CHÚA NHẬT I THƯỜNG NIÊN
LỄ CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA
Is 42,1-4.6-7; Cv 10,34-38; Lc 3,15-16.21-22
Hôm nay, chúng ta cử hành lễ Chúa Giêsu chịu phép Rửa tại sông Giođan.
Biến cố này là gạch nối giữa đời sống ẩn dật và sứ vụ công khai của Chúa Giêsu.
Sau khi chịu phép Rửa, Chúa Giêsu bắt đầu bước vào sứ vụ rao giảng Tin Mừng.
Trong thánh lễ này, chúng ta tìm hiểu về sự khác biệt và ý nghĩa phép Rửa của
Gioan Tẩy Giả, phép Rửa của Chúa Giêsu và phép Rửa của chúng ta.
1- Phép Rửa Gioan
Với tư cách là người dọn đường cho Đấng Mêsia, Gioan Tẩy Giả kêu gọi mọi
người sám hối và hoán cải bằng việc đón nhận phép Rửa của ông. Nhờ gương sáng
và lời nói đầy thuyết phục, Gioan đã thu hút dân chúng. Người ta lũ lượt kéo
đến với Gioan để xin ông làm phép Rửa; nhiều người nghĩ rằng, Gioan chính là
Đấng Mêsia mà họ đang trông chờ. Nhưng Gioan quả quyết rằng, ông không phải là
Đấng Mêsia: “Phần tôi, tôi làm phép rửa cho anh em bằng nước, nhưng có Đấng
quyền thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người. Người sẽ làm
phép rửa cho anh em bằng Thánh Thần và bằng lửa” (Lc 3,16).
Như vậy, phép Rửa của Gioan là phép rửa bằng nước, là dấu chỉ bên ngoài
để tỏ lòng sám hối và giúp quay trở về với Chúa, nhưng chưa phải là bí tích.
Bởi thế, phép Rửa này không mang lại hiệu quả ơn tha tội khi lãnh nhận. Phép
Rửa của Gioan là phép Rửa dọn đường cho phép Rửa của Chúa Giêsu sẽ được thiết
lập sau này.
2- Phép Rửa của Chúa Giêsu
Trong Tin Mừng hôm nay, thánh Luca kể lại việc Chúa Giêsu đến với Gioan
và xin ông làm phép rửa tại sông Giođan. Tại sao Chúa Giêsu lại xin Gioan làm
phép rửa? Tại sao Người là Đấng Thánh của Thiên Chúa lại cần phải thống hối và
thanh tẩy? Chắc chắn là không. Đây là ý nghĩa của việc Chúa Giêsu chịu phép Rửa
này:
Trước hết, việc Chúa Giêsu chịu phép Rửa bởi Gioan là một hành vi tự hạ
và khiêm tốn mà Người thực hiện theo ý định của Chúa Cha. Nếu biến cố nhập thể
là bước khởi đầu mầu nhiệm tự hủy của Con Thiên Chúa. Như Thánh Phaolô đã nói: “Đức Giêsu Kitô, vốn dĩ là Thiên
Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa,
nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm
nhân sống như người trần thế” (Pl 2,6-7). Nay, qua biến cố phép Rửa,
Chúa Giêsu đi thêm một bước nữa, đó là hạ mình xuống để hòa mình và liên đới với
mọi tội nhân. Như thế, qua hành vi này, Chúa Giêsu sống tinh thần tự hạ, muốn
trở nên giống chúng ta mọi đàng, ngoại trừ tội lỗi (x. Hr 4,15). Hơn nữa, theo
các Giáo Phụ, việc Chúa Giêsu chịu phép Rửa là để thanh tẩy thay tội lỗi nhân
loại. Cũng như trong mầu nhiệm nhập thể, Chúa Giêsu đã dìm mình trong bản tính
nhân loại để thánh hóa bản tính ấy, nay Chúa Giêsu dìm mình trong dòng nước để
thánh hóa dòng nước, nhờ đó mà thánh hóa nhân loại qua bí tích Rửa Tội.
Khi Chúa Giêsu chịu phép Rửa, thánh Luca tường thuật về ba dấu hiệu xảy
ra: Dấu hiệu thứ nhất: “Trời mở ra.” Chúng ta nhớ lại: khi Ađam và Evà phạm
tội, cửa thiên đàng đóng lại (St 3,23-24). Qua bao thế hệ, dân Chúa cầu khẩn:
“Ước chi Ngài xé các tầng trời và ngự xuống” (Is 64,1). Nay đã đến lúc, nhờ
Chúa Kitô, trời mở ra. Điều này nói lên rằng từ nay trời đất giao thông với
nhau, con người được sống hiệp thông với Thiên Chúa.
Dấu hiệu thứ hai: “Chúa Thánh Thần ngự xuống như chim bồ câu.” Đây là
mạc khải về Chúa Thánh Thần, Ngôi Ba Thiên Chúa. Người được sai đến và cùng với
Chúa Giêsu khai mở một giai đoạn mới, giai đoạn cứu độ nhân loại. Chúa Thánh
Thần luôn đồng hành với Chúa Giêsu trong hành trình rao giảng Tin Mừng. Chúa
Thánh Thần được ban cho chúng ta qua Bí tích Rửa Tội. Người thánh hóa và dẫn
đưa mỗi người về với Thiên Chúa.
Dấu hiệu thứ ba: là lời của Chúa Cha: “Con là con yêu dấu của Cha. Cha
hài lòng về Con” (Lc 3,21-23). Đây là mạc khải về Chúa Cha. Người là Cha của
Đức Giêsu và cũng là Cha của chúng ta. Người sai Chúa Con đến trong trần gian.
Chúa Cha luôn hài lòng vì Chúa Con luôn làm theo ý định cứu độ của Chúa Cha.
Như thế, qua ba dấu hiệu trên mạc khải cho chúng ta biết về Thiên Chúa
Ba Ngôi và vai trò mỗi ngôi vị trong chương trình cứu độ nhân loại.
3- Phép Rửa của người Kitô hữu
Nếu phép Rửa của Gioan là dấu chỉ bằng nước, mời gọi sám hối, thì phép
Rửa của Chúa Giêsu là bí tích bằng nước và Thánh Thần. Phép Rửa này là một bí
tích trong bảy bí tích vừa mời gọi hoán cải, vừa mang lại hiệu quả tha tội và
thánh hóa cho những ai đón nhận.
Bí tích Rửa Tội tha thứ tội nguyên tổ và mọi tội cá nhân cũng như các
hình phạt do tội, ban cho chúng ta sự sống thần linh. Đồng thời, nhờ phép Rửa,
chúng ta được làm con cái Thiên Chúa, trở thành chi thể Chúa Kitô, được gia
nhập và tham dự vào các sứ mạng của Hội Thánh (GLCG. số 1213).
Như vậy, chúng ta đón nhận phép Rửa không phải vì danh nghĩa làm Kitô
hữu, nhưng là để sống tốt đời Kitô hữu. Vì thế, chúng ta được mời gọi luôn ý
thức những hồng ân cao cả mà Thiên Chúa ban cho chúng ta qua phép Rửa Tội. Đồng
thời, chúng ta cũng được mời gọi cố gắng mỗi ngày sống xứng đáng là con cái
Chúa và biết làm chứng cho Chúa trong cuộc sống hằng ngày.
Lạy Chúa là Đấng hoàn toàn thánh
thiện, Chúa đã cúi xuống để đón nhận phép Rửa tại sông Giođan, Chúa cũng đã lập
phép Rửa để thanh tẩy và thánh hóa chúng con, xin cho mỗi người chúng con luôn
sống xứng đáng là con cái của Chúa để chúng con trở thành những người con yêu
dấu và hằng đẹp lòng Chúa. Amen!
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương
No comments:
Post a Comment