THỨ HAI CHÚA NHẬT
XXXII THƯỜNG NIÊN C
Lc 17,1-6
Bài Tin Mừng là sưu tập giáo huấn
liên quan đến đời sống cộng đoàn: cớ vấp ngã, tha thứ và lòng tin. Cả ba có sự
liện hệ mật thiết với nhau.
Trước hết, cớ vấp ngã: Trong tiếng
Hy Lạp là từ scandalon, tiếng Anh gần giống: scandal. Nó có hai nghĩa: nó là
chướng ngại, bạm bẫy, viên đá vấp chân làm cho ngã: Trong Kinh Thánh cớ vấp ngã
là chính Chúa Giêsu, sự bách hại, thế gian và loài người…
Theo nghĩa hiện đại,
đó là gương xấu, hay các vụ tai tiếng. Thời nào cũng có những chuyện như thế,
nhưng Chúa nói là “khốn cho những kẻ làm cớ cho người ta vấp ngã. Thà buộc cối
đá lớn vào cổ nó và xô xuống biển, còn lợi cho nó hơn là để nó làm cớ cho kẻ bé
mọn vấp ngã.
Ngày hôm nay, chúng ta nghe nói
nhiều những vụ bê bối của một số giáo sĩ trên thế giới, mà những hậu quả của nó
thật khôn lường cho Giáo Hội, nhất là đối với các nạn nhân trẻ em và những
người dễ bị tổn thương. Ở Mỹ một số giáo phận như Boston, Los Angeles phải điêu
đứng kinh tế vì những vụ kiện giáo sỹ lạm dụng tính dục trẻ em. Ở Úc, Chilê,
Island cũng thế. Có những giáo phận như Addelay vì giám mục bị tố cáo, nên cả
giáo phận như chết.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô đề cập
đến ba thứ lạm dụng của hàng giáo sỹ: Lạm dụng quyền, lạm dụng lương tâm và lạm
dụng tính dục.
Việc lạm dụng tính dục trẻ em
không chỉ là tội mà còn là tội phạm. Vì thế, Tòa Thánh đã có chủ trương “zero
tolerance” đối với những ai có hành vi như thế. Nên chúng ta phải đề phòng.
Tha thứ: khi sống chung,
nếu có người xúc phạm đến anh, phải tha bao nhiêu lần? Đối với người Việt, quá
tam ba bận. Đối với Rabbi tha ba lần là thánh lắm rồi. Đối với Phêrô, tha bảy
lần là con số hoàn hảo. Nhưng đối với Chúa Giêsu, 70 mươi lần bảy, có nghĩa là
không giới hạn. Điều này làm chúng ta giống Thiên Chúa, Đấng luôn tha thứ cho chúng ta. Thánh
Phaolô nói rằng: “Vì Chúa đã tha thứ cho anh em, nên anh em cũng phải tha thứ
cho nhau” (Cl 3,13). Tha thứ cho người khác là điều kiện để được Chúa tha thứ.
Như trong Kinh Lạy Cha chúng ta xin.
Thực tế, đây là điều rất khó thực hiện,
nhiều lúc tha mà không thứ. Trong tiếng Anh có hai từ: Forgive và forget: tha
thứ và quên. Nhiều khi chúng ta tha thứ nhưng không quên được những lỗi lầm của
họ. Còn Chúa thì quên. Hãy học quyên và tha thứ như Chúa.
Cuối
cùng là lòng tin: “Xin thêm lòng tin cho chúng con.” Lời cầu xin này cho thấy
mấu chốt của vấn đề mà các Tông Đồ đã nhận ra, tất cả là do thiếu đức tin. Đức
Giáo Hoàng Biển Đức XVI trong cuốn “Muối Cho Đời” đã có lý khi nói rằng: Tất cả
mọi khủng hoảng trong Giáo Hội đều bắt nguồn từ một nguyên nhân chính là do
khủng hoảng đức tin.
Chúa Giêsu nói: Nếu anh em có lòng tin
bằng hạt cải, thì anh em bảo cây dâu bật rễ lên và xuống dưới biển mà mọc, nó
cũng vâng lời. Chúa muốn nói đến sức mạnh của niềm tin.
Nhiều khi chúng ta chữa trị vấn đề từ
ngọn, chứ không phải từ gốc của nó. Nên rốt cuộc không đi đến đâu. Vấn đề không
phải các linh mục không được lấy vợ. Vấn đề không phải do xã hội đã thay đổi.
Nhưng vấn đề là do đức tin yếu kém.
Bởi thế, mỗi ngày, chúng ta cầu nguyện
xin Chúa gia tăng lòng tin cho mình, đồng thời cố gắng trau dồi đức tin đó vững
mạnh, có chiều sâu và mang tính cá vị bằng nghiên cứu và kết hợp với Chúa, nhờ
đó chúng ta có thể đứng vững trước những thách đố và cạm bẫy của cuộc sống hôm
nay.
No comments:
Post a Comment