Kn 11,22-12,2 ; 2Tx 1,11-2,2 ; Lc 19,1-10.
Trong tác
phẩm nổi tiếng Những Kẻ Khốn Cùng (Les Misérables), văn hào Victor Hugo miêu tả câu
chuyện về cuộc đời của Văn Giang (Han Valjean), một tên cướp của giết
người đã từng bị ở tù 19 năm. Khi vừa được thả ra, anh đã phải nếm
mùi khinh dể vì bị mọi người xa lánh: Bước vào tiệm ăn, anh liền bị
chủ tiệm xua đuổi; vào nhà trọ, thì người gác cửa đã đóng sập cửa
ngay trước mặt; đi qua lũ chó, thấy bộ dạng nhếch nhác râu ria của
anh, chúng liền thi nhau sủa inh ỏi… Chỉ khi bước vào nhà Đức Giám
mục Myriê, anh mới được tiếp đãi nồng hậu như một con người: Anh được
ăn một bữa tối thật ngon, được nằm trên một chiếc giường êm ấm.
Nhưng
rồi đêm hôm ấy, nhìn thấy các chân đèn bằng bạc quí giá, anh không
cưỡng nổi lòng tham, nên nhẹ nhàng lấy năm cái chân đèn cho vào bao,
rồi chuồn mất. Nhìn thấy bộ dạng khả nghi của anh, cảnh sát liền đòi
khám xét chiếc túi vải anh đang vác trên vai và họ nhìn thấy mấy cái
chân đèn bằng bạc. Anh liền bị giải đến trước mặt vị giám mục để
làm rõ. Nhưng ngài không những không kết tội, mà còn nhận là đã
tặng cho anh mấy cái chân đèn bạc kia. Hơn nữa, ngài còn tặng thêm hai
chân đèn nữa cho đủ bộ và nói nhỏ với anh: “Ta không kết tội con đâu,
nhưng con phải sám hối để làm lại cuộc đời.” Sau khi được thả, anh
luôn suy nghĩ về những lời nhắn nhủ của vị giám mục và xúc động
trước tình thương bao dung của ngài. Anh quyết tâm sám hối và sau đó
đã trở thành một người lương thiện. Nhiều năm sau, Văn Giang đã chinh
phục được tình cảm của mọi người và còn được dân chúng tín nhiệm bầu
làm thị trưởng của thành phố. Sở dĩ từ một tên tội phạm trở thành
một người lương thiện và được kính nể là do ông đã cảm nghiệm được
tình thương của vị giám mục Myriê.
Câu chuyện
trên đây có điều gì đó rất giống với câu chuyện Tin Mừng hôm nay. Thánh Luca
trình thuật lại biến cố Chúa Giêsu vào thành Giêricô. Ở đó có một người tên là
Dakêu. Ông đứng đầu những người thu thuế và là người giàu có. Khi Chúa Giêsu đi
qua, vì dân chúng thì đông, mà ông ta lại lùn. Ông liền chạy phía trước, leo
lên một cây sung để xem Đức Giêsu. Thấy thế, Chúa Giêsu bảo ông: “Này ông
Dakêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông!” Ông vội vàng tụt xuống
và mừng rỡ đón rước Người. Sau khi đón tiếp Chúa, ông tuyên bố rằng: “Thưa
Ngài, tôi xin lấy phân nửa tài sản của tôi mà cho người nghèo; và nếu tôi đã
chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn” (x. Lc 19,1-10).
Qua câu chuyện Tin Mừng hôm nay, thánh Luca muốn minh chứng cho chúng ta
thấy những yếu tố làm nên cuộc hoán cải kỳ diệu của Dakêu.
1- Lòng thương xót của Thiên Chúa
Yếu tố thứ nhất phải nói đến đó là lòng thương xót của Thiên Chúa, được
thể hiện qua những hành vi cứu độ và rất nhân bản của Chúa Giêsu đối với ông
Dakêu.
Bất chấp lý lịch ‘không mấy trong sáng’ của ông, Chúa Giêsu không nhìn
ông với cái nhìn loại trừ và khinh bỉ như những người Do Thái; Người đã chủ
động gặp ông, gọi tên ông và đến nhà ông dùng bữa. Luca muốn diễn tả sự hiện
diện của Chúa Giêsu tại nhà ông chính là sự hiện diện của một Thiên Chúa cứu
độ. Người là hiện thân của một vị Thiên Chúa giàu lòng thương xót và tha thứ.
Người đến để “tìm kiếm và cứu chữa những gì đã mất (Lc 19,10). Quả thế, Đức
Giêsu chính là vị Thiên Chúa say mê con người, khát khao cứu độ con người; bởi
đó, Người đã đi bước trước trong việc tìm kiếm, gặp gỡ và cứu độ con người.
Chính lòng thương xót đó đã đụng chạm con tim của Dakêu và biến đổi ông. Đây là
yếu tố quyết định làm nên cuộc hoán cải lạ lùng nơi Dakêu cũng như nơi biết bao
tội nhân trong lịch sử của Giáo Hội.
Quả vậy, Thiên Chúa luôn mong muốn các tội nhân hoán cải. Người đi bước
trước để giúp họ trở về. Cũng như vị giám mục trong câu chuyện trên đã hành xử
theo lòng tốt, nhờ đó đã hoán cải tên cướp Văn Giang. Thiên Chúa không hành xử
với tội nhân theo luật công bình, nhưng là theo lòng thương xót để tạo cơ hội
giúp họ hoán cải. Đây là yếu tố của lòng thương xót, yếu tố của ân sủng.
2- Sự đáp trả của con người
Yếu tố thứ hai là sự thiện chí của Dakêu hay nói đúng hơn chính là sự
cộng tác của ông. Dẫu là một người lùn, lại bị liệt vào hàng tội lỗi vì nghề
thu thuế, bị loại trừ và khinh bỉ, nhưng Dakêu đã biết tìm mọi cách để vượt lên
những giới hạn đó để được thấy Chúa. Những hành động của ông minh chứng ông là
một người rất có thiện chí: “Trèo lên cây sung,” “tụt xuống để đón Chúa vào
nhà,” “tiếp đãi Chúa” và nhất là “lấy tài sản bố thí và đền bù gấp bốn cho
những ai thiệt hại.” Luca cho thấy những hành vi này diễn tả sự khát khao, sự
đón nhận và cộng tác của ông với ơn Chúa. Sự thiện chí này là điều kiện cần
thiết để cho ơn Chúa sinh hoa kết quả. Từ một “người tội lỗi,” bây giờ ông
Dakêu được Chúa phục hồi quyền làm “con cháu tổ phụ Ápbraham.”
Như thế, ân sủng kết hợp với sự cộng tác của con người tạo nên một cuộc
đổi đời, một sự hoán cải kỳ diệu nơi Dakêu. Đó là hai yếu tố cần thiết cho mọi
sự hoán cải. Đúng như lời thánh Augustinô nói: “Khi tạo dựng nên con, Chúa
không cần con, nhưng để cứu chuộc con, cần phải có con.”
3- Hoa trái của hoán cải
Hoa trái của hoán cải là trở về với Thiên Chúa và hướng tới một đời sống
công bình, huynh đệ và bác ái đối với tha nhân như trường hợp Dakêu. Sau khi
gặp gỡ Chúa Giêsu tại nhà mình, ông quyết định lấy phân nửa tài sản của ông mà cho người nghèo và xin đền
gấp bốn cho những người ông đã chiếm đoạt của cải của họ (x. Lc 19,8). Về điểm
này, luật Môsê buộc phải đền trả những gì đã chiếm đoạt của người khác hơn một
phần năm. Trong khi đó, luật Rôma buộc phải đền gấp bốn. Dakêu thực hiện theo
luật này. Ngoài ra, ông còn sẵn sàng chia một nửa tài sản cho người nghèo. Quả
thế, sự biến đổi từ bên trong con người phải được thể hiện ra bên ngoài, như là
hoa quả của việc hoán cải. Rõ ràng ông có một sự hoán cải tận căn, thay đổi não
trạng, cách nghĩ khi không coi tiền bạc là trên hết, ông thay đổi con tim khi
không còn bám víu và nô lệ tiền bạc và địa vị, ông thay đổi đời sống ích kỷ khi
hướng tới tha nhân bằng đời sống công bình và bác ái.
Qua câu chuyện hoán cải của Dakêu, một đàng, chúng ta được mời gọi hãy
tín thác vào lòng thương xót Chúa; đàng khác, noi gương Dakêu, chúng ta hãy cố
gắng hết mình, làm hết sức để cộng tác với ơn Chúa trong việc hoán cải bản thân
cũng như tha nhân. Như một tác giả tu đức nói rằng: để được cứu độ, chúng ta
hãy để cho Chúa làm nơi chúng ta 100% do ân sủng Chúa và đồng thời chúng ta
phải làm hết sức mình 100% do nỗ lực cá nhân mỗi người.
Nguyện xin Chúa Giêsu
đến viếng thăm ngôi nhà mỗi người và mang ơn cứu độ cho chúng ta để mỗi người
cũng trở thành những Dakêu mới cho cuộc sống hôm nay. Amen!
No comments:
Post a Comment