta được mời gọi hãy “từ bỏ chính mình và vác thập giá mình mà theo”. Ở đây chúng ta cần tìm hiểu thành ngữ “từ bỏ chính mình” có nghĩa là gì? Chắc chắn Chúa Giêsu không có ý nói đến tự tử hay từ bỏ sự sống mình. Chúa Giêsu không đòi hỏi phải từ bỏ “điều chúng ta là”, những gì tốt đẹp nơi chúng ta, nhưng là “điều cản trở chúng ta trở nên.” Chúng ta là hình ảnh của Thiên Chúa, vì thế, chúng ta có điều gì đó rất quý giá. Nói cách khác, những khuynh hướng xấu, tội lỗi, tất cả những điều đã làm cho hình ảnh của Thiên Chúa nơi chúng ta bị hoen ố, xấu xí và méo mó. Chúng ta hãy từ bỏ chúng và phục hồi vẻ đẹp, sự thánh thiện và tốt lành nơi tâm hồn chúng ta. Bỏ mình cũng có nghĩa là từ bỏ “cái tôi ích kỷ” ngăn cản chúng ta đến với Chúa và tha nhân. Bởi vì, cái tôi ích kỷ là kẻ thù của sự thánh thiện, khi cái tôi trở thành trung tâm vũ trụ, chúng ta trở nên kiêu ngạo và không còn khả năng nhận ra Thiên Chúa và tha nhân nữa. Nên để theo Chúa, cần phải từ bỏ mình, từ bỏ ý riêng, cái tôi ích kỷ, từ bỏ tư lợi hẹp hòi, như thế, chúng ta mới dành cho Chúa những không gian cần thiết, để cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn vào đường lối của Thiên Chúa, trở thành những môn đệ đích thực của Chúa.

3- “Mất - được”, một lôgic biện chứng
Phần cuối bài Tin Mừng Chúa Giêsu nói về một điều mới mẻ, đó là logic “mất - được” : “Ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất, còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy” (Mt 16,25).

Những lời của Chúa Giêsu xem ra đi ngược với trào lưu cuộc sống hiện tại. Thế giới xung quanh chúng ta và cả chúng ta đều bị ảnh hưởng bởi não trạng của một nền văn hóa hậu hiện đại. Con người hôm nay chạy theo lợi nhuận, sở hữu vật chất và hưởng thụ thú vui như là mục đích của đời sống. Người ta chủ trương: “Cần phải tận hưởng cuộc sống tối đa, hãy hưởng thụ và hãy làm điều bạn thích.” Sống trong một não trạng như thế, chúng ta cũng bị ảnh hưởng tinh thần thế gian. Chúng ta muốn trốn chạy thập giá và hy sinh. Bởi thế, thánh Phaolô trong bài đọc II nhắc nhở chúng ta: “Anh em đừng có rập theo đời này, nhưng hãy cải biến con người anh em bằng cách đổi mới tâm thần, hầu có thể nhận ra đâu là ý Chúa; cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo” (Rm 12,2).

Trong bối cảnh đó, lời mời gọi của Chúa Giêsu hôm nay lại càng có tính thời sự. Chúa thách thức chúng ta với logic “mất - được.” Ai dám mất mạng sống mình vì Thầy, người ấy sẽ tìm lại được sự sống. Ai dám hiến mình, trao ban, người đó sẽ tìm lại được một cách sung mãn và phong phú. Đây là quy luật của sự sống, của hạnh phúc và tình yêu. Đây là biện chứng của logic “mất – được”. Sự vị kỷ sẽ làm cho đời sống con người bế tắc, nghèo nàn, như câu chuyện thần thoại Hy Lạp về chàng Narcissus, anh ta chỉ yêu mình, say mê mình, nên kết thúc đời mình bằng cái chết vô tích sự trên bờ hồ. Nhưng chỉ tình yêu, hiến dâng và phục vụ tha nhân vụ mới mang lại cho cuộc sống chúng ta sự phong phú và niềm hạnh phúc đích thực.

Trong lịch sử, có biết bao người đã sống theo lý tưởng này, họ đã hiến mình để tìm hạnh phục của người khác, họ đã hy sinh chính mình vì người khác, nên họ được nhận lại một cách dồi dào và phong phú hơn ai hết, như các thánh, các nhà truyền giáo, như các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu trên thế giới. Chẳng hạn như một Mẹ Têrêsa Calcutta, một Phanxicô Xaviê, một Charles de Foucauld, một Maximiliano Kolbe, như các thánh Tử Đạo Việt Nam v.v… Họ là những người đã đi theo con đường của Đức Giêsu khi hiến thân phục vụ tha nhân. Họ đã tìm lại được sự sống một cách viên mãn và phong phú nhất.

Xin cho mỗi người chúng ta cũng biết bước theo Thầy Chí Thánh khi biết từ bỏ chính mình và vác thập giá của mình mỗi ngày mà theo Chúa, cũng biết hiến mình phục vụ tha nhân. Amen!