Saturday, 4 November 2017

Tránh men Biệt Phái, sống men Tin Mừng

Chúa Nhật XXXI Năm A
Lời Chúa: Ml 1,14b –2,2b.8-10; 1 Tx 2,7b-9.13; Mt 23,1-12

Trang Tin Mừng hôm nay là một phần của những cuộc tranh luận gay gắt mà Chúa Giêsu đã có với các kinh sư và Pharisêu ở Giêrusalem.
Những lời cứng rắn này có thể làm cho chúng ta sốc. Bởi vì, Chúa Giêsu luôn tỏ ra là người “hiền lành và khiêm nhường trong lòng.” Nhưng ở đây, Chúa Giêsu đã bùng nổ, Người làm điều phải làm khi mạnh mẽ lên án thói giả hình và lối đạo đức giả. Bởi lẽ, đây là trở ngại đáng sợ nhất đối với tôn giáo. Một khi con người mặc cho mình chiếc áo giáp “giả hình và phô trương,” đội cho mình chiếc mũ “thành kiến và bảo thủ,” cầm trong tay cây kiếm “quyền lực,” đi bằng những đôi dày đầy đinh nhọn “của sự thù địch và ghen ghét,” nhìn người khác bằng ánh mắt “dao găm,” họ sẽ rất thủ đoạn, mất khả năng đón nhận chân lý và bằng mọi giá làm điều mình muốn. Bằng chứng rõ ràng là chính thái độ này của nhóm Pharisêu đã là nguyên cớ dẫn đến cái chết của Chúa Giêsu. Họ là những người nắm quyền lực tôn giáo cao nhất ở Giêrusalem. Họ đã khước từ và kết án Chúa Giêsu.

1- Ba cám dỗ của men “Pharisêu”

Các kinh sư là những chuyên viên về Luật; đa số thuộc về nhóm Pharisêu, là nhóm quan trọng nhất trong đời sống tôn giáo và chính trị lúc bấy giờ; họ cũng rất có thế giá đối với dân. Chúa Giêsu nhìn nhận họ là những người kế thừa ông Môsê; Người khuyên dân nghe theo họ, khi họ giảng dạy đạo lý chân chính của ôn Môsê. Nhưng Chúa Giêsu chỉ trích mạnh mẽ lối sống của họ. Đặc biệt, Người căn dặn phải đề phòng “men Pharisêu,” bởi vì nó mâu thuẫn với giáo lý họ dạy. Chúng ta có thể tóm tắt ba sai lầm lớn của họ, cũng là ba cơn cám dỗ đối với chúng ta:
* Nói nhưng không làm
Cám dỗ thứ nhất đó là lối sống ngôn hành bất nhất, nói mà không làm. Chúa Giêsu lên án thói xấu này: “Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào” (Mt 23,4). Họ nói hay, nói nhiều, nhưng không sống, không thực hành điều mình nói. Điều này cũng làm chúng ta giật mình. Không cần phải đi đâu xa để tìm điều này nơi những người khác. Bởi lẽ, khi xét mình một cách chân thành về điểm này, chúng ta cũng có thể mắc phải khuyết điểm này. Ai trong chúng ta dám khẳng định rằng mình luôn có một sự nhất quán giữa lý tưởng và đời sống thực của mình? Lời nói luôn đi đôi với làm không? Phải thành thật thứ nhận rằng nhiều lúc khoảng cách giữa điều chúng ta nói và điều chúng ta sống là cả một biển cả mênh mông. Có sự khác biệt thật lớn lao giữa lề luật và việc chúng ta làm! Chúa lên án họ và cảnh báo chúng ta tránh men Pharisêu.
* Thích được người ta ca tụng
Cám dỗ thứ hai đó là: “Họ làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy. Quả vậy, họ đeo những họp kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài (Mt 23,5).
Thật vậy, cám dỗ muốn được người ta ca tụng, tìm kiếm chỗ nhất, may dài tua áo… không chỉ là những tật xấu của những người Pharisêu và giới thượng lưu ở Giêrusalem. Ai trong chúng ta cũng đều bị cám dỗ chiều theo lòng tự kiêu, chạy theo những tước hiệu danh dự, tìm kiếm sự ưu tiên, ưu đãi. Ngày nay, không chỉ là vấn đề “đeo những hộp kinh kệ thật lớn và may những tua áo thật dài,” nhưng còn là vấn đề muốn tỏ ra mình hơn người khác bằng cách tậu những “siêu xe,” sắm những “điện thoại khủng,” bận những bộ áo quần hàng hiệu đắt tiền, uống những thứ rượu lạ, đi vé máy bay hạng vip v.v… Chung quy muốn được người khác chú ý, vỗ tay và tỏ ra hơn người bao. Hãy coi chừng men Pharisêu đó.
* Thích thống trị hơn là phục vụ
Cám dỗ quyền lực luôn làm cám dỗ triền miên ở mọi thời và mọi người, kể cả những kẻ đạo đức nhất. Các kinh sư và Pharisêu bị Chúa Giêsu chỉ trích vì: “Họ thích chỗ nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường, ưa được người ta chào hỏi ở nơi công cộng và được thiên hạ gọi là rápbi” (Mt 23,7). Tóm lại, họ chỉ thích thống trị người khác, dùng quyền để áp đặt và bắt người khác phục vụ mình. Đó là thứ bệnh “giáo sĩ trị.”
Không phải chỉ những luật sĩ thời xưa tỏ ra thích quyền lực, thích dạy dỗ “trên tòa Môsê.” Biết bao lần chúng ta cho rằng mình là người “độc quyền” chân lý, nắm giữ lẽ phải và áp đặt quan điểm mình trên người khác... Nhiều lúc chúng ta sa vào tật tự cho mình là bộ “chỉnh lưu” những sai lỗi của người khác. Chúng ta đòi hỏi người khác, nhưng không đòi hỏi chính mình, chỉ tay năm ngón, bắt người khác làm theo ý mình, nhưng không có một sự dấn thân, phục vụ.
Mỗi người theo một cách thế riêng, tinh tế hay thô thiễn, chúng ta đều có nguy cơ rơi vào ba cám dỗ của Pharisêu.

2- Ba giá trị chính yếu của người môn đệ đích thực

Dĩ nhiên, Chúa Giêsu không chỉ dừng lại với việc phê phán những thói hư tật xấu, Người còn chỉ ra những thái độ tích cực mà Người muốn chúng ta đón nhận, thực hành để tránh những tật xấu ở trên để trở thành những môn đích thực của Chúa. Ba thái độ tích cự đó là:
* Sống tình huynh đệ đích thực
Chúa Giêsu nói: “Tất cả anh em đều là anh em với nhau” (Mt 23,8). Đây là một lời mời gọi mang tính cách mạng, một nguyên lý để thiết lập sự bình đẳng tận căn, một lời kêu gọi cụ thể để sống theo một phong cách mới của người môn đệ Đức Kitô. Thay vì bám vúi vào những khác biệt và những tước hiệu hoành tráng của bản thân, chúng ta hãy nhìn nhận mỗi người đều bình đẳng với nhau và thực sự yêu mến họ như một người anh em. Tứ giải gia huynh đệ. Trước mặt Thiên Chúa, mỗi người đều bình đẳng và là anh chị em của nhau. Nên chúng ta đừng nhìn người khác như là đối thủ cạnh tranh, hay là kẻ thù phải né tránh. Nhưng hãy nhìn họ là người bạn, người anh em, và sống “tình huynh đệ bí tích” của người môn đệ Chúa Kitô.
* Sống đơn giản
“Anh em cũng đừng gọi ai dưới đất này là cha của anh em, vì anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời (Mt 23,9). Đây là lời mời gọi hãy sống đơn giản. Đòi hỏi sống đơn giản bắt nguồn từ xác tín rằng chỉ Thiên Chúa có quyền đòi người khác tôn thờ như là Cha, là Thầy và là người lãnh đạo. Bởi lẽ, chỉ Người thực sự vượt trên mọi sự và mọi loài. Sống đơn giản là không bắt người khác phải tôn sùng mình, cũng không bắt người khác phải xưng tụng mình bằng những tước hiệu to lớn.
* Sống phục vụ
“Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em. Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên” (Mt 23,11-12). Đây là ý nghĩa đích thực của sự phục vụ và khiêm tốn. Phục vụ không phải một điều gì đó gò bó, cũng không là điều nhục nhã. Phục vụ làm cho người ta vĩ đại. Ai làm lớn, phải biết khiêm tốn, phục vụ, và ai biết phục vụ, sẽ trở nên vĩ đại. Phục vụ người khác không phải là phủ nhận nhân cách, phẩm chất mình. Bởi lẽ, không có gì ý nghĩa hơn, không gì hạnh phúc hơn đối với người biết yêu thương và phục vụ tha nhân bằng những việc làm cụ thể.
Như thế, những gì Chúa Giêsu lên án những người lãnh đạo tôn giáo trong bài Tin Mừng hôm nay thực sự có liên quan đến chúng ta. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta xa tránh “men Biệt Phái” như ngôn hành bất nhất, phô trương và giả hình, và Người mời gọi sống men Tin Mừng” là sống đơn giản, huynh đệ và khiêm tốn phục vụ tha nhân. Ba thói xấu chúng ta cần tránh và ba nhân đức chúng ta cần thực hành. Chắc chắn cuộc đời chúng ta sẽ trở nên ý nghĩa và đẹp đẽ hơn. Amen!
NVH.




No comments:

Post a Comment