Ml 3,19-20a; Tv 97; 2 Tx 3,7-12; Lc 21,5-19
Chỉ còn hai tuần nữa chúng ta sẽ kết thúc năm phụng vụ. Khi nói về
ngày tận cùng của thế giới, Lời Chúa hôm nay hướng chúng ta tới bổn phận phải
xây dựng cuộc sống hiện tại qua các bài đọc, đặc biệt là trong bài đọc II,
thánh Phaolô quả quyết: “Ai không làm thì đừng ăn!”
Có lẽ cộng đoàn Thêxalônica là một trong những cộng đoàn đầu tiên,
có những tín hữu đã có những kết luận sai lầm về huấn từ ngày cánh chung của
Chúa Giêsu. Họ cho rằng thật là vô ích để cố gắng hết mình, làm lụng vất vả hay
làm bất cứ điều gì nếu ngày Chúa xảy đến. Vì thế, họ lơ là bổn phận lao động
hằng ngày, và vì sự “ở nhưng” là mẹ đẻ của mọi tật xấu, nên họ ngồi lê đôi
mách. Họ chỉ sống cho qua ngày mà không còn dấn thân cho những dự phóng lâu
dài, chỉ làm việc tối thiểu để đủ sống thôi.
Thánh Phaolô trả lời cho họ trong bài đọc II: “Thế mà chúng tôi nghe
nói: trong anh em có một số người sống vô kỷ luật, chẳng làm việc gì, mà việc
gì cũng xen vào. Nhân danh Chúa Giêsu Kitô, chúng tôi truyền dạy và khuyên nhủ
những người ấy hãy ở yên mà làm việc, để có của nuôi thân” (2 Tx 3,11-12). Ở
phần đầu của đoạn này, thánh Phaolô nhắc lại luật mà ngài đã truyền cho các Kitô
hữu trong cộng đoàn Thêxalônica: “Ai không làm thì cũng đừng ăn” (2 Tx 3,10).
Điều này là một sự mới mẻ đối với con người thời đó. Bởi lẽ, nền văn
hóa thời đó mà họ thuộc về là văn hóa coi thường việc lao động chân tay. Người
ta nhìn những công việc tay chân là những việc làm đê hèn, thấp kém, chỉ dành
cho những người nô lệ và những người ít học.
Nhưng Kinh Thánh có một cái nhìn khác. Từ những trang đầu tiên, Kinh
Thánh giới thiệu Thiên Chúa làm việc trong sáu ngày và ngày thứ Bảy Người nghỉ
ngơi. Trong Kinh Thánh, tất cả những điều này xảy ra trước khi tội lỗi xuất
hiện. Chính Chúa Giêsu cũng quả quyết: “Cho đến nay, Cha tôi vẫn làm việc, thì
tôi cũng làm việc” (Ga 5,17). Trong thời gian sống ẩn giật tại Nadarét, Chúa
Giêsu cũng đã chăm chỉ lao động cùng với thánh Giuse và đức Maria.
Vì thế, lao động tự bản chất thuộc một phần bản tính của con người.
Mỗi công việc lao động tự nó đều có giá trị. Lao động chân tay cũng giá trị và
cao trọng như lao động tri thức và tâm linh.
Trong Thông Điệp Laborem
exercens (1981), Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trình bày về giá trị của
lao động theo cái nhìn Kitô giáo, được tóm tắt trong ba điểm sau đây:
1- Lao động giúp mỗi người
hoàn thiện bản thân
Lao động là một điều tốt của con người, bởi vì nhờ lao động mà con
người không chỉ cải tạo thiên nhiên, nhưng còn giúp con người thực hiện ơn gọi
của mình xét như là một nhân vị. Theo nghĩa này, con người càng trở nên chính
mình, nên hoàn thiện mình nhờ lao động. Khi lao động, ngoài những hiệu quả
khách quan và mang lại sản phẩm, còn là một hành vi cá nhân mà toàn thể con
người tham dự, cả thể xác lẫn tinh thần. Như thế, lao động không phải là gánh
nặng, là hình phạt và sự rủi ro, nhưng là bổn phận, quyền lợi, và là sự chúc
lành của Thiên Chúa để chúng ta hoàn thiện chính mình, thi thố tài năng và rèn
luyện các nhân đức. Nhờ lao động, con người nên hoàn thiện và ai tích cực lao
động sẽ nên thánh nhờ lao động.
2- Lao động là cộng tác
với Thiên Chúa
Giá trị thứ hai của lao động là con người được tham dự và cộng tác
vào hoạt động sáng tạo của Thiên Chúa, Đấng đã giao phó công trình của người
cho con người để con người tiếp tục phát triển và sinh lợi cho mọi người. Vì
điều này, một người lao động là một người sáng tạo. Ý thức rằng lao động của con
người là sự tham gia vào công trình của Thiên Chúa, nên khi lao động con người
phải hướng tới những mục đích mà Công Đồng dạy:
“Thật vậy, trong khi mưu sinh cho mình và cho gia đình, tất cả những
người nam cũng như nữ hoạt động để phục vụ xã hội một cách hữu hiệu đều có lý
để tin rằng nhờ lao công của mình, họ tiếp nối công trình của Đấng Tạo Hóa,
phục vụ anh em, đóng góp công lao mình vào việc hoàn thành ý định của Thiên
Chúa trong lịch sử” (GS 34).
3- Lao động phục vụ tha
nhân
Đức tin Kitô giáo không cho phép cho người tín hữu sao nhãng bổn
phận trần thế là xây dựng thế giới xã hội cũng như có thái độ vô tâm đối với
tha nhân, nhưng ngược lại, Đức tin đòi buộc chúng ta phải dấn thân để phát
triển xã hội và giúp đỡ tha nhân bằng lao động của mình. Bởi vậy, mỗi người
được mời gọi phải hướng lao động của mình tới việc phục vụ con người sống trong
xã hội. Khi lao động, chúng ta tạo ra nhiều sản phẩm, gia tăng sự giàu có vật
chất và phát triển khoa học kỹ thuật, phát triển văn hóa, nhờ đó, giúp con
người phát triển phẩm giá, sống đúng phẩm giá trong đoàn kết, hiệp thông và tôn
trọng tự do lẫn nhau.
Tuy nhiên, các bậc thầy tu đức vĩ đại dạy chúng ta rằng phải biết
kết hợp giữa lao động với cầu nguyện: “Ora et labora.” Bổn phận mỗi ngày của
chúng ta là phải cố gắng hết mình để làm cho lời cầu trong Kinh Lạy Cha được
thực hiện: “Xin cho Nước Cha ngự đến.” Mỗi người được mời gọi lao động tích
cực, nhưng đồng thời cũng không quên bổn phận cầu nguyện mỗi ngày, như là linh
hồn cho công việc chúng ta. Như thế, mỗi lần chúng ta tới nhà thờ dâng lễ,
chúng ta dâng lên Thiên Chúa bánh và rượu của chúng ta, đó là hoa màu ruộng đất
và lao công con người cũng như những thành quả lao động. Thánh Thể trở thành
biểu tượng sự kết hợp giữa lao động và cầu nguyện. Nhờ đó, cuộc sống mỗi người
sẽ có ý nghĩa hơn cho mình và cho người khác. Nhờ lao động, chúng ta chuẩn bị
cho cuộc sống mai hậu. Vì thiên đàng chỉ dành cho những ai làm việc tích cực.
Amen!
No comments:
Post a Comment