Saturday, 15 January 2022

Niềm vui của Hôn Ước mới

CHÚA NHẬT II THƯỜNG NIÊN C 

Is 62,1-5; 1Cr 12,4-11; Ga 2,1-11

Tin Mừng hôm nay trình thuật lại sự kiện Chúa Giêsu đến dự lễ cưới của một người thân ở Cana và phép lạ Chúa hóa nước thành rượu. Đây là dấu lạ đầu tiên trong bảy dấu lạ mà Chúa Giêsu thực hiện để bày tỏ vinh quang của Người cho các Tông Đồ. Theo Gioan, các dấu lạ này là những dụ ngôn bằng hành động giúp khám ý nghĩa về mầu nhiệm Con Thiên Chúa. Có hai hình ảnh lôi kéo sự chú ý của chúng ta: đó là tiệc cưới và nước lã hóa thành rượu. Chúng ta tìm hiểu ý nghĩa của chúng.

1- Từ hôn phối tự nhiên đến “hôn phối thiêng liêng”

Đối với Chúa Giêsu, hôn phối giữa người nam và người nữ là điều rất tốt đẹp, cao trọng, được Thiên Chúa mong muốn và chúc phúc. Người tỏ ra rất trân trọng cuộc tình tự nhiên này, nên đã đến để tham dự tiệc cưới và chia sẻ niềm vui với họ trong ngày cưới. Hơn nữa, Người còn can thiệp khi họ hết rượu bằng cách làm phép lạ hóa nước lã thành rượu ngon để niềm vui tiệc cưới được nên trọn vẹn. Từ nguyên thủy, Thiên Chúa đã dựng nên con người có nam có nữ, để họ kết hợp nên vợ chồng, yêu thương nhau và để nối dõi tông đường. Chúa Giêsu thiết lập hôn phối tự nhiên này thành một bí tích trong bảy bí tích.
Tuy nhiên, từ sự hiện diện của Chúa Giêsu trong cuộc hôn phối này, thánh Gioan muốn ám chỉ đến một cuộc hôn phối thiêng liêng khác giữa Thiên Chúa và loài người, được các ngôn sứ loan báo từ xưa, nay đã được thực hiện và thành toàn nhờ Chúa Giêsu Kitô.
Quả thế, Cựu Ước đã diễn tả giao ước hôn phối giữa Thiên Chúa và loài người bằng nhiều cách thế khác nhau. Trích đoạn trong Bài đọc I của Is 62,1-5 là một minh họa lý thú về mối tình này: “Vì ngươi sẽ được Chúa đem lòng sủng ái, và Chúa thiết lập hôn ước cùng xứ sở ngươi. Như trai tài sánh duyên cùng thục nữ, Đấng tác tạo ngươi sẽ cưới ngươi về. Như cô dâu là niềm vui cho chú rể, ngươi cũng là niềm vui cho Thiên Chúa ngươi thờ.”
Trong sách Hôsê, chúng ta tìm thấy một minh họa khác về chủ đề này: “Ta sẽ thiết lập hôn ước với ngươi vĩnh cửu, Ta sẽ lập hôn ước với ngươi trong công minh và chính trực, trong ân tình và xót thương; Ta sẽ lập hôn ước với ngươi trong tín thành, và ngươi sẽ được biết Đức Chúa” (Hs 2,21-22).
Nhưng phải đợi đến sự xuất hiện của Con Thiên Chúa, lời hứa về “giao ước mới và vĩnh cửu” được thực hiện. Tại Cana, biểu tượng và thực tại gặp gỡ nhau: hôn phối nhân loại của hai người trẻ là cơ hội để biểu thị hôn phối giữa Chúa Kitô và Hội Thánh, mà nó sẽ được thành toàn trong “giờ của Người” ở trên thập giá. Đức Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa, được sai đến trong thế gian để ký kết giao ước hôn phối với loài người qua mầu nhiệm nhập thể, tử nạn và phục sinh.
Trong ý nghĩa này, thánh Phaolô có những lời rất ý nghĩa: Người đàn ông sẽ lìa bỏ cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Mầu nhiệm này thật là cao cả. Tôi muốn nói về Đức Kitô và Hội Thánh” (Ep 5,31-32). Chính Đức Kitô đã yêu thương Hội Thánh và đã hiến mình cho Hội Thánh. Người đã thánh hóa và thanh tẩy Hội Thánh bằng nước và lời hằng sống, để có một Hội Thánh xinh đẹp và lộng lẫy, không tỳ ố (x. Ep 5,26-27).
Bởi thế, Công Đồng Vaticanô II trong Hiến Chế Lumen Gentium, số 6, trình bày Hội Thánh như là Hiền Thê của Đức Kitô và là Nhiệm Thể của Người: “Hội Thánh được mô tả như Hiền Thê tinh tuyền của Con Thiên Chúa... Sau khi thanh tẩy Hiền Thê, Chúa Kitô muốn Hiền Thê ấy kết hợp và vâng phục mình trong tình yêu và trung tín.”
Như thế, từ hôn phối tự nhiên này, thánh Gioan muốn đưa chúng ta tới giao ước hôn phối giữa Thiên Chúa và loài người qua đại diện “hai họ” là Chúa Giêsu như là tân lang và Giáo Hội như tân nương của giao ước mới.

2- Rượu cũ và rượu mới

Chúng ta trở lại với hình ảnh nổi bật thứ hai đó là rượu cưới. Một sự cố không may xảy ra cho hôn lễ là hết rượu khi tiệc cưới chưa kết thúc. Đức Maria đã nhạy bén phát hiện ra điều đó và thưa với Chúa: “Họ hết rượu rồi.” Từ sự kiện không ai muốn Chúa đưa tới sự lành. Chúa truyền người ta đổ nước vào 6 chum. Rồi người làm phép lạ hóa nước thành rượu ngon. Người quản tiệc bất ngờ và thắc mắc: Ai cũng thết rượu ngon trước, và khi khách đã ngà ngà mới đãi rượu xoàng hơn. Còn anh, anh lại giữ rượu ngon mãi cho đến giờ này” (Ga 2,10). Nước hóa thành rượu ngon làm vui lòng khách mời. Vậy, hình ảnh rượu được dùng ở đây để ám chỉ điều gì?
Theo truyền thống Kinh Thánh, rượu, thịt và sữa được dùng trong bữa tiệc do Thiên Chúa thiết đãi dân Người. “Thịt thì béo, rượu thì ngon” (Is 25,6). Rượu mang lại sự vui mừng cho những tâm hồn, vì rượu làm hoan hỷ lòng người (x. Is 55). Rượu cũng là biểu tượng của Luật Chúa (Torah). Ai đào sâu và suy gẫm Luật Chúa thì được ví như người “giặt áo mình trong rượu” (St 49,11). Tin Mừng Nhất Lãm ví giáo huấn của Đấng Mêsia với rượu mới, tượng trưng cho Tin Mừng của Người. Rượu này nguyên chất, hảo hạng, ngon hơn so với “rượu cũ” của Do Thái giáo (Mt 9,14-17; Mc 2,18-22; Lc 5,33-39). Tại Cana, rượu cũ không còn nữa, người ta cần một thứ rượu mới. Đức Kitô cung cấp thứ rượu mới này được lấy từ “nước” của Do Thái giáo và thay thế cho thứ rượu bị thiếu. Như thế, Lời Đức Kitô vượt quá Luật Môsê cả chất lượng lẫn số lượng.
Nhưng, rượu mới này còn là hình ảnh ám chỉ về Chúa Thánh Thần mà Đấng Phục Sinh sẽ ban cho Giáo Hội trong ngày Lễ Hiện Xuống. Nếu rượu mang lại niềm vui và sự hoan hỷ cho khách dự tiệc, thì Chúa Thánh Thần chính là niềm vui, niềm hoan lạc và tình yêu của Thiên Chúa được đổ vào lòng chúng ta như thánh Phaolô nói: “Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần và Người ban cho chúng ta” (Rm 5,5). “Thần Khí làm cho cho anh em nên nghĩa tử, nhờ đó chúng ta kêu lên: Abba! Cha ơi!” (Rm 8,15). Thánh Thần được ban trong giao ước mới một cách dồi dào và phong phú. Nếu đời sống Giáo Hội không có Chúa Thánh Thần thì chẳng khác gì tiệc cưới không có rượu. Không có Chúa Thánh Thần có nghĩa là hết tình yêu, hết niềm vui, hết sự nhiệt thành. Nhờ Thánh Thần, các Tông Đồ đã hăng hái rao giảng Tin Mừng, nói được tiếng lạ, chữa lành bệnh tật (x. Cv 2,1-11).

3- Kitô hữu kết duyên với Đức Kitô

Khi được rửa tội, chúng ta ký kết giao ước với Thiên Chúa, được tháp nhập vào Hội Thánh, Thân Thể và Hiền Thê của Chúa Kitô. Nhờ đó, chúng ta được nên một với Thiên Chúa. Trở thành Kitô hữu không phải là một chọn lựa luân lý, nhưng là một cuộc gặp gỡ và gắn bó đích thực với một con Người, chính là Đức Giêsu Kitô, Đấng ban cho cuộc sống một chân trời mới để bước đi.
Trong truyền thống tu đức, các Giáo Phụ và các bậc thầy tu đức gọi đời sống kết hợp với Thiên Chúa chính là “cuộc hôn phối thiêng liêng” giữa Thiên Chúa và chúng ta (x. Gioan Thánh Giá, Linh Ca). Trở thành Kitô hữu chính là thuộc về Thiên Chúa, sống yêu mến và kết hợp nên một với Người như là đối tượng lớn nhất của đời mình. Không có gì trong đời ta mà không thuộc về Chúa Kitô. Như thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu đã yêu mến Chúa với tình yêu nồng nàn như một cặp tình nhân yêu nhau. Ngài yêu Chúa với tất cả tâm hồn mình, đến nỗi bất luận ở đâu cũng được, miễn là ở đó mình được yêu Chúa. Chân Phước Êlisabét Chúa Ba Ngôi diễn tả hôn ước này trong một lá thư gửi cho mẹ ngài: Tân nương thuộc về tân lang; tân lang của con đã cưới con; Ngài muốn con thêm cho Ngài một nhân tính.”
Chúng ta chỉ có thể yêu mến Thiên Chúa khi chúng ta biết đón nhận thứ rượu mới là Lời Chúa bằng việc suy gẫm và thực hành Lời đó mỗi ngày. Chúng ta chỉ có thể yêu mến Thiên Chúa khi chúng ta có Chúa Thánh Thần. Vì chỉ có Người mới liên kết chúng ta nên một với Thiên Chúa trong Đức Kitô. Chính Chúa Thánh Thần sẽ dẫn chúng ta tới dự tiệc cưới Con Chiên trong ngày cánh chung. Amen!
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương



No comments:

Post a Comment