Monday, 13 November 2017

Tháng Linh Hồn, suy niệm về sự chết

Chúng ta đang ở trong tháng 11 là tháng cầu nguyện cách đặc biệt cho các Đẳng Linh Hồn. Đây cũng là thời điểm mà năm phụng vụ bước vào những tuần cuối cùng. Giáo Hội mời gọi chúng ta hướng nhìn về phía trước, tới những thực tại cuối cùng, trong đó có sự chết.

Khi đối diện với cái chết, thánh Phaolô giải thích cho các tín hữu Thexalônica biết phải có thái độ nào và để an ủi các tín hữu đang đau buồn vì sự ra đi của những người thân, thánh Tông Đồ viết: “Thưa anh em, về những ai đã an giấc ngày thu, chúng tôi không muốn anh em chẳng hay biết gì, hầu anh em khỏi buồn phiền như những người khác, là những người không có niềm hy vọng. Vì nếu chúng ta tin rằng Đức Giêsu đã chết và đã sống lại, thì chúng ta những người đã an giấc trong Đức Giêsu, sẽ được Thiên Chúa đưa về cùng Đức Giêsu… Vậy anh em hãy dùng những lời ấy mà an ủi nhau” (1 Tx 4,13-14.18).
Trong dụ ngôn nổi tiếng về mười cô trinh nữ đi đón chàng rể, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta phải sống như thế nào khi thần chết gõ cửa chúng ta: “Vậy anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào, giờ nào” (Mt 23,13). Rõ ràng trọng tâm của dụ ngôn mười cô trinh nữ không phải là chết, nhưng là sự trở lại của Chúa. Tuy nhiên, trong thực tế, đây là hai điều xảy ra cùng lúc đối với mỗi người tín hữu.
Vì thế, trong bối cảnh đó, sẽ rất phù hợp và ý nghĩa để chúng ta suy tư về chủ đề chết qua những điểm sau: 1) Chết, sự thật khó chấp nhận; 2) Chết để sống; 3) Phải chuẩn bị cho mình chết thế nào?
1- Chết, sự thật khó chấp nhận
Vậy đức tin Kitô giáo nói gì về chết? Đó là điều đơn giản nhưng rất lớn lao: rằng chết là sự thật rất hiển nhiên, ai cũng phải chết, đơn giản vì như thế, nhưng chết là khó khăn lớn nhất trong những vấn nạn của con người, nhưng Chúa Kitô đã chiến thắng cái chết! Nhờ đó cái chết của con người không còn như trước nữa, một điều gì đó đã quyết định và đã thay đổi. Chết đã bị đánh mất nọc độc của nó, như con rắn bị lấy đi nọc độc thì nó chỉ còn khả năng làm cho nạn nhân mê đi một lúc, chứ không có thể giết chết nạn nhân được. Kinh Thánh nói: “Hỡi tử thần, đâu là chiến thắng của ngươi? Hỡi tử thần, đâu là nọc độc của ngươi (1 Cr 15,55)?
Nhưng Chúa Giêsu đã chiến thắng sự chết như thế nào? Người đã không chạy trốn cái chết, nhưng Người đã chiến thắng sự chết như một kẻ thù bị đẩy lùi. Người đã chiến thắng bằng việc chấp nhận chịu chết. Người đã niếm trải tất cả mọi sự cay đắng của cái chết nơi mình. Người đã chiến thắng sự chết từ bên trong, chứ không phải từ bên ngoài. “Khi còn sống kiếp phàm nhân, Đức Giêsu đã lớn tiếng kêu van khóc lóc mà dâng lời khẩn nguyện nài xin lên Đấng có quyền năng cứu Người khỏi chết” (Hr 5,7). Thật vậy, chúng ta có một thượng tế đã biết cảm thương về nỗi sợ chết của chúng ta. Người biết rất rõ chết là gì! Ba lần trong Tin Mừng chúng ta đọc: Chúa Giêsu đã khóc và hai lần Người khóc trước nỗi đau đối với người chết. Trong vườn Dầu, Chúa Giêsu đã sống cho đến tận cùng kinh nghiệm nhân loại trước cái chết. “Người bắt đầu lo sợ và bồn chồn,” Tin Mừng kể.
Chúa Giêsu đã không đi vào cái chết như người hùng khi biết rằng sự phục sinh sẽ đưa Người ra khỏi cái chết vào đúng lúc. Tiếng kêu trên thập giá: “Lạy Chúa con, lạy Chúa con, sao ngài bỏ con?” cho thấy rằng Chúa Giêsu đã chết như chúng ta, như một người đi qua một ngưỡng cửa tới nơi tối tăm và không còn thấy điều gì nữa để chờ đợi. Người chỉ còn dựa vào niềm trong cậy vững vàng vào Chúa Cha mà Người đã kêu lên: “Lạy Cha, con xin phó thác linh hồn con trong tay Cha” (Lc 23,46).
2- Chết để sống
Nhưng điều gì xảy ra, khi bước đi qua ngưỡng cửa tối tăm đó? Con người đó mang trong mình Ngôi Lời của Thiên Chúa, Đấng không thể chết. Cái chết không còn nọc độc nữa. Nó không thể “nghiền nát” Đức Kitô và Thiên Chúa phải đưa Người tới sự sống, như cá voi đã làm cho Giôna khi ở trên biển (x. Mt 12,40).
Cái chết không còn là một bức tường mà khi nó xuất hiện, mọi sự đều bị phá hủy; chết là cửa ngõ, nghĩa là một cuộc Vượt Qua. Nó như chiếc cầu dẫn người ta vào sự sống đích thực, nơi đó sẽ không có chết nữa. Ở đây, cái chết của Chúa Giêsu là lời loan báo lớn nhất của Kitô giáo – Người không còn chết cho mình, hay cho chúng ta mẫu gương như cái chết anh hùng của Socrate. Người đã làm rất khác: “Một người đã chết thay cho mọi người… Đức Kitô đã chết thay cho mọi người” (2 Cr 5,14.15). “Đức Giêsu đã phải nếm sự chết, là để cho mọi người được cứu độ, nhờ ơn Thiên Chúa” (Hr 2,9).
Vì thế, từ nay chúng ta thuộc về Đức Kitô hơn là thuộc về chính mình (x. 1 Cr 6,19tt). Chúng ta có thể đảo lại: những gì thuộc về Đức Kitô thì thuộc về chúng ta hơn cả những gì của chúng ta. Sự chết của Người thuộc về chúng ta hơn cả cái chết chúng ta. “Dù cả thế gian này, sự sống, sự chết, hiện tại hay tương lai, tất cả đều thuộc về anh em, mà anh em thuộc về Đức Kitô, và Đức Kitô lại thuộc về Thiên Chúa” (1 Cr 3,22tt). Cái chết của Người là của chúng ta hơn cả cái chết của chúng ta. Trong Chúa Kitô, chúng ta đã chiến thắng sự chết.
Khi nói về cái chết, điều quan trọng nhất trong Kitô giáo không phải là cách thức chúng ta chết, nhưng là cách thức Chúa Kitô chết. Kitô giáo mang lại cho cho chúng ta sự can đảm để đón nhận cái chết trước nỗi sợ hãi kinh hoàng về cái chết, nhờ niềm tin vào cái chết và sự phục sinh của Chúa Kitô. Chúa Giêsu đã đến để giải phóng con người khỏi nỗi sợ hãi khiếp khủng của cái chết. Con Thiên Chúa đã cùng mang lấy huyết nhục như chúng ta, “nhờ cái chết của Người, Người đã tiêu diệt tên lãnh chúa gây ra sự chết, tức là ma quỷ, và đã giải thoát những ai vì sợ chết mà suốt đời sống trong tình trạng nô lệ” (Hr 2,14-15).
Trước cái chết, có lẽ không có gì làm chúng ta sợ hãi hơn là sự cô đơn mà chúng ta phải đối diện. Không ai có thể chết thay cho người khác, nhưng mỗi người phải vật lộn một mình với cái chết. Nhưng không có gì ý nghĩa hơn: “Nếu ta cùng chết với Người, ta sẽ cùng sống với Người” (2 Tm 2,11). Như thế, ta có thể chết trong Chúa!
3- Chuẩn bị chết thế nào?
Ở đây, chúng ta khám phá một điều thực sự rất nghiệm trọng trong việc an tử (eutanasia), từ quan điểm Kitô giáo. An tử loại bỏ khỏi sự chết của con người tương quan với cái chết của Chúa Kitô, đặc tính vượt qua ngưỡng cửa của cái chết, và trở về với tình trạng của cái chết trước đó. An tử phá đi ý nghĩa chết trong Chúa và chết theo Chúa. Một cách văn chương, đó là một sự “phạm thánh,” nghĩa là đặc tính thánh thiêng của nó bị xóa bỏ. Khi tranh luận người ta thường chú trọng đến vấn đề được phép hay không từ quan điểm đạo đức. Người tín hữu không thể chấp nhận giải pháp này vì nó thuộc phạm vi mạc khải và ân sủng. Cảm thức Kitô giáo nhìn nhận chết là một tiến trình tự nhiên, do quyền năng Thiên Chúa định đoạt, đó là quyền bất khả xâm phạm, nên con người không có quyền can thiệp để rút ngắn sự sống dưới bất kỳ hình thức nào. Nhân loại đã thử nghiệm biết bao nhiêu bài thuốc khác nhau để chiến thắng sự chết. Nhưng chỉ có một phương thuốc duy nhất và đích thực là tham dự vào chiến thắng của Chúa Kitô trên cái chết.
Để khỏi phải chết đời đời, không có gì khác hơn ngoài việc chúng ta phải gắn bó với Người. Hãy bám chặt vào Chúa Kitô qua đức tin, như con tàu cắm neo vào lòng biển, để có thể đứng vững trong khi giống tố ập tới. Người ta dùng nhiều cách để chuẩn bị cho cái chết của mình. Chẳng hạn như thường xuyên suy niệm về cái chết, trình bày một cách kinh hoàng về cái chết, hoặc là để cái đầu lâu, hoặc chiếc tiểu trong phòng của mình như các thánh xưa vốn làm. Nhưng điều quan trọng không phải là đặt trước mắt cái chết chúng ta, nhưng là cái chết của Chúa Giêsu; không phải là cái đầu lâu con người, nhưng là cây thập giá Chúa Kitô. Nếu chúng ta càng hiệp nhất với Người thì chúng ta càng có sự an toàn trước cái chết.
Thánh Phanxicô Assisi đã thực hiện cách hoàn hảo mức độ hiệp thông với Chúa Kitô, khi gần chết, ngài thêm vào trong Bài Ca Tạo Vật đoạn thơ: “Lạy Chúa, con xin ngợi khen Chúa vì Chị Chết thân xác, mà không ai có thể thoát được.” Và khi người ta loan báo rằng ngài sắp chết, ngài thốt lên: “Hỡi Chị Chết, xin hãy đến!” Bộ mặt cái chết đã được thay đổi, trở thành một Người Chị. Với niềm tin vào Chúa Kitô, chúng ta không còn sợ chết nữa, vì đức tin mang lại cho ta sự chắc chắn đẹp đẽ này: “Nếu chúng ta cùng chết với Đức Kitô, chúng ta sẽ cùng sống lại với Người!”
Tuy nhiên, chúng ta không được ảo tưởng: điều này không có xảy ra tình cờ. Cần sống thánh thiện để được chết thánh thiện, để khi chết chúng ta không bị cái chết chôn vùi. Danh ngôn nói rằng: “Cây nghiêng về đâu, sẽ ngã về hướng đó.” Con người cũng vậy. Vì thế, đây là lúc để nhớ đến lời dạy của dụ ngôn mười cô trinh nữ. Cần phải luôn sống tỉnh thức và sẵn sàng như các năm cô khôn ngoan luôn mang đèn và dầu đi đón chàng rể. Đèn và dầu của chúng ta là đức tin, đức cậy và đức mến phải luôn được chuẩn bị chu đáo và sẵn sàng, để khi chàng rể đến, khi giờ sau hết xuất hiện, chúng ta thắp lên để đón Chúa, cùng với Người vào dự tiệc cưới Nước Trời. Bởi như cổ nhân vẫn nói: sống sao chết vậy!


Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương

No comments:

Post a Comment