CHÚA NHẬT III THƯỜNG NIÊN
Nkm 8,2-4a.5-6.8-10; 1Cr 12,12-30; Lc
1,1-4; 4,14-21
Với Chúa Nhật III thường niên năm C,
phụng vụ Lời Chúa giới thiệu với chúng ta về sứ mạng của Chúa Giêsu, Đấng Cứu Độ.
Sứ mạng đó được Chúa giao phó cho Giáo Hội để chuyển thông ơn cứu độ của Chúa
cho mọi người qua mọi thời đại. Chúng ta lần lượt tìm hiểu ý nghĩa Lời Chúa hôm
nay qua từng bài đọc.
1- Sứ mạng Đấng Cứu Độ
Trong bài Tin Mừng, chúng ta nghe
thánh Luca tường thuật sự kiện Chúa Giêsu trở về quê hương. Trong ngày Sabát,
như thường lệ, Người vào hội đường và đọc Sách Thánh. Người mở sách tiên tri
Isaia và gặp đoạn này: “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn
phong tôi, để tôi đi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi
công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ sẽ được sáng
mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa. Đọc
xong, Người ngồi xuống. Ai nấy trong hội đường đều chăm chú nhìn Người. Người bắt
đầu nói với họ: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh mà quý vị vừa nghe” (Lc
4,16-21). Những lời này có ý nghĩa gì? Chúa Giêsu muốn nói gì khi nhắc lại lời
hứa của Cựu Ước?
Trước hết, chúng ta chú ý đến thành ngữ
mà Chúa Giêsu dùng: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh mà quý vị vừa nghe” (Lc
4,21). Điều này muốn diễn tả Chúa Giêsu mang lại sự viên mãn của ơn cứu độ. Tất
cả lời hứa về ơn cứu độ nay đã được thực hiện nhờ Chúa Giêsu bởi vì Người là Đấng
Mêsia được chờ đợi từ lâu trong Cựu Ước, được Chúa Cha sai đến để hoàn tất lời
hứa. Vì thế, thánh Luca rất thích dùng từ “hôm nay”: “Hôm nay, Đấng Cứu Độ đã
sinh ra cho chúng ta” (Lc 2,11; x. 19,9).
Trong lời công bố này, Chúa Giêsu mạc
khải cho chúng ta biết sứ mạng của Đấng Cứu Thế: Người đến để thực hiện những lời
tiên tri Isaia loan báo trong Cựu Ước. Người được Chúa Cha xức dầu và được đổ
tràn đầy Thánh Thần để đi loan bao Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn, giải thoát những
kẻ bị giam cầm, chữa lành người bị mù lòa, trả lại tự do cho người bị áp bức.
Người tái lập trật tự xã hội trong đó, công lý, hòa bình và yêu thương phải ngự
trị. Quả thật, qua lời nói, hành động và toàn bộ con người của mình, Đức Giêsu
Nazarét thể hiện lòng thương xót của Thiên Chúa và sức mạnh cứu độ con người. Bởi
thế, khi các môn đệ của Gioan Tẩy Giả đến hỏi Người có phải là Đấng Cứu Thế
không, Người đã bảo họ về kể lại cho ông Gioan biết những gì Người đã làm: người
mù được thấy, người què được đi, người điếc được nghe, người câm nói được
v.v... đúng như lời tiên tri Isaia tiên báo (x. Lc 7,20-22).
Nhưng tại sao ngày hôm nay vẫn còn người
nghèo, vẫn còn người bị áp bức, vẫn còn nhiều nhà tù, vẫn còn đó nhiều người mù
lòa? Như thế, phải chăng điều Chúa công bố ngày hôm nay vẫn còn chưa được thực
hiện?
Để hiểu được ý nghĩa của những lời
trên, chúng ta cần phải tiếp cận theo cái nhìn tâm linh. Theo đó, Đức Giêsu
loan báo về Nước Thiên Chúa đã hiện diện trên trái đất này. Nước Thiên Chúa đã
đến với sự hiện diện của Người. Những ai tin vào Người thì thuộc về Nước Trời. Những
ai tin vào Người thì được ơn giải thoát khỏi sự mù lòa tâm linh. Người khai
sáng và ban cho họ có khả năng nhìn thấy đường đi, sự thật và sự sống. Những ai
bị cầm giữ bởi tội lỗi, nô lệ cho Satan, thì được Người giải thoát nhờ Lời và
các phép lạ của Người làm, đặc biệt là nhờ các bí tích mà Người thiết lập, nhất
là bí tích Rửa Tội và Giải Tội, giải phóng chúng ta khỏi mọi sự nô lệ của tội lỗi.
Nhờ đó chúng ta được trở thành con cái Chúa, được gia nhập Giáo Hội và được thừa
hưởng hạnh phúc Nước Trời. Hiểu như thế, ngày hôm nay Chúa Kitô đang thực hiện
sứ mạng cứu độ này trong thế giới qua Giáo Hội.
2- Giáo Hội, Nhiệm Thể Chúa Kitô
Chúa Giêsu và Chúa Thánh Thần đã thiết
lập Giáo Hội để tiếp tục sứ mạng cứu độ con người trên trần gian. Giáo Hội bao
gồm nhiều thành phần khác nhau, nhưng hiệp nhất nên một với nhau nhờ một Thánh
Thần. Bởi vì, Giáo Hội là Nhiệm Thể Đức Kitô.
Trong bài đọc II, thánh Phaolô ví Giáo
Hội như một thân thể gồm nhiều chi thể khác nhau. Mỗi chi thể có một vai trò
khác nhau nhưng bổ túc cho nhau và phục vụ cho lợi ích chung: Như chân không thể
nói với tay: “Tôi không phải là tay, nên tôi không thuộc về thân thể,” hay các
bộ phận khác cũng thế. Mỗi bộ phận có sự lớn nhỏ, mạnh yếu khác nhau nhưng để
giúp đỡ nhau.
Trong thân thể Giáo Hội cũng vậy,
Thiên Chúa đặt người làm Tông Đồ, người làm ngôn sứ, kẻ làm thầy dạy, người được
ơn làm phép lạ, người được ơn chữa bệnh để giúp kẻ khác, để quản trị, để nói tiếng
lạ… Tất cả đều đến từ một Chúa Thánh Thần. Đó là những đặc sủng khác nhau nhưng
đều có một mục đích chung là phục vụ lợi ích của Giáo Hội (x. 1 Cr 12,12-30).
Như trong một giáo xứ, có linh mục, có
thừa tác viên, có hội đồng mục vụ, có giúp lễ, có ca đoàn, có nam nữ tu sĩ, có
giáo dân… Đây là những chi thể làm nên một thân thể Giáo Hội của Chúa Kitô. Mỗi
người có một vai trò, một sứ mạng riêng nhưng chúng ta đều có chung mục đích là
để phục vụ Chúa và Giáo Hội.
Như một vườn hoa với đủ loại hoa màu
khác nhau, mỗi loài hoa làm nên vẻ đẹp phong phú của vườn hoa, trong cộng đoàn
Giáo Hội có nhiều ơn gọi và chức vụ khác nhau để làm cho Giáo Hội muôn sắc muôn
màu. Hay như một dàn hợp xướng, có nhiều ca viên, người đánh đàn, người thổi
sáo, người đánh trống, người kéo violon v.v… Mỗi người phải theo sự hướng dẫn của
người điều khiển, và mỗi người làm tốt vai trò của mình, thì sẽ tạo ra một bản
hòa tấu tuyệt diệu. Cũng thế, trong Giáo Hội, mỗi người có một vị trí khác nhau
nhưng hiệp nhất với nhau và cộng tác với nhau để tạo nên một bản nhạc tuyệt vời
ca ngợi và tôn vinh Thiên Chúa.
Tuy nhiên trong thực tế, chúng ta thường
có cám dỗ không chấp nhận sự khác biệt của người khác và muốn bắt người khác phải
giống mình. Vì thế, chúng ta được mời gọi biết tôn trọng sự khác biệt, đặc sủng
và tài năng của người khác, đồng thời phải biết nhìn nhận rằng sự khác biệt là
sự giàu có và mỗi đặc sủng Chúa ban là để phục vụ thiện ích chung.
3- Sứ mạng của mỗi Kitô hữu
Những gì Chúa Giêsu công bố và đã được
ứng nghiệm nhờ sự hiện diện, lời nói và việc làm của Người. Đó cũng là những gì
mà ngày hôm nay chúng ta được mời gọi để sống và thực hiện cho những người xung
quanh. Chúa Kitô trao sứ mạng của Người cho mỗi người thực hiện.
Qua suốt chiều dài lịch sử, Giáo Hội
luôn nỗ lực thực hiện sứ mạng của Chúa Kitô là loan báo Tin Mừng cho mọi người.
Trên thế giới, Giáo Hội đã khai sinh biết bao nhiêu bệnh viện, trường học, các
cô nhi viện, các trại cùi, trại tế bần, nhà dưỡng lão… Giáo Hội đã không ngừng
dấn thân trong công tác từ thiện, bác ái, xã hội, văn hóa để mang lại cho biết
bao nhiêu con người sống xứng đáng với phẩm giá của mình. Đặc biệt, Giáo Hội thực
thi sứ vụ cứu độ con người qua việc cử hành các bí tích do Chúa Kitô ủy thác.
Với sứ vụ này, hôm nay mỗi người Kitô
hữu được mời gọi dành những nghĩa cử, lời nói, thăm hỏi người nghèo khổ, loan
báo tự do cho những ai bị trói buộc bởi các hình thức nô lệ mới trong xã hội hiện
đại, phục hồi phẩm giá cho tất cả những ai bị đánh mất nhân phẩm. Nếu chúng ta
thực hiện được những điều này, thì lời công bố của Chúa trở thành hiện thực và ứng
nghiệm nhờ chứng tá đời sống chúng ta. Ước gì những lời của thánh Phaolô hướng
dẫn chúng ta: “Ai làm những việc bác ái, thì hãy làm những điều ấy trong hân
hoan” (Rm 12,8).
Lạy Chúa, Chúa đến khai mở Nước Thiên Chúa giữa trần gian và thực hiện lời
hứa cứu độ cho con người. Xin cho chúng con luôn ý thức và trân quý những hồng
ân Chúa ban, đồng thời biết cộng tác với Chúa và với nhau trong việc cứu rỗi
các linh hồn. Amen!
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương
No comments:
Post a Comment